Thứ sáu, ngày 29/3/2024

Lịch sử phát triển của Hội Liên hiệp Phụ nữ Hải Dương

Thứ Ba 13/10/2020 20:00

Xem với cỡ chữ
Tháng 6 năm 1940, Ban Tỉnh uỷ Hải Dương được thành lập, trong Ban Tỉnh uỷ đầu tiên có đồng chí Chu Thị Kim Sơn là nữ. Đồng chí Kim Sơn được Tỉnh uỷ phân công phụ trách công tác phụ vận và địch vận. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ Hải Dương, các nhóm phụ nữ và một số gia đình cơ sở cách mạng được phát triển ở nhiều nơi, trong đó tổ chức Phụ nữ phản đế ở Tạ Xá (Nam Sách) hoạt động tích cực nhất.

 

Tháng 6 năm 1940, Ban Tỉnh uỷ Hải Dương được thành lập, trong Ban Tỉnh uỷ đầu tiên có đồng chí Chu Thị Kim Sơn là nữ. Đồng chí Kim Sơn được Tỉnh uỷ phân công phụ trách công tác phụ vận và địch vận. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ Hải Dương, các nhóm phụ nữ và một số gia đình cơ sở cách mạng được phát triển ở nhiều nơi, trong đó tổ chức Phụ nữ phản đế ở Tạ Xá (Nam Sách) hoạt động tích cực nhất. Theo số liệu chưa đầy đủ, đến năm 1941 toàn tỉnh có 53 chị tham gia các tổ nhóm phụ nữ phản đế.

Ngày 16/6/1941, Đoàn phụ nữ cứu quốc Việt Nam ra đời. Ở Hải Dương, tuy chưa có tổ chức chính thức của Đoàn phụ nữ cứu quốc nhưng chị em vẫn tham gia sinh hoạt cùng với quần chúng khác giới trong tổ chức cứu quốc. Thời gian này có tổ chức "Tổ tương tế ái hữu".

Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, dưới sự lãnh đạo của ban cán sự Việt Minh tỉnh, hệ thống tổ chức phụ nữ cứu quốc các cấp trong tỉnh dần dần hình thành. Ban cán sự Tỉnh uỷ phân công đồng chí Lê Thu phụ trách Đoàn phụ nữ cứu quốc. Qua một thời gian tìm hiểu phong trào, lựa chọn những chị tích cực ở các huyện, thị, được sự đồng ý của Tỉnh uỷ, đồng chí Lê Thu đã tổ chức Hội nghị thông qua danh sách BCH phụ nữ tỉnh đầu tiên gồm 13 đồng chí do đồng chí Lê Thu làm Bí thư. Cơ quan phụ nữ tỉnh lúc đầu chỉ có từ 2 – 3 người công tác tại cơ quan, còn các đồng chí khác được phân công về phụ trách các huyện và tổ chức cử ra BCH phụ nữ huyện.

Thực hiện chủ trương của TW Hội LHPN Việt Nam (Ngày 20/10/1946 Hội LHPN Việt Nam được thành lập, lúc này Đoàn phụ nữ cứu quốc là nòng cốt của Hội LHPN Việt Nam) và chỉ đạo của tỉnh uỷ, để vận động đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia kháng chiến, đầu năm 1947, Hội LHPN Hải Dương được thành lập do bà Liên (Vợ ông Bạch Năng Thi - một nhân sĩ yêu nước, ông là hiệu trưởng trường tư thục Đông Hải ở thị xã Hải Dương) làm Hội trưởng. Sau đó, Hội LHPN ở cấp huyện và xã cũng được thành lập. Sau một thời gian, Hội LHPN đã có khoảng 1 vạn hội viên, trong số này có 50% là vợ kỳ hào, 45% nông dân (trung phú nông), 5% trí thức, công chức.

Tháng 4 năm 1950 tại huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên, Đại hội phụ nữ toàn quốc lần I họp và quyết định hợp nhất 2 tổ chức: Đoàn phụ nữ Cứu quốc và Hội LHPN Việt Nam thành một tổ chức là Hội LHPN Việt Nam. Tại Hải Dương, khoảng nửa cuối năm 1950 hai tổ chức Đoàn phụ nữ cứu quốc và Hội LHPN trong tỉnh được hợp nhất thành hội LHPN. Hội LHPN tỉnh lúc này do đồng chí Hoàng Thị Thảo làm Hội trưởng.

Ngày 26 tháng 1 năm 1968, Uỷ ban thường vụ Quốc hội ra nghị quyết số 501 phê chuẩn việc hợp nhất hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên thành tỉnh Hải Hưng. Hội LHPN hai tỉnh cũng hợp nhất thành Hội LHPN Hải Hưng do đồng chí Trần Thị Thí làm Chủ tịch. Sau đợt học tập Nghị quyết của Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ IV, ngày 11/7/1974 Hội LHPN Hải Hưng đã tổ chức Đại hội phụ nữ tỉnh lần thứ I (từ khi hợp nhất nay mới Đại hội) nhằm tổng kết phong trào phụ nữ 10 năm (1964 – 1974) và đề ra phương hướng nhiệm vụ của công tác vận động phụ nữ và phong trào phụ nữ tỉnh trong nhiệm kỳ tới. Đại hội đã bầu ra BCH phụ nữ tỉnh gồm 33 đồng chí do đồng chí Trần Thị Thí làm Hội trưởng. Đại hội tổng kết 10 năm phong trào "Ba đảm đang" giai đoạn (1964 – 1974), đề ra nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh phong trào "Ba đảm đang" và phát động nội dung thi đua mới "Giỏi việc nước, đảm việc nhà, phấn đấu thực hiện nam nữ bình đẳng".

Từ năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, 60 vạn phụ nữ Hải Hưng tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua "Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", "Lao động sản xuất, tiết kiệm xây dựng cuộc sống mới", hội viên, phụ nữ ngày càng có nhiều đóng góp hết sức to lớn vào thắng lợi chung của tỉnh nhà trên các mặt kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng... Đến giai đoạn 1987 - 1991, toàn tỉnh Hải Hưng có gần 70 vạn cán bộ, hội viên phụ nữ. Phong trào phụ nữ và công tác Hội tiếp tục tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phong trào "Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"; thực hiện 2 cuộc vận động "Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình" và "Nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học". Chủ tịch Hội LHPN tỉnh giai đoạn này là các đồng chí Trần Thị Thí, Dương Thị Kim Đào và Nguyễn Thị Soạn.

Từ năm 1992 đến 1996, các cấp Hội LHPN trong tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện 2 cuộc vận động "Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình"; "Nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học" và 5 chương trình trọng tâm. Chủ tịch Hội là đồng chí Đặng Thị Minh Quỳ.

Năm 1997, tỉnh Hải Hưng lại được chia tách thành Hải Dương và Hưng Yên. Giai đoạn 1997 – 2005, phụ nữ Hải Dương triển khai phát động các phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc", "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, cần kiệm xây dựng đất nước" cùng các chương trình trọng tâm. Chủ tịch Hội LHPN tỉnh giai đoạn này là đồng chí Đặng Thị Minh Quỳ và Đào Thị Phương Phúc.

Từ năm 2006 – 2010, phụ nữ Hải Dương tích cực thực hiện các phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc" gắn với Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; triển khai Cuộc vận động Xây dựng Mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo và thực hiện 6 chương trình công tác trọng tâm. Chủ tịch Hội LHPN tỉnh là đồng chí Bùi Thị Hoàn.

Giai đoạn 2010 – 2020, phụ nữ toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" gắn với Chỉ thị 03 của Bộ chính trị về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"  và triển khai cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch" góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm công tác. Chủ tịch Hội LHPN tỉnh là đồng chí Vũ Thị Thủy.

Các thế hệ phụ nữ Hải Dương luôn phát huy truyền thống "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" trong công cuộc bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước và sẽ tiếp tục trau dồi rèn luyện các phẩm chất "Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang" để viết tiếp những trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc.

Hội LHPN tỉnh Hải Dương

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: