Thứ năm, ngày 25/4/2024

Phát huy truyền thống vẻ vang, xây dựng tổ chức Hội và giai cấp nông dân ngày càng vững mạnh

Thứ Hai 12/10/2020 10:32

Xem với cỡ chữ
Các hoạt động kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14.10.1930 - 14.10.2020) năm nay diễn ra trong bối cảnh rất quan trọng, mang ý nghĩa đặc biệt: Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII sắp được tổ chức; các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đang ra sức thi đua, lập thành tích chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Hội nghị giao ban công tác Hội và phong trào nông dân các tỉnh, thành phố Cụm thi đua số 3 tại Hải Dương năm 2019

Nhìn lại chặng đường đầy tự hào, vẻ vang 90 năm qua của Hội Nông dân Việt Nam nói chung, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh nói riêng, có thể khẳng định dù ở thời kỳ nào, giai cấp nông dân mà nòng cốt là các cấp Hội là một lực lượng cách mạng rất quan trọng, luôn trung thành và thực hiện thắng lợi sứ mệnh mà Đảng, Tổ quốc giao phó.

Cuối năm 1928, đồng chí Trần Khắc Quảng (tức Khóa Nam), một hội viên của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội đã thành lập tổ chức Nông hội đỏ đầu tiên ở tỉnh ta tại thôn Lập Lễ, xã Thanh Hồng (Thanh Hà). Nông hội đỏ ở Lập Lễ đã lãnh đạo hội viên bí mật treo cờ, dán áp phích, rải truyền đơn, đấu tranh thắng lợi với bọn quan lại, hào lý, địa chủ trong vùng. Phong trào đấu tranh của nông dân Lập Lễ trở thành điểm sáng, lan rộng tới các địa phương khác trong tỉnh. Sau này, tổ chức Nông dân cứu quốc - thành viên của Mặt trận Việt Minh đã vận động nông dân trong tỉnh đấu tranh chống địch cướp bóc, chống sưu thuế và nhổ lúa trồng đay…

Đầu tháng 8.1945, phong trào cách mạng ở Hải Dương phát triển thành cao trào rộng lớn. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lệnh Tổng khởi nghĩa, hàng vạn nông dân tỉnh ta đã vùng lên tham gia khởi nghĩa giành chính quyền.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nông dân Hải Dương đã chung sức đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, vừa sản xuất dựng xây đất nước, vừa chiến đấu chống kẻ thù xâm lược. Nông dân Hải Dương đã lao động hăng say, thực hiện tốt các phong trào như “tấc đất tấc vàng”, “hũ gạo kháng chiến”, “sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi”, “mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”… góp sức cùng quân dân cả nước đánh thắng kẻ thù xâm lược.

Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, giai cấp nông dân Hải Dương mà tổ chức hội nông dân các cấp là nòng cốt đã tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.

Nông dân Hải Dương hiện chiếm hơn 70% số dân toàn tỉnh. Số hội viên hiện có 385.752 người, chiếm 131,4% số hộ nông dân. Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã làm tốt công tác tập hợp, đoàn kết, phát huy vị trí, vai trò to lớn của giai cấp nông dân. Các cấp Hội luôn đồng hành, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, không ngừng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên.

Công tác xây dựng Hội luôn được quan tâm thường xuyên. Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã có nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho các bộ, hội viên, nhất là hướng mạnh các hoạt động về cơ sở, coi trọng tuyên truyền gắn với vận động, hướng dẫn thông qua các mô hình cụ thể, gương người tốt việc tốt. Các cấp Hội quan tâm chỉ đạo, thực hiện đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi, tổ hội, củng cố, xây dựng tổ chức hội vững mạnh. Tập trung xây dựng mô hình điểm chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp, giúp đỡ cơ sở hội có hạn chế từng mặt. Chú trọng công tác vận động, tập hợp nông dân để phát triển hội viên bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền về tổ chức Hội; hỗ trợ nông dân về giống, vốn, kinh nghiệm sản xuất, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật… Với những biện pháp hiệu quả nêu trên, tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, phát triển. Số hội viên kết nạp mới hằng năm ngày càng tăng. Các tổ chức cơ sở Hội không ngừng mở rộng, toàn tỉnh hiện có 1.314 chi hội thuộc 229 cơ sở Hội. Tỷ lệ cơ sở Hội đạt vững mạnh ngày càng tăng, không có cơ sở yếu kém.

Nét nổi bật trong nhiều năm qua là các cấp Hội đã đoàn kết, tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước. Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” tiếp tục có sức lan tỏa, trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế - xã hội ở nông thôn, tạo động lực khích lệ nông dân làm giàu. Bình quân mỗi năm có trên 192.000 hộ nông dân đăng ký phấn đấu trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi. Qua bình xét hằng năm có trên 130.000 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Thông qua phong trào này, nhiều hộ sản xuất, kinh doanh giỏi đã nhận giúp đỡ các hộ nghèo, giúp họ vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Các hội viên, nông dân tích cực hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. 5 năm qua, các cấp Hội đã vận động nông dân đóng góp gần 900 tỷ đồng, 1,6 triệu ngày công lao động, hiến 171 ha đất, tham gia xây dựng, sửa chữa 2.780 km đường giao thông nông thôn…

Hội Nông dân tỉnh kiểm tra mô hình tổ hội nông dân nghề nghiệp sản xuất và tiêu thụ cam an toàn tại Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện

Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh luôn quan tâm mở rộng, nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất; vận động, hướng dẫn nông dân phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn. Quỹ hỗ trợ nông dân ở các cấp đều được quan tâm xây dựng và sử dụng hiệu quả. Nhờ phối hợp tốt với các ngân hàng, các cấp Hội đã tín chấp, bảo lãnh cho hàng nghìn lượt hộ nông dân vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Hội đã chủ động hơn trong đề xuất, thực hiện một số chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn, qua đó nâng cao vị thế, vai trò của mình. Hoạt động dạy nghề, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật được quan tâm chỉ đạo, thực hiện. Một điểm nhấn rõ nét là Hội Nông dân tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hỗ trợ thông tin, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ nông sản cho nông dân. Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp giới thiệu, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cho nhiều nông sản tiêu biểu của tỉnh.

Không chỉ sát cánh cùng nông dân, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh mà các cấp Hội Nông dân còn tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; tham gia xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Thời gian tới, công tác Hội và phong trào nông dân Hải Dương diễn ra trong bối cảnh nhiều thuận lợi, song cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức. Đảng, Nhà nước và tỉnh luôn quan tâm, có nhiều cơ chế, chính sách để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025 diễn ra từ ngày 25 - 27/10/2020 sẽ quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ trong 5 năm tới, với tầm nhìn xa hơn và yêu cầu phát triển cao hơn. Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân vẫn được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu với những định hướng phát triển mới theo hướng tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, từ đó nâng cao đời sống nhân dân và xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Cần cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; tích tụ ruộng đất và hình thành các vùng sản xuất tập trung. Nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, trong đó chú trọng việc chuyển đổi và sử dụng linh hoạt đất trồng lúa sang trồng cây rau màu, cây hàng năm khác có hiệu quả kinh tế cao hơn nhằm bảo đảm phát triển hài hòa giữa kinh tế và an ninh lương thực. Quy hoạch, phát triển các vùng trọng điểm, chuyên canh sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh ở những địa phương có lợi thế. Đổi mới tổ chức sản xuất, gắn sản xuất với thị trường trên cơ sở tích tụ đất đai, thu hút các doanh nghiệp đầu tư hình thành các liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ . Quan tâm đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế.

Bám sát định hướng, các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên. Các cấp Hội cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần “Dân chủ - Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập - Phát triển”, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, thực sự là trung tâm, nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động theo hướng kết hợp chặt chẽ công tác tập hợp, tuyên truyền, vận động hội viên nông dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với tăng cường các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ, dạy nghề, đáp ứng nhu cầu và lợi ích thiết thực của hội viên nông dân. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước. Huy động các nguồn lực hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Tiếp tục làm tốt vai trò chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân, đồng thời quan tâm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trình độ của cán bộ, hội viên, nông dân, từng bước xây dựng đội ngũ lao động nông thôn có năng lực tốt, tác phong công nghiệp, đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Với truyền thống vẻ vang trong 90 năm qua, tôi tin tưởng sâu sắc rằng các cấp Hội Nông dân trong tỉnh cùng với nông dân Hải Dương sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực, sáng tạo, gặt hái thêm nhiều thành công trên chặng đường mới, góp phần xây dựng tỉnh Hải Dương giàu mạnh, văn minh.

Phạm Xuân Thăng, PBTTT Tỉnh ủy

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: