Thứ năm, ngày 25/4/2024

Khối Nghệ thuật thực tế sáng tác tại tỉnh Lào Cai

Thứ Ba 07/07/2020 17:14

Xem với cỡ chữ
Thực hiện kế hoạch công tác của Hội, từ ngày 30/6 đến 02/7/2020, Cơ quan Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức cho khối nghệ thuật thực tế sáng tác tại tỉnh Lào Cai.Tham gia có 23 thành viên là các nghệ sĩ nhiếp ảnh, họa sĩ, nhạc sĩ của các ban nhiếp ảnh, mỹ thuật, âm nhạc- múa, chuyên viên Cơ quan Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh.

Trong các ngày trên, đoàn đã giao lưu với cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Trịnh Tường, xã Trịnh Tường; thực tế sáng tác tại Cột cờ Lũng Pô – Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt tại xã A Mú Sung ( đều của huyện Bát Xát). Thay mặt đoàn, đồng chí Trương Thị Thương Huyền, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cám ơn cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trịnh Tường đã có sự quan tâm, gắn bó mật thiết với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hải Dương trong nhiều năm qua. Đồng chí Trương Thị Thương Huyền chúc cán bộ chiến sĩ đồn Biên phòng Trịnh Tường dồi dào sức khỏe, chắc tay súng nơi biên cương của Tổ quốc, phát huy truyền thống của bộ đội biên phòng: "Đồn là nhà, Biên giới là quê hương, Đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt"

Ảnh: Đoàn giao lưu với cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Trịnh Tường, xã Trịnh Tường

Tại xã Y Tý, đoàn đã thực tế khám phá nét sinh hoạt thường nhật, đời sống văn hóa, phong tục tập quán, cảnh sắc thiên nhiên ở trung tâm xã, bản Lao Chải, Mù Phu Chải...

Đặc biệt ngày 1/7 đoàn đã tới tham dự Lễ hội Khu Già Già của đồng bào Hà Nhì tại bản Choản Thèn. Đây là lễ hội cầu mùa, lễ hội ăn trâu, Tết tháng Sáu, cũng là lễ hội lớn nhất trong năm của dân tộc Hà Nhì. Người Hà Nhì tổ chức lễ hội này để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, chăn nuôi thịnh vượng; đây còn là dịp bày tỏ lòng biết ơn đối với các vị thần linh, tổ tiên của mình… Trong lễ hội Khu Già Già, những gia đình có con cái lấy chồng, lấy vợ hoặc sinh sống ở xa đều sắp xếp về lễ Tết, thăm hỏi bố mẹ.

Nghi thức quan trọng nhất của lễ hội Khu Già Già là hiến sinh trâu cho thần linh tại công viên nằm ở cuối bản. Sau khi mổ trâu người ta chia thịt trâu cho các gia đình trong bản mang về làm lễ cúng tổ tiên. Sau hôm thịt trâu, thầy cúng cùng đại diện các gia đình trong bản chuẩn bị mâm lễ mang ra lán thờ để cùng làm lễ cúng thần linh. Sau lễ cúng các mâm cúng của từng nhà được mang vào khu lán thờ để cùng nhau ăn uống. Trong các ngày lễ hội, người dân trong bản vui chơi và  kiêng  không chặt cậy, cắt cỏ, băm chặt... Phần hội có hai trò chơi độc đáo là đu quay và đu dây.

Ảnh: Các hoạ sĩ đang thâm nhập tìm hiểu cuộc sống thường nhật của người dân thôn Choản Thèn

Hiện nay, Lễ hội Khu Già Già của người Hà Nhì ở Lào Cai trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước tới tham dự, trải nghiệm. Lễ hội này được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ năm 2015.

Trong chuyến thực tế sáng tác, các nghệ sĩ nhiếp ảnh, họa sĩ đã cho ra mắt hàng trăm tác phẩm tranh, ảnh nghệ thuật có giá trị.

Ngọc Hùng

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: