Chủ nhật, ngày 28/4/2024

Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội trên địa bàn tỉnh

Thứ Tư 28/08/2019 14:49

Xem với cỡ chữ
Trong những năm qua, dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền các cấp, sự tham gia hưởng ứng của đông đảo đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực trong việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường hướng về cơ sở; triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 62- KL/TW, ngày 31/10/2008 của Bộ Chính trị “về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”, góp phần tích cực cho mục tiêu kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh; tạo sự đồng thuận, mở rộng dân chủ, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trên địa bàn tỉnh

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển đối thoại với cán bộ, đoàn viên, thanh niên tại Hội nghị tiếp xúc đối thoại của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh với cán bộ, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh. (Tháng 3/2019)

Nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị -xã hội, các cấp uỷ đảng trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo xây dựng về tổ chức bộ máy, xác định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể - chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương của Đảng về công tác dân vận, công tác Mặt trận, đoàn thể. Định kỳ thường trực cấp ủy chủ trì giao ban với lãnh đạo Ủy ban Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội nghe báo cáo tình hình hoạt động; đồng thời xem xét, giải quyết những kiến nghị, đề xuất của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị- xã hội cùng cấp.

Kết quả tiêu biểu trong 10 năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp giữ vai trò nòng cốt trong việc tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân với phương châm hoạt động hướng mạnh về cơ sở, triển khai các phong trào thi đua có tính thực tiễn cao, gắn bó thiết thực với đời sống nhân dân, thu hút đoàn viên, hội viên tham gia vào các tổ chức hội, đoàn thể. Nhiều phong trào thi đua có nội dung, ý nghĩa thiết thực, phát huy được ý chí tự lực, tự cường, khơi dậy tiềm năng, sức mạnh của cộng đồng tham gia giải quyết các vấn đề dân sinh, dân chủ, dân trí ở thôn, khu dân cư như: MTTQ với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”; ''Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam''; “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc”; “Thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Thanh niên 5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, “Cựu chiến binh gương mẫu”; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”;…

Tiêu biểu, MTTQ các cấp đã vận động được 136 tỷ đồng để xây mới 1095 và sửa chữa 161 ngôi tổng số tiền là 42,5 tỷ đồng; tặng 118.34 suất quà tết với số tiền 48,6 tỷ đồng; hỗ trợ 19.000 lượt hộ nghèo với số tiền 11 tỷ đồng. Các tổ chức thành viên huy động mọi nguồn lực hỗ trợ với tổng số tiền trên 212 tỷ  đồng để xây 524 ngôi nhà, sửa chữa 64 ngôi; tặng 200.000 suất quà cho đoàn viên, hội viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Hội Cựu chiến binh các cấp hỗ trợ trên 9 tỷ đồng xây tặng 101 ngôi nhà và sửa chữa 36 ngôi, tặng 32519 suất quà...

Cùng với việc nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội luôn quan tâm, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân. MTTQ và đoàn thể các cấp đã tập trung vào hỗ trợ các mô hình phát triển kinh tế thoát nghèo bền vững cho các hộ nghèo; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và một số Ngân hàng thương mại khai thác nguồn vốn cho đoàn viên, hội viên và nhân dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, góp phần tăng thu nhập. Điển hình như: Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đang quản lý, điều hành trên 2.498 tỷ đồng cho 73.640 hộ vay. Hội CCB đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội 108,566 tỷ cho 1.330 hộ hội viên vay, tạo điều kiện thuận lợi giúp hội viên giải quyết khó khăn trong huy động vốn. Hội Nông dân phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội tín chấp, bảo lãnh cho 131.259 lượt hộ vay với số tiền 1.826,3 tỷ đồng.

Bên cạnh nguồn vốn ngân sách nhà nước, việc xã hội hóa huy động các nguồn lực giúp đỡ đoàn viên, hội viên thoát nghèo cũng được trú trọng, đến nay quỹ hội của các tổ chức đoàn thể đã vận động được hàng chục tỷ đồng cho đoàn viên, hội viên vay vốn không lấy lãi để phát triển kinh tế gia đình; vận động công nhân viên chức, lao động, các doanh nghiệp ủng hộ xây dựng hàng trăm ngôi nhà “Mái ấm công đoàn”, “Mái ấm tình thương”; nhà ”Đại đoàn kết”...; phối hợp với UBND các cấp trong việc tiếp xúc, đối thoại với đoàn viên, hội viên và nhân dân về những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân, giải quyết nhiều vụ việc phát sinh ở cơ sở, góp phần đảm bảo ổn định về chính trị - xã hội trên địa bàn.

Công tác vận động, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân được tăng cường, phát huy và thực hiện tốt quyền làm chủ của nhân dân. Hệ thống tổ chức Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, kiện toàn, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đổi mới cách tập hợp, thu hút đoàn viên, hội viên thông qua mô hình câu lạc bộ, đội, nhóm đối tượng, sở thích ; tích cực kiện toàn, thành lập mới các tổ chức đoàn thể ở cơ sở theo quy định của pháp luật và Điều lệ. Tỷ lệ tập hợp đoàn viên, hội viên tham gia vào tổ chức đoàn, hội luôn ở mức cao, ổn định. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, sau Đại hội MTTQ cấp huyện, đã có 9/12 huyện, thành phố đồng chí Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ. Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh đã xây dựng kế hoạch và triển khai Đề án vị trí việc làm, từng bước thực hiện tinh giảm biên chế theo lộ trình; sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối.

Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng đã tôn trọng tính tự chủ, ủng hộ mọi hoạt động tự nguyện, tích cực, sáng tạo và lắng nghe ý kiến đóng góp của MTTQ và các đoàn thể, tạo điều kiện để MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội hoạt động có hiệu quả, thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội. Từ năm 2014 đến nay, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội cấp tỉnh đã chủ trì tổ chức được 42 cuộc giám sát; Ủy ban MTTQ cấp huyện và cơ sở đã tổ chức giám sát được 7.840 cuộc, trong đó, cấp huyện 76 cuộc, cấp cơ sở 7.764 cuộc. Phối hợp tham gia giám sát được 1.271 cuộc (cấp huyện: 511, cấp cơ sở: 760) trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội, an ninh trật tự, các hoạt động tư pháp liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã chủ trì tổ chức được 10 hội nghị phản biện đối với 16 dự thảo văn bản của tỉnh liên quan đến quyền và lợi ích nhân dân trước khi trình HĐND tỉnh xem xét quyết định.

Công tác đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm triển khai đồng bộ, nền nếp từ tỉnh tới cơ sở; đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 1.991 cuộc tiếp xúc đối thoại; 100% huyện ủy, thành ủy đều xây dựng kế hoạch, hướng dẫn và tổ chức hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân; xã, phường, thị trấn ít nhất 01 lần trong năm theo quy định.

Có thể, khẳng định, trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã quan tâm chỉ đạo sâu sát các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; đề ra nhiều chủ trương, giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội trong tỉnh tiếp tục đổi mới, có nhiều giải pháp tích cực hơn trong việc tổ chức các hoạt động thiết thực cho những đối tượng yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn như: người nghèo, người khuyết tật, người cao tuổi, …; giải quyết quyền lợi của các tầng lớp nhân dân theo từng đối tượng, lấy lợi ích chính đáng của cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân làm trọng tâm hoạt động của tổ chức mình; xây dựng nhiều mô hình, điển hình trong các phong trào, cuộc vận động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có sức lan tỏa tích cực trong đời sống xã hội.

Ðể tiếp tục thực hiện hiệu quả Kết luận số 62-KL/TW của Bộ Chính trị và tăng cường đổi mới hơn nữa hoạt động của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh, thời gian tới tỉnh Hải Dương xác định:

Một là, tiếp tục tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo đối với công tác dân vận, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội hướng đến mục tiêu đồng thuận, củng cố niềm tin của nhân dân với Ðảng, chính quyền, phát huy dân chủ xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Chỉ đạo thực hiện tốt Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị ở các cấp, các ngành. Rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế phối hợp công tác giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc các cấp.

Hai là, tiếp tục n âng cao hiệu quả  công tác phối hợp giữa HĐND-UBND và các cơ quan nhà nước với MTTQ, các đoàn thể chính trị -xã hội các cấp. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, địa phương; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực. Sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ hoạt động chuyên trách của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội theo hướng tinh gọn , hiệu quả. Chú trọng kiện toàn đội ngũ cán bộ ở cơ sở và địa bàn dân cư; quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động, chế độ chính sách cho cán bộ MTTQ, các đoàn thể chính trị -xã hội.

Ba là , Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác dân vận. Phát huy vai trò tham gia góp ý xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền; thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các phong trào do Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội phát động.

Bốn là, các cấp ủy đảng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội , trong đó, chú trọng thực hiện có hiệu quả Quyết định 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị khoá XI về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội” và Quyết định 218-QĐ/TW về “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”.

Nguyễn Thị Quyên (Ban Dân vận Tỉnh ủy)

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: