Chủ nhật, ngày 24/11/2024

Cẩm Giàng: Tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”

Thứ Tư 25/05/2022 11:25

Xem với cỡ chữ
Trong bài báo “Dân vận”, đăng trên Báo Sự thật, ngày 15/10/1949, dưới bút danh X.Y.Z Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Thấm nhuần tư tưởng của Bác, trong những năm qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện Cẩm Giàng đã được các cấp ủy đảng, chính quyền và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện quan tâm, triển khai với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực với những cách làm hay, sáng tạo, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hưởng ứng và đạt được nhiều kết quả, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

Để thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Huyện ủy Cẩm Giàng đã ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”; chỉ đạo tổ chức thực hiện Hướng dẫn của Ban Dân vận Tỉnh uỷ về xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo”; thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các địa phương, đơn vị kiểm tra, giám sát việc thực hiện các mô hình, điển hình "Dân vận khéo" gắn với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của địa phương. Quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác phối hợp giữa Ban Dân vận Huyện ủy, Khối dân vận cơ sở với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong việc triển khai thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, hội viên và quần chúng nhân dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của mô hình; thực hiện tốt chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm về công tác dân vận. Quan tâm từ khâu rà soát, kiểm tra các tiêu chí, các bước tiến hành, đến việc xây dựng, đăng ký và công nhận các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu, có sức lan tỏa và hiệu ứng xã hội tích cực. Đồng thời, gắn việc xây dựng mô hình với phong trào thi đua yêu nước, tạo nên sức lan lỏa mạnh mẽ trong nhân dân. Đến nay, trên địa bàn huyện Cẩm Giàng đã có hàng trăm mô hình “Dân vận khéo” được xây dựng và phát huy hiệu quả, trong đó có 102 mô hình, điển hình tiêu biểu trên các lĩnh vực.

Đồng chí Đoàn Đình Tuyến, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy Cẩm Giàng chủ trì hội nghị tọa đàm "Thực trạng và giải pháp xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình "Dân vận khéo" giai đoạn 2021- 2025

Có thể nói, phong trào "Dân vận khéo" là dấu ấn đậm nét, là chìa khóa mở ra hướng đi mới góp phần thực hiện thành công các chương trình, các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cẩm Giàng đã đề ra. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” ngày càng lan tỏa, đi vào cuộc sống, có địa chỉ và cách làm cụ thể, thiết thực. Nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị đã có những cách làm hay, sáng tạo trong triển khai thực hiện. Nhiều mô hình “Dân vận khéo” đã có hiệu ứng xã hội tích cực, góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh và xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn huyện. Trong số các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” có thể kể đến các mô hình trong tuyên truyền, vận động nhân dân bàn giao đất nông nghiệp để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, triển khai các chương trình, dự án trên địa bàn, tiêu biểu như các mô hình của cấp ủy, khối dân vận các đơn vị: Tân Trường, Cẩm Đông, Cẩm Đoài, Cẩm Điền, Cẩm Giang, Cao An, Cẩm Vũ… Nhiều mô hình “Dân vận khéo” do Hội Nông dân chủ trì, phối hợp cùng các ngành trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xây dựng trang trại, gia trại, phát triển ngành, nghề, làng nghề, tổ hợp tác, hợp tác xã,... thu hút lao động, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, hình thành chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường, tiêu biểu như: Mô hình Chi Hội nghề nghiệp chăn nuôi gia cầm, thủy sản an toàn của thôn Phượng Hoàng, xã Cẩm Hoàng; mô hình chuyên canh cây cà rốt gắn với quy trình sản xuất, xuất khẩu cà rốt của xã Đức Chính; mô hình Chi Hội Nông dân nghề nghiệp trồng Dưa hấu xã Ngọc Liên; mô hình trồng cây bí xanh, bí đỏ thôn Mậu Tân, xã Cẩm Hưng; mô hình trồng rau sạch xuất khẩu Hàn Quốc của anh Bùi Quang Phương, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp xã Định Sơn; mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp thông minh toàn diện của thôn An Phú, xã Đức Chính; mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng theo quy trình đạt chuẩn OCOP và áp dụng chuyển đổi số vào sản xuất của anh Đào Hữu Thuân, thôn Vĩnh Lại, xã Cẩm Đông...

Hay đó là các mô hình “Dân vận khéo” trong phong trào xây dựng và nhân rộng mô hình chung tay bảo vệ môi trường” với các điển hình như: mô hình “Tiết kiệm xanh”, mô hình “Ngôi nhà xanh” nhằm “nâng cao ý thức, trách nhiệm của hội viên phụ nữ và nhân dân trong việc phân loại thu gom rác tái chế, bảo vệ môi trường”; “biến rác thành tiền gây quỹ giúp phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn”; hay mô hình “Đường hoa phụ nữ tự quản” được sự tham gia rất nhiệt tình của các cấp hội và sự ghi nhận đánh giá cao của các cấp ủy, chính quyền. 

Mô hình "Đường hoa phụ nữ" của Hội LHPN huyện Cẩm Giàng

Qua phong trào thi đua “Dân vận khéo”, nhân dân đóng góp hàng nghìn ngày công, hiến hàng nghìn m2 đất để làm đường giao thông nông thôn; sửa chữa nâng cấp 81,5km đường thôn xóm, 110 km đường trục chính ra đồng, 12 km kênh mương, nạo vét trên 400.000 m2 đất thủy lợi; xây dựng mới 12 nhà văn hóa thôn... Bên cạnh đó, các mô hình "Dân vận khéo" của MTTQ và các đoàn thể chính trị -xã hội đã tạo hiệu ứng tích cực thông qua các phong trào, cu ộc vận động như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “5 không 3 sạch”; phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng”; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn hóa”, “Cựu chiến binh thi đua làm kinh tế giỏi”; phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, xây dựng công trình “Thắp sáng đường quê”, Cuộc vận động “Tuổi trẻ Cẩm Giàng chung tay xây dựng nông thôn mới”…

Kết quả, tính đến tháng 5/2022, huyện Cẩm Giàng đã huy động kinh phí cho xây dựng nông thôn mới đạt trên 2.474,09 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện là 384,20 tỷ đồng (chiếm 15,5 %); ngân sách xã là 359,21 tỷ đồng (chiếm 11,5 %), vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án là 88,41 tỷ đồng (chiếm 3,6 %); vốn vay tín dụng để phát triển sản xuất là 1.351,75 tỷ đồng (chiếm 54,6 %); vốn đóng góp của cộng đồng dân cư là 195,10 tỷ đồng (chiếm 7,9 %); vốn doanh nghiệp, Hợp tác xã trên địa bàn là 95,43 tỷ đồng (chiếm 3,9 %). Năm 2018, huyện Cẩm Giàng đạt chuẩn Nông thôn mới; tiếp tục chỉ đạo xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Đến nay, đã có 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Những kết quả đạt được trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã góp phần cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua. Có thể khẳng định, công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã làm tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình và được các tầng lớp nhân dân đánh giá cao, góp phần phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận xã hội, thông qua các hoạt động tuyên truyền, vận động, đặc biệt là trong công tác tuyên truyền, tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021 – 2026; qua công tác phòng chống dịch bệnh Covid – 19 thời gian qua. Đã có nhiều những câu chuyện đẹp, những tấm gương tốt, điển hình trong nhân dân, những giá trị, phẩm chất tốt đẹp, cao quý của con người được phát huy và lan tỏa trong cộng đồng. Thực tế việc thi đua “Dân vận khéo” cho thấy khá rõ trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện Cẩm Giàng vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như: Một số cấp ủy và chính quyền cơ sở chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của phong trào thi đua “Dân vận khéo”, chưa có sự quan tâm đúng mức trong lãnh đạo, chỉ đạo; một số địa phương còn lúng túng và thiếu sâu sát trong chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện; sự phối hợp của chính quyền với Mặt trận Tổ quốc, các hội, đoàn thể cùng cấp trong tổ chức triển khai thực hiện mô hình, điển hình “Dân vận khéo” còn thiếu sự đồng bộ, hiệu quả chưa cao; các điển hình “Dân vận khéo” trong các cơ quan nhà nước, trong doanh nghiệp, hợp tác xã, xây dựng hệ thống chính trị còn ít; việc lựa chọn xây dựng và thực hiện mô hình ở một số nơi còn hình thức, chưa rõ nét, hiệu quả chưa cao...

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện, thời gian tới huyện Cẩm Giàng xác định cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp sau:

Một là , tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đường lối, chủ trương công tác dân vận của Đảng. Cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, Khối dân vận Đảng ủy, MTTQ từ xã đến thôn phải đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng, theo hướng nâng cao năng lực, chú trọng việc tổ chức triển khai quán triệt sâu sắc các văn bản về công tác dân vận, tạo nhận thức thống nhất, đồng bộ. Xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể có trọng tâm, trọng điểm, ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, tạo thuận lợi cho người dân hiểu, đồng thuận, chấp hành trong quá trình triển khai. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong mối quan hệ với Nhân dân.

Hai là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân; ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện phát triển, trình độ dân trí và môi trường sống của các tầng lớp nhân dân một cách phù hợp. Thường xuyên sâu sát, gần gũi nắm bắt tình hình, những vấn đề bức xúc trong nhân dân để có nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp, kịp thời, nhất là những vấn đề nhạy cảm, phức tạp.

Ba là,  nâng cao hiệu quả công tác dân vận của chính quyền, trọng tâm là: nâng cao vai trò tham gia của nhân dân trong quá trình quyết định những vấn đề có liên quan trực tiếp đến cuộc sống của nhân dân, phù hợp với phong tục tập quán, truyền thống văn hóa người dân nhằm tạo động lực, phát huy lợi thế và không tạo tâm lý ỷ nại, trông chờ vào sự chăm lo, hỗ trợ của trên. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri, hoạt động tiếp công dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của nhân dân. Kiên quyết phê phán, đấu tranh mạnh mẽ với biểu hiện thờ ơ, vô cảm, quan liêu, cửa quyền, nhũng nhiễu. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, lắng nghe tâm tư, kịp thời giải quyết nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân; có giải pháp ngăn ngừa từ xa việc bùng phát các điểm nóng trong nhân dân, không để phát sinh mâu thuẫn lợi ích trong quá trình phát triển. Xử lý dứt điểm, kịp thời các vấn đề bức xúc liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, các vụ việc phức tạp, khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài.

Bốn là , tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúng theo hướng sát cơ sở, thực chất, hiệu quả hơn. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, chăm lo, động viên đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, Mặt trận và các tổ chức thành viên; kiên quyết không bố trí cán bộ vi phạm kỷ luật, thiếu gương mẫu, đạo đức kém làm công tác dân vận. Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, phối hợp với chính quyền các cấp và các cơ quan quản lý nhà nước ngày càng thực hiện tốt hơn tính minh bạch và thông tin cho nhân dân và xã hội các vấn đề nguồn lực, sử dụng nguồn lực và kiểm soát tính hiệu quả của sử dụng các nguồn lực xã hội.

Năm là,  đ ẩy mạnh phong trào thi đua  “Dân vận khéo”  trong toàn hệ thống chính trị. Mỗi ngành, lĩnh vực, đơn vị phải xây dựng ít nhất một mô hình "Dân vận khéo" mang đặc thù của ngành, lĩnh vực, đơn vị mình và mô hình đó phải được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; mỗi mô hình phải nêu rõ mục đích, ý nghĩa, yêu cầu và xác định rõ đối tượng thực hiện và phải đa dạng nội dung, hình thức vận động; phong trào dân vận khéo gắn với các cuộc vận động khác để nâng cao hiệu quả của công tác vận động quần chúng; tăng cường kiểm tra, giám sát, có sơ kết, tổng kết để từ đó nhân rộng điển hình.

Nguyễn Thị Quyên - Ban Dân vận Tỉnh ủy

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: