Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lê Thanh Nghị (06/3/1911- 06/3/2021)- Người cộng sản kiên cường, Tỉnh ủy Hải Dương đã phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm ý nghĩa
Hội thảo khoa học về đồng chí Lê Thanh Nghị
Hải Dương nằm ở khu vực trung tâm đồng bằng Sông Hồng, nơi có vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều này được minh chứng trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, khi nơi đây được coi là phên dậu phía Đông của kinh thành Thăng Long xưa và ngay khi đem quân xâm chiếm Bắc Kỳ năm 1873, thực dân Pháp đã đồng thời tiến đánh thành Hà Nội và thành Hải Dương hòng bình định sớm những vị trí trọng yếu.
Năm 1883, sau khi đánh chiếm được thành Hải Dương, thực dân Pháp bắt tay vào xác lập bộ máy cai trị trên địa bàn toàn tỉnh, nhưng nhân dân Hải Dương với tinh thần yêu nước đã không ngừng nổi dậy đấu tranh với các phong trào tiêu biểu như: Phong trào đấu tranh theo tiếng gọi “Cần Vương” đã nổ ra gắn với những tên tuổi lớn như Đinh Gia Quế, Nguyễn Thiện Thuật, Đốc Tít, Thống Kênh…. Tuy thất bại nhưng Hải Dương trở thành trung tâm chống Pháp tiêu biểu nhất ở xứ Bắc Kỳ; Phong trào đấu tranh theo tư tưởng tiến bộ của các sỹ phu yêu nước và theo xu hướng dân chủ tư sản của các nhà tư sản dân tộc khởi xướng, lãnh đạo đã thu hút được đông đảo nhân dân tham gia, gây được ảnh hưởng tích cực, sâu sắc đến tư tưởng, nhận thức của các tầng lớp nhân dân, nhất là tầng lớp thanh niên tiến bộ.
Sang đầu thế kỷ XX, trên địa bàn tỉnh Hải Dương xuất hiện tầng lớp công nhân làm việc ở các khu mỏ tại Mạo Khê với số lượng khá lớn, đây là lực lượng tiến bộ đón nhận tư tưởng cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin truyền vào dưới vai trò truyền bá của các hội viên tích cực của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên như các đồng chí: Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Hới, Trần Cung... từ những năm 1926. Kết quả, đến những năm 1928 - 1929, trên địa bàn tỉnh đã gây dựng được nhiều cơ sở của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, trong đó nhiều nơi đã thành lập được chi hội như ở Mạo Khê (Đông Triều), thôn Thượng Cốc (xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc), Đọ Xá (Hoàng Tân, Chí Linh), xóm Cựu Thành (thành phố Hải Dương)...
Bằng các hoạt động tích cực, các chi hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã thành lập tổ chức Công hội đỏ, Nông hội đỏ nhằm tập hợp lực lượng và tuyên truyền giác ngộ chủ nghĩa Mác trong quần chúng nhân dân. Phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ đưa đến việc ngay sau sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập ngày 03/02/1930 ở nước ngoài, trên địa bàn tỉnh đã thành lập được hai chi bộ Đảng Cộng sản ở khu mỏ than Mạo Khê (Đông Triều) và ở Đọ Xá (Hoàng Tân, Chí Linh). Sự ra đời rất sớm của hai chi bộ Đảng trong năm 1930 đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Hải Dương, thể hiện tinh thần yêu nước sâu sắc, ý thức giác ngộ chính trị cao và là điểm sáng, đi đầu trong quá trình đấu tranh thành lập tổ chức Đảng.
Ngay sau khi các chi bộ Đảng được thành lập, thực dân Pháp đã tăng cường đàn áp, khủng bố, cơ sở cách mạng bị phá vỡ, cán bộ và quần chúng giác ngộ cách mạng bị bắt bớ, tù đầy và phải di chuyển đi nơi khác, phong trào cách mạng ở Hải Dương tạm thời lắng xuống, song ngọn lửa cách mạng ở Hải Dương không bao giờ lụi tắt, vẫn âm ỉ chở thời cơ để bùng cháy dữ dội hơn. Để gây dựng lại phong trào cách mạng tại Hải Dương, cuối năm 1937, Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ đã cử đồng chí Lê Thanh Nghị về đảm nhận nhiệm vụ gây dựng lại phong trào cách mạng.
Cắt băng khánh thành công trình Bia kỷ niệm nơi thành lập Chi bộ đảng Nhà máy nước Ninh Giang
Nhằm che mắt kẻ thù và có điều kiện tiếp xúc với quần chúng, gây dựng cơ sở cách mạng, đồng chí Lê Thanh Nghị đã chọn khu vực trung tâm huyện Ninh Giang - nơi có lực lượng công nhân khá đông làm việc trong nhà máy nước, nhà dây thép, bến cảng để hoạt động. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Lê Thanh Nghị, nhiều phong trào hoạt động cách mạng đã được tổ chức như phong trào đấu tranh của Đoàn thanh niên dân chủ, phong trào truyền bá chữ quốc ngữ, mở tủ sách, mở lớp học văn hóa tuyên truyền đường lối của Đảng, phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ... Qua phong trào hoạt động, nhiều công nhân và nhân dân lao động được giác ngộ đã trở thành hạt nhân phong trào cách mạng.
Không dừng lại ở địa bàn Ninh Giang, đồng chí Lê Thanh Nghị đã tìm hiểu, nắm tình hình chung trong cả tỉnh, trong đó tập trung vào phong trào cách mạng ở thành phố Hải Dương, Thanh Hà, Thanh Miện… Tại thành phố Hải Dương - trung tâm tỉnh lỵ, đồng chí đã tập trung tuyên truyền giác ngộ các tầng lớp nhân dân để vận động thành lập ra các tổ chức Đoàn thanh niên dân chủ, Hội phụ nữ giải phóng, Hội ái hữu… Qua đó tập hợp lực lượng, giác ngộ tinh thần và nâng cao hiểu biết về sứ mệnh lịch sử của tầng lớp, giai cấp mình. Đặc biệt, đầu tháng 7/1938, đồng chí Lê Thanh Nghị đã triệu tập đại biểu Thanh niên dân chủ của các huyện ở Vĩnh Bảo, Thanh Hà, Thanh Miện, Ninh Giang… về thành phố Hải Dương dự Hội nghị Thanh niên dân chủ toàn tỉnh để thống nhất kế hoạch hoạt động và bầu ra Ban lãnh đạo trong toàn tỉnh.
Thông qua những đóng góp to lớn của đồng chí Lê Thanh Nghị, cách mạng Hải Dương đã được phục hồi, cơ sở cách mạng được gây dựng lại, lực lượng cách mạng được giác ngộ đông đảo, phong trào đấu tranh diễn ra sôi nổi ở khắp các địa phương. Từ những cơ sở về nhận thức, tổ chức và phong trào hoạt động, tháng 8/1938, khi điều kiện đã chín muồi, đồng chí Lê Thanh Nghị đã chủ trì thành lập 3 chi bộ Đảng trong toàn tỉnh đó là: Chi bộ Đảng nhà máy nước Ninh Giang, Chi bộ Đảng thị xã Hải Dương và Chi bộ Đảng ở xã Cổ Am (huyện Vĩnh Bảo). Đồng chí Hoàng Văn Thụ- Xứ ủy viên Bắc Kỳ đã công nhận 3 chi bộ Đảng Cộng sản ở Hải Dương. Đây là sự khẳng định mang tính chính thống của Trung ương Đảng đối với sự phục hồi và phát triển của phong trào cách mạng ở Hải Dương.
Vai trò lãnh đạo của đồng chí Lê Thanh Nghị đối với cách mạng Hải Dương tiếp tục được khẳng định khi cuối năm 1939, đồng chí Lê Thanh Nghị được cử về phụ trách phong trào cách mạng tại Hải Dương, từ đó các cơ sở cách mạng tiếp tục phát triển lan rộng từ Nam Sách, Chí Linh đến Kim Thành, Thanh Hà, thành phố Hải Dương. Cùng với đó là vai trò hoạt động của những đảng viên do đồng chí Lê Thanh Nghị đào tạo, rèn luyện và kết nạp giai đoạn trước đã góp phần tích cực vào việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết đưa đến thành lập Ban Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Hải Dương ngày 10/6/1940 tại Tạ Xá (Hợp Tiến, Nam Sách), đánh dấu bước trưởng thành và phát triển về chất của phong trào cách mạng Hải Dương sau thời gian dài bị kẻ thù đàn áp, khủng bố. Đảng bộ tỉnh Hải Dương được thành lập chính nhờ công lao, đóng góp rất lớn của đồng chí Lê Thanh Nghị- người vận động gây dựng phong trào, chuẩn bị điều kiện về tổ chức và lực lượng cho việc thành lập.