Ngày 26/11/2020, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tổ chức phiên họp cuối tháng 11/2020, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì; tham dự có các đồng chí cán bộ các ban đảng Trung ương theo dõi Hải Dương; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh và thủ trưởng các sở, ngành, địa phương có liên quan.
Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe Ban Cán sự đảng ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 và mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021; chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trong tỉnh giai đoạn 2021-2025. Tham gia vào dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 và danh mục các đề án, kế hoạch để triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ.
Đ/c Nguyễn Đình Kiêm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tại hội nghị
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thảo luận và cơ bản đồng ý với các báo cáo trình tại hội nghị; phát biểu kết luận, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định tầm quan trọng của việc lập quy hoạch tỉnh và các cấp, các ngành phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021 mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bằng được với quyết tâm, chất lượng, hiệu quả cao nhất.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu nội dung quy hoạch phải có tầm nhìn chiến lược dài hạn 30 năm, bảo đảm hiện đại, đồng bộ, chất lượng cao, có tư duy vượt trước; thể hiện tầm nhìn chiến lược, bước phát triển đột phá, tính khác biệt... để đón bắt những cơ hội phát triển trong tương lai và tạo phát triển bứt phá mới. Vì vậy, về quan điểm khi lập nhiệm vụ quy hoạch phải bám sát định hướng chiến lược phát triển của đất nước đã được nêu trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng; bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 của cả nước, gắn với phát triển kinh tế vùng đồng bằng sông Hồng và những định hướng phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng-an ninh đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Đ/c Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị
Về phương pháp xây dựng Quy hoạch phải bảo đảm nguyên tắc tính liên tục, tính kế thừa, ổn định thứ bậc; đồng thời phải phát huy tiềm năng riêng có, thế mạnh khác biệt, nổi trội của Hải Dương trong khu vực đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; yêu cầu những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp dựa trên tầm nhìn, định hướng phát triển của tỉnh và các nội dung đã được xác định trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị khẩn trương đề xuất định hướng phát triển, xây dựng kế hoạch phân công nhiệm vụ thực hiện phải rõ người, rõ việc, rõ thời gian... phấn đấu hoàn thành xong các nội dung trong năm 2021 để báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch tỉnh Hải Dương do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban chỉ đạo, thành viên là thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời lựa chọn một số quy hoạch quan trọng để xem xét huy động nguồn lực xã hội hóa và thuê các đơn vị tư vấn nước ngoài lập quy hoạch như phát triển đô thị, công nghiệp, du lịch... để tạo bước đột phá, tư duy đổi mới, vượt trội và tầm nhìn dài hạn...
Về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đánh giá dù gặp nhiều khó khăn, thử thách, kinh tế-xã hội của tỉnh vẫn có những điểm sáng về tốc độ tăng trưởng, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cấp đô thị, phòng chống hiệu quả dịch Covid-19, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thành công đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025... Năm 2021, dự báo còn gặp nhiều khó khăn, nhất là 6 tháng đầu năm; để đạt mục tiêu tăng trưởng 8%, yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải tập trung cao độ, quyết liệt để triển khai các dự án lớn đang có nhu cầu đầu tư tại Hải Dương. Trước mắt cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp. Cùng với đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý để thu hút các nhà đầu tư hạ tầng xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tập trung nghiệm thu, thanh quyết toán, giải ngân vốn đầu tư công và nghiệm thu các khu đô thị, khu dân cư. Yêu cầu UBND tỉnh có các giải pháp chuyên đề tăng nguồn thu để có nguồn lực đầu tư thực hiện các nhiệm vụ lớn và cân đối ngân sách; trong đó, chú trọng xử lý triệt để, hạn chế chi phát sinh, tăng thu, tiết kiệm chi...