Thứ ba, ngày 26/11/2024

Qua một nhiệm kỳ đại hội: Bài 2: Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung

Thứ Ba 13/10/2020 20:31

Xem với cỡ chữ
5 năm qua, nông nghiệp Hải Dương có những chuyển biến tích cực với điểm nhấn nổi bật là sản xuất hàng hóa tập trung.

 


Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung góp phần tái cơ cấu bền vững ngành nông nghiệp Hải Dương

Hiệu quả bước đầu

Trước đây, tại cánh đồng thôn Châu Quan, xã Đoàn Kết (Lê Lợi), người dân vốn mạnh ai nấy làm khiến đồng ruộng bị xé lẻ. Trên cùng một khu đồng nhưng nông dân gieo cấy nhiều giống lúa khác nhau nên dễ phát sinh sâu bệnh, năng suất lúa không cao. Sau khi hoàn thành dồn điền, đổi thửa vào năm 2015, thực hiện chủ trương của tỉnh, xã quy hoạch 1 vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung (HHTT) rộng hơn 30 ha. Mới đầu, người dân còn hoài nghi về cách làm này. Nhưng chỉ sau 1 vụ lúa, nhận thấy hiệu quả mang lại, nông dân dần thay đổi tư duy sản xuất. Theo ông Phạm Văn Sang, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã, xây dựng vùng tập trung giúp nông dân sản xuất "một vùng, một giống, một thời gian", tạo ra sản phẩm hàng hóa đồng đều về chất lượng. Không chỉ vậy, việc quy vùng còn tạo điều kiện để đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giúp giảm chi phí đầu vào và gia tăng lợi nhuận. Chính những thuận lợi này khiến nông dân gắn bó hơn với đồng ruộng. Từ hiệu quả vùng sản xuất lúa, xã quy vùng rau màu tập trung. Hiện xã đang duy trì 2 vùng lúa và 3 vùng rau màu cho giá trị kinh tế cao gấp 1,5 lần so với sản xuất đại trà.

Là một trong những địa phương có lợi thế về nông nghiệp với nhiều loại cây trồng giá trị cao, huyện Nam Sách quan tâm sản xuất HHTT. Những năm qua, huyện thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân xây dựng vùng chuyên canh. Đến nay, địa phương quy hoạch được hơn 80 vùng lúa, 95 vùng rau màu có diện tích từ 5 ha/vùng trở lên. Huyện đã hình thành các vùng chuyên canh như hành tỏi ở các xã Nam Hưng, Nam Trung, Nam Tân, Hợp Tiến... cà rốt ở Thái Tân, Minh Tân, Cộng Hòa... dưa hấu ở Thái Tân, Thanh Quang... mùi tàu ở Nam Hồng, An Sơn... Ngoài trồng trọt, huyện cũng xây dựng khu chăn nuôi tập trung tại các xã Thanh Quang, Nam Tân, An Bình, An Sơn... "Sản xuất HHTT đã làm thay đổi rõ rệt diện mạo nông nghiệp, nông thôn của địa phương", Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Tiến Khắc khẳng định.

Để thúc đẩy các huyện, thị xã, thành phố phát triển nông nghiệp HHTT, năm 2016, tỉnh ban hành Đề án "Phát triển sản xuất nông nghiệp HHTT, nâng cao giá trị gia tăng và sản xuất bền vững giai đoạn 2016-2020" với nhiều cơ chế hỗ trợ. Đến nay, Hải Dương đã xây dựng được gần 500 vùng sản xuất HHTT trong trồng trọt, tăng hơn 300 vùng so với trước năm 2016. Trong đó, có gần 300 vùng sản xuất lúa quy mô tối thiểu 30 ha/vùng; hơn 100 vùng sản xuất rau màu vụ đông, 40vùng chuyên canh rau màu đều rộng từ 5 ha/vùng trở lên; 37 vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, diện tích từ 10 ha/vùng trở lên, còn lại là vùng trồng cây ăn quả, rau màu VietGAP. Các vùng sản xuất HHTT cho hiệu quả kinh tế cao hơn từ 1,5-3 lần so với sản xuất nhỏ lẻ.

Dần tiến tới đồng bộ

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, sản xuất nông nghiệp HHTT sẽ tạo ra vùng nguyên liệu nông sản dồi dào không chỉ phục vụ tiêu dùng trong nước mà còn đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Hải Dương là vựa nông sản của miền Bắc với nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc thù. Những vùng sản xuất chuyên canh đang dần hình thành rõ nét, tạo cho tỉnh bản đồ nông sản phong phú mang đặc trưng riêng của từng nơi. Tỉnh cũng xác định 21 nông sản thế mạnh để tập trung đầu tư phát triển theo hướng hàng hóa.

Ông Tăng Xuân Trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Nông sản Hưng Việt (Gia Lộc) nhận định nông nghiệp Hải Dương đang bắt kịp xu thế phát triển toàn cầu. Sản phẩm nông hộ với quy mô manh mún dần được thay thế bằng nông sản hàng hóa có chất lượng tương đối đồng đều. Điều này tạo thuận lợi lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu. "Chúng tôi có nguồn nguyên liệu tại chỗ, ít phải gom từng đơn hàng nhỏ lẻ rồi lựa chọn sản phẩm bảo đảm điều kiện xuất khẩu", ông Trường nói.

Mặc dù sản xuất HHTT đạt được nhiều kết quả tích cực ở lĩnh vực trồng trọt nhưng trong chăn nuôi, thủy sản vẫn còn hạn chế. Toàn tỉnh có 15 khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, quy mô 3 ha/khu trở lên. Trong tỉnh vẫn còn nhiều gia trại chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún. Những vùng nông nghiệp HHTT mới chỉ thâm canh các sản phẩm đồng loại chứ chưa đồng bộ về kỹ thuật canh tác. Việc phát triển nông nghiệp HHTT của tỉnh chủ yếu dừng lại ở bước quy vùng sản xuất, còn các khâu tiếp theo chưa thực sự bài bản.

Để các vùng sản xuất HHTT có thể phát huy tối đa hiệu quả, ngoài chú trọng mở rộng diện tích vùng, các cấp, các ngành cần quan tâm áp dụng đồng bộ kỹ thuật sản xuất. Ngành nông nghiệp đang tích cực triển khai nhiều giải pháp thực hiện nhiệm vụ trên. Năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết liệt chỉ đạo các địa phương xây dựng mô hình cấy lúa bằng máy để tiến tới đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất lúa. Từ cây lúa, những cây trồng khác trong tỉnh cũng sẽ được sản xuất bài bản, khoa học bằng máy móc, công nghệ. Đối với chăn nuôi, thủy sản, tỉnh khuyến khích ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để tăng tối đa năng suất và hạn chế tối thiểu tác động tới môi trường.

Theo bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản xuất HHTT là hướng đi tất yếu giúp tái cơ cấu ngành nông nghiệp bền vững, ổn định. Tuy nhiên, để sản xuất HHTT cho giá trị kinh tế cao nhất, các ngành và địa phương cần chú trọng tới chất lượng các vùng tập trung hơn là số lượng. Ngoài hỗ trợ của chính quyền, cơ quan chức năng, người dân cần thay đổi tư duy sản xuất. Có như vậy nền nông nghiệp của tỉnh mới thật sự khai thác tối đa được tiềm năng, thế mạnh theo hướng HHTT.

Theo baohaiduong.vn

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: