Thứ ba, ngày 26/11/2024

Nam Sách với phong trào thi đua “Dân vận khéo”

Thứ Tư 05/08/2020 08:58

Xem với cỡ chữ
Phong trào thi đua "Dân vận khéo" những năm qua luôn được các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện Nam Sách triển khai thực hiện có hiệu quả, qua đó xuất hiện nhiều mô hình, điển hình trên các lĩnh vực, tạo sự đồng thuận xã hội, tập hợp, động viên, đoàn kết các tầng lớp nhân dân.

Triển khai sâu rộng

Xác định phong trào thi đua “Dân vận khéo” là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền, các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong huyện triển khai thực hiện nghiêm túc. Hằng năm, Ban Dân vận Huyện ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành văn bản chỉ đạo phong trào thi đua "Dân vận khéo" gắn với với xây dựng nông thôn mới, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".

Đoàn viên thanh niên tham gia dọn vệ sinh tuyến sông trung thủy nông, tạo cảnh quan xanh - sạch  đẹp

Hàng năm, Ban Dân vận Huyện uỷ hướng dẫn các ngành, cơ quan, đoàn thể từ huyện đến cơ sở rà soát, khảo sát, chọn địa bàn, nội dung đăng ký xây dựng mô hình "Dân vận khéo". Các ngành, cơ quan, đoàn thể, các chi, đảng bộ trực thuộc Huyện uỷ và khối dân vận cơ sở rà soát và khảo sát mô hình vào cuối năm, đánh giá các mô hình thực tiễn đã và đang triển khai thực hiện, lựa chọn những mô hình, điển hình có hiệu quả để tiếp tục nâng cao chất lượng và nhân ra diện rộng, loại bỏ những mô hình không có hiệu quả, không còn phù hợp, tiếp tục phát động đăng ký các mô hình mới. Trên cơ sở nội dung, tiêu chí đánh giá mô hình của Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Ban Dân vận Huyện uỷ đã cụ thể hoá phù hợp với tình hình của địa phương, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị và khối dân vận cơ sở tổ chức triển khai thực hiện. Các cơ quan đơn vị và khối dân vận cơ sở đã phân công cán bộ phụ trách từng mô hình; chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, theo dõi mô hình. Đồng thời tham mưu với cấp uỷ Đảng cùng cấp có nghị quyết lãnh đạo, triển khai thực hiện mô hình đạt hiệu quả.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được lồng ghép với các cuộc vận động, các phong trào thi đua của Mặt trận, các đoàn thể và của từng cơ quan, đơn vị. Qua đó, xây dựng được nhiều mô hình, điển hình và được tổ chức thực hiện trên các lĩnh vực: kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, xây dựng hệ thống chính trị, cải cách hành chính, thực hiện quy chế dân chủ, trong đó có nhiều mô hình hiệu quả được nhân rộng.

Hàng trăm mô hình tiêu biểu

Trên cơ sở sự chỉ đạo của huyện, hằng năm các cơ quan, đơn vị, khối dân vận các xã, thị trấn tổ chức hội nghị mở rộng để đánh giá, công nhận các mô hình đạt và lựa chọn các mô hình hiệu quả có sức lan toả trong cộng đồng dân cư đề nghị xét công nhận cấp huyện. Ban Dân vận Huyện uỷ lập danh sách các mô hình, điển hình, tấm gương "Dân vận khéo" tiêu biểu của cơ quan, đơn vị, đoàn thể và cơ sở; tiến hành thẩm định, tham mưu Ban Thường vụ Huyện uỷ công nhận. Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã có 949 tập thể, cá nhân đăng ký thực hiện mô hình Dân vận khéo, đã bình xét  và công nhận 802 mô hình mô hình "Dân vận khéo". Trong đó, có 509 mô hình cấp huyện, 293 mô hình cấp xã (473 mô hình tập thể, 329 mô hình cá nhân).

Các y bác sỹ Lữ đoàn Thông tin 602 khám bệnh cho nhân dân xã Hợp Tiến

Tiêu biểu về mô hình tập thể, đó là mô hình "Tuyên truyền nhân dân thực hiện lành mạnh hóa trong việc tang" của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Nam Hưng và Thị trấn Nam Sách. Theo đó, Mặt trận Tổ quốc xã Nam Hưng và thị trấn Nam Sách đã tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện 100% các đám tang không rải vàng mã, tiền Việt Nam đồng ra đường trong lúc đưa tang, không tổ chức cúng, lễ mê tín dị đoan, không thổi kèn trước 5 giờ sáng và không quá 22 giờ đêm, việc quản lý thi hài đảm bảo đúng thời gian quy định, thực hiện tiết kiệm không tổ chức ăn uống linh đình, làm cỗ mời khách. Khi có người qua đời, Ban công tác mặt trận cùng trưởng thôn, khu dân cư đến gia đình vận động, ký cam kết để gia đình nắm được quy định của địa phương và nghiêm túc thực hiện, thực hiện tốt quy chế, quy định trong tang lễ.

Về cá nhân, phải kể đến mô hình “Phát triển kinh tế giỏi (VAC) và vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới” của ông Trịnh Bá khuy - Bí thư chi bộ, trưởng thôn Kinh Dương (xã Hiệp Cát). Ông đã nhận chuyển đổi gần 9.000 m2 đất vùng chiêm trũng để xây dựng vườn cây, ao cá, và chuồng trại chăn nuôi, hàng năm thu nhập từ 300-500 triệu đồng. Với vai trò là Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, Tổ trưởng Dân vận thôn, ông cùng với Ban chi ủy Chi bộ họp lấy ý kiến nhân dân, thành lập 01 tổ thu gom rác thải gồm 05 thành viên, tổ chức thu gom 01buổi/tuần, phát động nhân dân trong thôn vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Đồng thời, vận động nhân dân hiến 300m2, xây mở rộng hành lang cổng làng, đường phía Đông và phía Tây làng, kinh phí nhân dân đóng góp là 260 triệu đồng; lát sân, lợp mái khu phụ trợ khu trung tâm nhà văn hóa thôn; đổ bê tông mở rộng lề đường cổng làng để đặt ghế đá; vận động con em quê hương tài trợ 32 ghế đá, 2 bàn và 11 cây xanh, củng cố sân bóng với số tiền 30 triệu đồng góp phần làm bộ mặt nông thôn ngày thêm đổi mới.

Có thể khẳng định, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện Nam Sách đã tạo được sự đồng thuận xã hội và có sức mạnh lan tỏa mạnh mẽ. Các điển hình "Dân vận khéo" đã cơ bản giải quyết các vấn đề cơ bản, bức thiết của các địa phương, đơn vị, góp phần tích cực vào việc xây dựng và củng cố khối đoàn kết toàn dân, vận động nhân dân thi đua thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn huyện.

Nguyễn Mẫn

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: