Ngày 04/01/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW về nhiệm vụ công tác kiểm sát năm 2023.
Ảnh minh họa
Theo đó, để nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát trên địa bàn tỉnh năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và cấp ủy các cấp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các chỉ đạo của Trung ương Đảng, Nghị quyết của Quốc hội đối với Viện Kiểm sát nhân dân; tăng cường trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tiếp tục giữ vững kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Viện kiểm sát các cấp nắm vững pháp luật, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp và bản lĩnh chính trị vững vàng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; thực hiện tốt quy chế dân chủ.
2. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trên tất cả các khâu, lĩnh vực công tác, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tổ chức cán bộ và công tác nghiệp vụ; thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, Khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", gắn với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Ngành kiểm sát nhân dân "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn". Nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, quản lý, giáo dục, rèn luyện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao đối với công chức; tiếp tục thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức về chuyên môn và lý luận chính trị.
3. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 96/2019/QH14, ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác tư pháp, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quốc hội về công tác bảo vệ an ninh, trật tự, công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp, gắn với đặc điểm của địa phương, đơn vị. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp, phấn đấu đạt, vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo yêu cầu của Quốc hội; tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; tăng cường trách nhiệm công tố ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, đảm bảo 100% nguồn tin đều được tiếp nhận, thụ lý, giải quyết và kiểm sát đúng quy định pháp luật; tập trung giải quyết tội phạm về tham nhũng, kinh tế, chức vụ (đặc biệt là những vụ án do Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh theo dõi, chỉ đạo); tăng cường trách nhiệm công tố, kiểm sát chặt chẽ các hoạt động tư pháp bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành góp phần bảo đảm thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân trong giai đoạn hiện nay.
4. Nâng cao trách nhiệm và vai trò, chất lượng, hiệu quả trong công tác kiểm sát hoạt động tư pháp; tiếp tục nâng cao chất lượng, thực hiện đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn của Viện kiểm sát trong công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính; tăng cường công tác kiểm sát các cơ sở giam giữ và thi hành án hình sự, đảm bảo hoạt động giam giữ, bắt buộc chữa bệnh và thi hành án hình sự thực hiện đúng quy định pháp luật.
5. Cấp ủy, chính quyền các cấp ưu tiên, bố trí ngân sách hỗ trợ hoạt động đối với các đơn vị Viện kiểm sát hại cấp theo quy định; các ban, ngành, đoàn thể; các cơ quan trong khối nội chính tiếp tục tăng cường phối hợp, tạo điều kiện để hai cấp ngành Kiểm sát tỉnh Hải Dương hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đính kèm toàn văn bản: /CKeditorData/tintuc/files/CT%2035%20TU_signed.pdf