Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nam Sách đã phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của huyện, giành được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.
Đột phá trong xây dựng nông thôn mới
Đột phá trong nhiệm kỳ qua ở Nam Sách là kết quả trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Với sự đồng lòng của nhân dân, toàn huyện đã huy động được trên 2.000 tỷ đồng cho xây dựng NTM, trong đó, nhân dân đóng góp trên 500 tỷ đồng, hiến trên 199 nghìn m2 đất để xây dựng hạ tầng, mở rộng đường... Trong nhiệm kỳ đã có thêm 12 xã được công nhận xã NTM, đưa toàn bộ 18 xã của huyện đều đạt chuẩn NTM, trong đó 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, vượt xa mục tiêu của Đại hội nhiệm kỳ 2015 - 2020 là đến năm 2020 toàn huyện có 10 - 11 xã NTM. Nam Sách được công nhận huyện NTM năm 2019. Đời sống của nhân dân được nâng lên, thu nhập bình quân năm 2020 đạt 56 triệu đồng/người/năm (tăng gấp 2 lần so với năm 2015). Giá trị sản xuất trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản năm 2020 đạt 170 triệu đồng (vượt mục tiêu 10 triệu đồng).
Huyện duy trì và phát triển nhiều vùng sản xuất lúa, sản xuất rau màu có giá trị cao, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp. Huyện đã xây dựng được một số sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh: Cà rốt, hành, cá lồng, các sản phẩm nông sản sau chế biến phục vụ xuất khẩu,.... Có trên 30 nghìn m2 nhà màng, nhà lưới; một số doanh nghiệp sử dụng công nghệ hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp. Huyện đăng ký nhãn hiệu tập thể cho "Cây hành Nam Sách". Diện tích nuôi thủy sản được mở rộng. Toàn huyện có gần 2.400 lồng cá trên sông, sản lượng đạt 11.300 tấn/năm.
Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp được huyện quan tâm
Huyện quan tâm tạo điều kiện tối đa thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, hiện có gần 500 doanh nghiệp (tăng gấp 2 lần so với năm 2015, hơn 3,8 lần so với năm 2010). Cụm công nghiệp An Đồng được mở rộng lên 50 ha với tỷ lệ lấp đầy đạt 100%; hoàn thành quy hoạch xây dựng hai bên đường dẫn cầu Hàn; các cụm công nghiệp Nam Hồng - Hồng Phong, Thanh Quang - Quốc Tuấn được quy hoạch rộng trên 50 ha; khu công nghiệp An Bình - Quốc Tuấn rộng trên 180 ha...
Công tác quản lý nhà nước về xây dựng và quản lý hạ tầng đô thị được tăng cường. Trong nhiệm kỳ, toàn huyện đã trải nhựa, bê tông hóa trên 150 km đường nông thôn, 43,1 km đường nội đồng; hoàn thành 5 trong tổng số 6 dự án, công trình trọng điểm, gồm các dự án xây dựng vùng sản xuất rau an toàn tại xã Nam Tân và Hợp Tiến, 2 dự án thu mua, chế biến nông sản; công trình xây dựng, cải tạo và nâng cấp chợ thị trấn Nam Sách, công trình cải tạo, nâng cấp đường Trần Hưng Đạo (thị trấn Nam Sách) và đường từ quốc lộ 37 vào Đền Long Động (xã Nam Tân).
Diện mạo huyện Nam Sách được đổi thay từng ngày
Lĩnh vực giáo dục - đào tạo tiếp tục được quan tâm. Các xã, thị trấn đầu tư trên 320 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất trường học; tỷ lệ phòng học kiên cố cao tầng toàn huyện đạt 99,8%. Hết năm 2020, có thêm 15 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường học công lập của huyện đạt chuẩn quốc gia lên 56/56 trường. Chất lượng giáo dục toàn diện nâng cao, chất lượng mũi nhọn tiếp tục được duy trì đứng tốp đầu của tỉnh. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm. 100% số xã, thị trấn đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến 2020. Cơ cấu lao động chuyển dịch nhanh theo hướng tăng tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Các chương trình hỗ trợ giảm nghèo được đẩy mạnh, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 7,74% năm 2015 xuống còn 1,14% năm 2020, giảm bình quân 1,32%/năm (mục tiêu là 1,5% trở lên/năm). Tổng thu ngân sách của huyện 5 năm qua đạt 1.900 tỷ đồng (gấp 2,6 lần so với 5 năm 2010 - 2015), phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Để đón bắt mục tiêu xây dựng Nam Sách thành thị xã trước năm 2030, Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều công trình, dự án lớn như: Khu đô thị Thanh Quang - Quốc Tuấn, khu đô thị phía tây thị trấn Nam Sách, khu đô thị phía Bắc cầu Hàn; triển khai Đề án xây dựng xã Thanh Quang lên đô thị loại V; dự án đường dẫn cầu Hàn (giai đoạn 2); xây dựng đường vào Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (xã Nam Chính), đường từ Quốc lộ 37 đến Đền Long Động (xã Nam Tân), tôn tạo, nâng cấp Đền liệt sĩ huyện... Dịch vụ du lịch từng bước hình thành, thu hút khách đến tham quan, mua sắm ở các điểm du lịch Gốm sứ Chu Đậu, Đền Long Động, chùa Trăm gian...
Công tác xây dựng Đảng, chính quyền được chú trọng
Các Chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh uỷ được cụ thể hoá thành Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 với 7 đề án bao quát toàn diện các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị. Việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" được gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong 5 năm, Ban Thường vụ Huyện ủy đã lựa chọn và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả 6 công việc đột phá; các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Huyện ủy thực hiện 236 công việc đột phá, tạo chuyển biến rõ nét trên các lĩnh vực. Việc thực hiện các Nghị quyết của Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" được cấp ủy huyện tập trung lãnh đạo gắn với thực hiện Đề án số 01 của Tỉnh ủy về "Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2016 - 2020", qua đó góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Nam Sách quan tâm công tác an sinh xã hội
Đảng bộ huyện không ngừng lớn mạnh, qua 27 kỳ đại hội, đến nay Đảng bộ huyện có 46 tổ chức cơ sở đảng với trên 6.800 đảng viên. Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên hằng năm đạt trên 75% (mục tiêu là từ 70% trở lên). Công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ luật Đảng tiếp tục được tăng cường. Hoạt động của HĐND từng bước có sự đổi mới; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của UBND được nâng cao...
Trong 5 năm tới, với những thời cơ, thuận lợi là cơ bản, song còn không ít khó khăn, thách thức. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, nhất là phấn đấu xây dựng huyện Nam Sách trở thành thị xã trước năm 2030 đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cấp ủy, chính quyền huyện và cơ sở, đồng thời sự chung tay, góp sức của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong huyện. Đảng bộ huyện tiếp tục tập trung khai thác tốt tiềm năng, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá; phát huy lợi thế địa lý để phát triển nông nghiệp. Tiếp tục huy động các nguồn lực củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới của huyện và các xã theo hướng đồng bộ, hiện đại. Tập trung phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại gắn với bảo vệ môi trường. Chú trọng lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch triển khai thực hiện các chương trình phát triển đô thị gắn với quy hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, đảm bảo tính liên kết chặt chẽ với các đô thị trong tỉnh. Quan tâm phát triển đa dạng các ngành dịch vụ. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, hiệu quả chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân và giảm nghèo bền vững. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Chỉ đạo, thực hiện tốt Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tiếp tục thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của tỉnh, trung ương về sắp xếp, tinh gọn bộ máy…