Thứ sáu, ngày 22/11/2024

Lớp lớp thanh niên Hải Hưng lên đường chống Mỹ cứu nước

Thứ Bảy 25/04/2020 14:43

Xem với cỡ chữ
Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tỉnh Hải Hưng đã bền bỉ chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam, góp phần to lớn cùng nhân dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử mùa xuân 1975.

 

Ngày 30/4/1975, quân và dân tỉnh Hải Hưng phấn khởi đón mừng tin miền nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối. Chiến thắng mùa xuân 1975, “đại thắng mãi mãi sáng ngời trong sử sách. Nhân dân Việt Nam đã làm nên câu chuyện thần kì tưởng chừng không thể làm được giữa thế kỷ XX” (Võ Nguyễn Giáp)

Ảnh tư liệu: Nhân dân thị xã Hải Dương mít tinh mừng đất nước thống nhất 1975

Thắng lợi mùa xuân năm 1975 có sự đóng góp to lớn của nhân dân miền Bắc. Trong đó, nhân dân Hải Hưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, không chỉ chi viện sức người, sức của mà còn là chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho người ra trận. Từ năm 1968 đến năm 1975, Tỉnh ủy đã ban hành 01 nghị quyết, 13 chỉ thị, 6 thông tri chỉ đạo trực tiếp công tác tuyển quân để chi viện cho chiến trường miền Nam, chưa kể các văn bản khác có liên quan.

Ngày 1/11/1971, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết 142-NQ/TU, về việc tăng cường lãnh đạo nâng cao cảnh giác sẵn sàng chiến đấu và tuyển quân chi viện cho chiến trường. Trước yêu cầu chi viện ngày càng lớn và khẩn trương của năm 1972, Nghị quyết đã xác định: "Bất cứ điều kiện nào cũng phải tạo nguồn bổ sung, tạo chất lượng đảm bảo đáp ứng đầy đủ yêu cầu của chiến trường; làm xong đợt này phải chủ động chuẩn bị cho đợt sau, thường xuyên nắm và tổ chức lực lượng để khi cần có thể huy động lớn hơn, nhanh hơn".

Lớp lớp thanh niên lên đường chống Mỹ cứu nước

Ảnh tư liệu : Xã viên Hợp tác xã Gia tân, Gia Lộc thu hoạch vụ mùa bội thu 1973

 Để thực hiện được tốt nhiệm vụ trên, các cấp, các ngành phải: tăng cường chuẩn bị cả về tư tưởng và tổ chức một cách khẩn trương và hết sức cụ thể cho việc sẵn sàng chiến đấu và chi viện cho chiến trường; phải thường xuyên giáo dục cán bộ, đảng viên, nhân dân và lực lượng vũ trang về tình hình nhiệm vụ mới nhằm làm cho mọi người phấn khởi trước những thắng lợi của tiền tuyến lớn, nâng cao cảnh giác, kiên trì đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ cứu nước; tiếp tục kiểm tra thực hiện tốt chính sách hậu phương như bảo đảm quyền lợi chính trị, kinh tế, thăm hỏi động viên giáo dục với những gia đinh liệt sĩ, thương binh, gia đình bộ đội B, C.

Trong bối cảnh địa phương còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt, nhưng tỉnh Hải Hưng đã chi viện cho chiến trường miền Nam hàng chục vạn người trong 17 năm liền (1958-1975), mỗi năm có từ 8.000 đến 12.000 thanh niên vào bộ đội. Trong đó có 17 đồng chí được tuyên dương anh hùng. Hải Hưng là tỉnh cung cấp số lượng nhiều nhất cho quân đội với thời gian hoàn thành nhanh gọn, chất lượng tốt. Ngoài việc tuyển quân, Hải Hưng còn tuyển 4.000 thanh niên xung phong, 915 dân công hỏa tuyến, 240 công nhân kỹ thuật đi phục vụ tiền tuyến. 

Cùng với chi viện sức người, Đảng bộ tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp và toàn thể nhân dân ra sức thi đua sản xuất nông nghiệp, nhằm tạo tiền đề và cơ sở cho các ngành khác, với mong muốn đáp ứng đầy đủ nhu cầu chi viện lương thực, thực phẩm… cho công cuộc chống Mỹ cứu nước. Ngày 4/1/1972, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh ra Chỉ thị số 93-CT/TU, phát động phong trào thi đua 7 mũi giáp công trong sản xuất nông nghiệp. Một trong các khẩu hiệu thi đua là: “Vì sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và xây dựng Chủ nghĩa xã hội, ra sức thi đua hoàn thành vượt mức kế hoạch”. Với các phương pháp cụ thể: đề cao ý thức tổ chức kỷ luật, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, sản xuất nhanh, nhiều, tốt, rẻ.

Theo “Những sự kiện lịch sử Đảng bộ tỉnh HD” (tập II), mỗi năm Hải Hưng đã huy động cho nhà nước từ 10 vạn đến 15 vạn tấn thóc, 8.000 đến 11.000 tấn đay, 9.000 đến 10.000 tấn thịt lợn. Tỉnh đã được Trung ương công nhận là tỉnh cung cấp nhiều nhất cho Nhà nước ba loại sản phẩm là lúa, lợn, đay.

Vũ Thị Nga

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: