Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã chủ động, tích cực xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương, cơ quan, đơn vị và đạt được những kết quả tích cực.
Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc Hải Dương
Hiện nay, Hải Dương có 3.199 di tích lịch sử, văn hóa, hơn 800 lễ hội truyền thống (trong đó, có 04 di tích và quần thể di tích quốc gia đặc biệt, 142 di tích quốc gia, 271 di tích cấp tỉnh; 11 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 11 bảo vật quốc gia). Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã chủ động, tích cực xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương, cơ quan, đơn vị và đạt được những kết quả tích cực.
Tỉnh luôn chú trọng đổi mới việc quán triệt, học tập Nghị quyết số 33-NQ/TW theo hướng thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người; nhiều chương trình, nghị quyết, kế hoạch, đề tài, đề án, dự án đã được ban hành, đã và đang tích cực triển khai, trong đó có Chương trình số 22-CTr/TU ngày 19/8/2021 về "Phát huy giá trị văn hóa xứ Đông và xây dựng con người Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030".
Đối với các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể trong Nghị quyết số 33-NQ/TW, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tích cực, chủ động trong tổ chức triển khai thực hiện gắn với thực hiện xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, làng, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa, gia đình văn hóa. Từ năm 2014 đến năm 2024, tỉnh triển khai 11 đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Các đề tài đã góp phần giữ gìn, duy trì, bảo tồn và phát triển văn hóa lịch sử, cách mạng gồm cả vật thể, phi vật thể, các nét văn hóa đặc trưng của địa phương trong tỉnh, gắn với phát triển mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm, gắn kết giữa văn hóa, văn học nghệ thuật và đào tạo trong nhà trường, phát huy vai trò của con người đặc biệt tri thức gắn với chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh.
Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm quy hoạch, đầu tư xây dựng. 100% các xã, phường, thị trấn đều có nhà văn hóa, sân thể thao, các điểm vui chơi cho các tầng lớp Nhân dân hoạt động. Các hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật được quan tâm, khuyến khích; hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao quần chúng, du lịch... ở cơ sở diễn ra sôi nổi, thiết thực, thu hút được Nhân dân tham gia. Toàn tỉnh hiện có 12/12 trung tâm văn hóa, thể thao cấp huyện; 235 nhà văn hóa, thể thao cấp xã; 1.352 nhà văn hóa, sân thể thao thôn, khu dân cư; 01 thư viện tổng hợp cấp tỉnh; 12/12 thư viện cấp huyện; 01 Bảo tàng tỉnh... Hằng năm, các hội thi, hội diễn, liên hoan văn hóa, văn nghệ, giải thể thao từ cấp tỉnh đến cơ sở được tăng cường tổ chức, như: Hội thi câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững, Liên hoan sân khấu không chuyên, Liên hoan hát ru, hát dân ca... Duy trì và phát triển hoạt động của các loại hình sinh hoạt câu lạc bộ quần chúng (toàn tỉnh có 1.400 đội văn nghệ quần chúng, 7.778 các loại hình câu lạc bộ). Tỷ lệ dân số tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 32,29% trên tổng số dân; tỷ lệ hộ gia đình thể thao đạt 24,50% trên tổng số hộ gia đình, vượt 2,5%; có hàng nghìn CLB, nhóm tập luyện TDTT.
Cùng với việc xây dựng và phát triển con người, việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh được các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh quan tâm triển khai thực hiện, thông qua các phong trào, các cuộc vận động. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào thi đua khác có bước phát triển cả chiều rộng và chiều sâu. Năm 2023, trên địa bàn tỉnh số gia đình văn hóa đạt 93,98% (vượt 8,98%); số làng, khu dân cư văn hóa đạt 95,75% (vượt 15,75%); số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa đạt 89,6% (vượt 4,6%); 11/56 phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh được quan tâm chỉ đạo và đạt được những kết quả quan trọng, nhất là phục vụ cho công tác phát triển kinh tế du lịch, giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử. Nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa, lịch sử có giá trị đã phát huy tác dụng trong đời sống xã hội. Từ 2014 đến đầu 2024 có 314 lượt di tích được tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp các mức độ khác nhau với tổng kinh phí hơn 3.096 tỷ đồng từ các nguồn ngân sách của Trung ương, của tỉnh, huyện, xã và xã hội hoá trong nhân dân. Đặc biệt, năm 2023, tỉnh Hải Dương cùng các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang hoàn thành hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận quần thể Di tích danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là di sản thế giới. Tổ chức nghiên cứu chuyên sâu, tư liệu hoá để bảo tồn và phát huy một số loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian tiêu biểu như: ca trù, trống quân, rối nước và một số lễ hội truyền thống tiêu biểu. Xây dựng hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục 07 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nâng tổng số di sản văn hoá phi vật thể quốc gia lên 11 di sản. Tiếp tục nghiên cứu lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với một số lễ hội truyền thống, nghệ thuật truyền thống tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Thực hiện đa dạng các hình thức văn hoá đối ngoại, đưa quan hệ quốc tế về văn hoá đi vào chiều sâu; chọn lọc, tiếp thu tinh hoa văn hoá thế giới làm phong phú thêm văn hoá dân tộc, giữ gìn, hoàn thiện bản sắc văn hoá dân tộc; quan tâm việc quảng bá hình ảnh đất nước, hình ảnh Hải Dương, văn hoá con người Hải Dương.
Phong trào dân vũ thể thao thu hút nhiều chị em tham gia
Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế. Trong đó, chỉ đạo việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành TW Đảng về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ...
Như vậy, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; cấp uỷ, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, góp phần tích cực trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy; nhiều phong trào, hoạt động văn hóa đạt được những kết quả cụ thể, thiết thực; phát huy được truyền thống văn hóa gia đình, dòng họ, cộng đồng... Xã hội hóa hoạt động văn hóa ngày càng được mở rộng, góp phần đáng kể vào việc xây dựng các thiết chế văn hóa. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường, thể chế văn hóa từng bước được hoàn thiện. Đội ngũ làm công tác văn hóa, văn nghệ có bước trưởng thành. Trên cơ sở kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phấn đấu xây dựng hình ảnh "Người Hải Dương văn minh, hiếu học và khát vọng vươn lên".