Sáng 17.2 (17 tháng giêng âm lịch), Ban Tổ chức các nghi lễ mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc 2022 tổ chức Lễ tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dâng hương tại Trung Nhạc miếu
Các đồng chí: Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; một số đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố cùng nhân dân và du khách tham dự.
Buổi lễ được thực hiện trang nghiêm, đúng nghi thức truyền thống và bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19. Trước đó, việc trang trí khánh tiết được Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc chuẩn bị chu đáo.
Từ 7 giờ 30, đoàn tế lên núi Ngũ Nhạc. Do không tổ chức các phần hội để bảo đảm an toàn dịch bệnh nên một số nghi thức đã được rút gọn. Đoàn tế dâng hương tại núi Ngũ Nhạc, Bắc Nhạc miếu. Tại Trung Nhạc miếu, đoàn cử hành nghi lễ tế trời đất, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, bệnh tật tiêu trừ.
Kết thúc lễ tế, lãnh đạo tỉnh phát ngũ cốc cho đại diện các sở, ban, ngành, địa phương và du khách. Ngũ cốc gồm 5 loại hạt do Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc chuẩn bị gồm: thóc, ngô, đỗ, lạc, vừng, ứng với thổ, kim, mộc, hỏa, thủy trong ngũ hành.
Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát ngũ cốc cho lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh
Theo thượng tọa Thích Thanh Vân, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, ngũ cốc là tinh túy, cao quý nhất trong các loại hạt để nuôi sống muôn loài. Ngũ cốc là vật phẩm linh thiêng dâng cúng tế Phật, lễ thánh, trời đất.
Sau lễ tế trời đất tại Trung cung, đoàn tế dâng hương tại Tây Nhạc miếu, Đông Nhạc miếu, Nam Nhạc miếu và kết thúc bằng lễ dâng hương tại đền thờ Trần Nguyên Đán, đền thờ Nguyễn Trãi.
Núi Ngũ Nhạc nằm ở phía đông bắc chùa Côn Sơn cao 238 m, trải dài từ bắc xuống nam. Ngũ Nhạc có 5 đỉnh, mỗi đỉnh có 1 miếu thờ thần tự nhiên là Ngũ Phương Ngũ Lão Quân (Thanh Đế ở phương đông, Bạch Đế ở phương tây, Hắc Đế ở phương bắc, Xích Đế ở phương nam và Hoàng Đế ở trung tâm). Các miếu mang chức năng quản việc cát, hung, họa, phúc, thống lĩnh muôn loài và chủ quản cây cối, núi rừng, khe vực. Trong tín ngưỡng dân gian, tế trời đất tại núi Ngũ Nhạc là để cầu phúc, tránh họa, mong cho phong đăng, hòa cốc, quốc thái dân an.
Nhân dân thắp hương tại Nam Nhạc miếu
Tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc là một nghi lễ đặc biệt quan trọng, đặc trưng của các nghi lễ mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc. Bà Nguyễn Thị Thùy Liên, Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết nghi lễ được phục dựng từ năm 2006 và tạo được ấn tượng sâu sắc trong nhân dân cùng du khách thập phương.
Từ thế kỷ XIV, Côn Sơn đã trở thành một trong những trung tâm Phật giáo lớn của Thiền phái Trúc Lâm - một Thiền phái của người Việt góp phần làm nên sức mạnh Đông A - điểm tựa tinh thần cho quân dân Đại Việt giữ vững nền độc lập chủ quyền trước âm mưu xâm lược của các thế lực ngoại xâm phương Bắc. Nơi đây, cứ mỗi độ xuân về, đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài lại nô nức về trẩy hội, thắp nén tâm hương.
Với giá trị hết sức đặc biệt, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia năm 1962. Năm 2012, khu di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Lễ hội chùa Côn Sơn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Phong cảnh Côn Sơn nhìn từ núi Ngũ Nhạc
Đến với Côn Sơn là đến với khu di tích với những cái tên đã rất đỗi quen thuộc trong tâm thức biết bao du khách như chùa Hun, đền thờ Nguyễn Trãi, đền thờ quan Đại tư đồ Trần Nguyên Đán, suối Côn Sơn, Thạch Bàn, giếng Ngọc, Bàn Cờ Tiên... Côn Sơn còn là nơi lưu giữ nhiều hiện vật quý, trong đó có các bảo vật quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận như bia “Thanh Hư Động” với ngự bút của vua Trần Duệ Tông, có niên đại từ thời Trần niên hiệu Long Khánh (1372 - 1377); bia “Côn Sơn Tư Phúc tự bi” được tạo tác từ thời Lê niên hiệu Hoằng Định thứ 8 (1607). Đây là những hiện vật vô giá minh chứng cho bề dày lịch sử và giá trị văn hoá, khoa học to lớn của khu di tích Côn Sơn. Hình ảnh Bác Hồ đọc bia khi Người về thăm Côn Sơn ngày 15.2.1965 đã trở thành ký ức thiêng liêng đối với mỗi người dân Việt Nam, nhắc nhở, căn dặn chúng ta nhớ về cội nguồn, luôn biết tri ân các bậc tiền nhân, là một trong những biểu tượng văn hóa của thời đại, tô thắm thêm truyền thống ngàn năm văn hiến của dân tộc. Hình ảnh và lời căn dặn của Bác chính là sự thể hiện một cách cụ thể, sinh động chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng, phấn đấu trong công tác xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc. Hơn 50 năm đã qua, lời dặn dò của Bác là phương châm, là nhiệm vụ cao cả của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương nói riêng và cả nước nói chung trong sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Thấm nhuần tinh thần đó, trong những năm qua, các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể tại khu di tích Côn Sơn luôn được tỉnh Hải Dương quan tâm bảo tồn và phát huy, nhiều công trình tiêu biểu đã và đang được tu bổ, phục dựng như nhà Tổ, cầu Thấu Ngọc, tòa Cửu phẩm Liên hoa, tả - hữu tiền hành lang, gác chuông, lầu thờ Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát.