Thứ hai, ngày 25/11/2024

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thứ Tư 25/08/2021 21:46

Xem với cỡ chữ
Trọn cuộc đời gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn thể hiện rõ phẩm chất cao quý của người chiến sĩ cách mạng kiên trung, suốt đời tận tụy hy sinh, phấn đấu cho mục tiêu độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng mãi là tấm gương sáng ngời để đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước kính trọng, yêu quý, học tập và noi theo.

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm gốm Chu Đậu năm 2008

Trong những ngày tháng Tám lịch sử này, mặc dù đất nước đang phải gồng mình chống dịch bệnh Covid - 19, nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân ta cũng không quên dành những tình cảm đặc biệt và hoạt động thiết thực để tưởng nhớ đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Một trong những học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là người đại tướng của nhân dân, người anh cả của quân đội cách mạng, một nhà văn hóa lớn của Việt Nam.

*          *

*

Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911, tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, trong một gia đình nhà Nho yêu nước dòng dõi khoa bảng. Năm 1925, khi còn là học sinh, do sớm được tiếp thu tư tưởng cách mạng của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí đã tích cực tham gia các phong trào đấu tranh. Năm 1930, đồng chí tham gia phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh và bị thực dân Pháp bắt, giam tại nhà lao Thừa Phủ (Huế). Năm 1931, sau khi ra tù đồng chí tiếp tục hoạt động tuyên truyền, xây dựng cơ sở cách mạng trong thanh niên, học sinh. Tháng 6/1940, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ đây, cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí gắn liền với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc Việt Nam.

Ngày 22/12/1944, đồng chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao trọng trách đứng ra thành lập “Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân” (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam). Với những cống hiến vô cùng to lớn của đồng chí đối với cách mạng Việt Nam, ngày 28/5/1948, đồng chí đã được thụ phong quân hàm Đại tướng và trở thành Đại tướng, Tổng Tư lệnh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, khi mới 37 tuổi.

Trong tất cả những bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có nhiều cống hiến to lớn, góp phần quan trọng làm nên những chiến thắng vĩ đại, tác động mạnh mẽ vào dòng chảy lịch sử dân tộc. Đặc biệt, với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã đưa ông lên tầm một vị tướng huyền thoại, một thiên tài quân sự của mọi thời đại, để lại dấu son rực rỡ trong lịch sử quân sự không chỉ ở Việt Nam mà trên cả thế giới. Ông là một trong số ít các nhân vật trở thành huyền thoại ngay cả khi còn đang tại thế.

Không chỉ là một nhà chỉ huy quân sự kiệt xuất, Ðại tướng còn nhà giáo dục tâm huyết, nhà báo, nhà văn hóa lớn; được Đảng, Nhà nước và nhân dân tín nhiệm giao phó nhiều trọng trách quan trọng như: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng… và liên tục được bầu làm Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII.

*          *

*

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương rất vinh dự và tự hào khi nhiều lần được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm. Dù trên cương vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các lực lượng vũ trang hay khi đã nghỉ hưu, Đại tướng luôn quan tâm và dành những tình cảm đặc biệt sâu sắc đối với cán bộ và nhân dân tỉnh nhà: Năm 1964, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn vô cùng khốc liệt, Đại tướng đã về thăm và động viên cán bộ, nhân dân tỉnh Hải Dương “tiếp tục tăng cường sức chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu” chống Mỹ cứu nước. Những năm sau đó, Đại tướng còn nhiều lần về thăm và làm việc với Thường vụ Tỉnh ủy Hải Hưng; thăm Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Nhà máy xi măng Hoàng Thạch; làng nghề chạm khắc gỗ Đông Giao; thăm di tích Côn Sơn, dự Lễ dâng hương hội đền Kiếp Bạc, thăm và ghi lưu niệm tại Bảo tàng tỉnh, trong đó Đại tướng căn dặn “Hải Hưng nhất định sẽ là một trong những tỉnh dẫn đầu trong sự nghiệp đổi mới theo con đường của Bác và của Đảng. Mong đội ngũ cán bộ và nhân viên của Bảo tàng cố gắng hơn nữa, làm cho Bảo tàng có một nội dung ngày càng phong phú hơn”,… Và, một sự kiện đặc biệt quan trọng, đó là vào ngày 5/10/1993 trên đỉnh núi An Phụ (Kinh Môn), Đại tướng chính là người “đặt phiến đá đầu tiên” tại nơi xây dựng Tượng đài anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo - cũng là một vị tướng kiệt xuất thời Trần của nước Đại Việt.

Năm 2008, mặc dù sức khỏe đã có nhiều giảm sút nhưng Đại tướng vẫn dành thời gian về với Hải Dương, ông đến thăm làng gốm Chu Đậu và ưu ái dành tặng gốm Chu Đậu 9 chữ vàng “Gốm Chu Đậu - Tinh hoa văn hóa Việt Nam ”. Và đây, cũng chính là lần cuối Đại tướng về thăm Hải Dương, trước khi qua đời tại thủ đô Hà Nội vào ngày 4/10/2013.

Để tưởng nhớ và tôn vinh những cống hiến to lớn của Đại tướng, ngày 26/01/2018, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Quyết định đặt tên cho một Đại lộ trên địa bàn thành phố Hải Dương và huyện Gia Lộc là “ Đại lộ Võ Nguyên Giáp ”.

Một số hình ảnh tư liệu của Đại tướng với Hải Dương do Bảo tàng tỉnh Hải Dương lưu giữ.

 

BT (nguồn Bảo tàng tỉnh Hải Dương)

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: