Thứ hai, ngày 25/11/2024

Giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh: Bài cuối: Phát huy giá trị các di sản văn hóa, bản sắc con người xứ Đông

Thứ Bảy 02/01/2021 18:37

Xem với cỡ chữ
Tăng cường công tác quản lý nhà nước bằng việc hoàn thiện cơ chế chính sách về bảo tồn di sản văn hóa là một trong những giải pháp để phát huy giá trị các di sản văn hóa, bản sắc con người xứ Đông.

 


 Hải Dương có nhiều di tích tiêu biểu, đặc trưng về văn hóa tâm linh, cách mạng kháng chiến... là thế mạnh để phát triển các hoạt động du lịch tâm linh, giáo dục truyền thống... Trong ảnh: Học sinh tham quan di tích văn miếu Mao Điền (Cẩm Giàng)

Trong nhiều nhiệm kỳ qua, nhất là nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chú trọng xây dựng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Hải Dương chân - thiện - mỹ, nhân văn, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Điều đó được thể hiện thông qua các chương trình của cấp ủy và đề án của UBND các cấp về văn hóa nói chung và di sản văn hóa nói riêng. Trong đó, tập trung quy hoạch, lập hồ sơ xếp hạng và tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, nghiên cứu, sưu tầm các giá trị di sản văn hóa phi vật thể... góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh. 

Đến nay, Hải Dương có 4 di tích, khu di tích, quần thể di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 142 di tích xếp hạng quốc gia và 237 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Trong đó có nhiều di tích tiêu biểu, đặc trưng về văn hóa tâm linh, kiến trúc nghệ thuật, cách mạng kháng chiến... là thế mạnh tiềm năng cho phát triển các hoạt động du lịch tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng, nghiên cứu khoa học, giáo dục truyền thống.

Tỉnh có 8 bảo vật quốc gia, 9 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 2 Nghệ nhân Nhân dân và 23 Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Một số nghề, loại hình nghệ thuật, ẩm thực cổ truyền như sản xuất gốm sứ, bánh đậu xanh, bánh gai; nghệ thuật hát chèo, ca trù, trống quân, chầu văn, múa rối nước... được nghiên cứu phục dựng, tổ chức truyền nghề, quảng bá sản phẩm. Từ đó mở rộng thị trường, góp phần tạo sự ổn định về lao động và tăng thu nhập kinh tế trong cộng đồng.

Ngoài bảo tồn các giá trị di sản văn hóa, tỉnh đã đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, tôn tạo cảnh quan môi trường nhằm làm tăng tính hấp dẫn, đa dạng các sản phẩm du lịch di sản văn hóa. Tổ chức cho các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa khai thác các tuyến du lịch kết nối các điểm tham quan du lịch văn hóa với các khu, điểm du lịch tự nhiên, du lịch sinh thái của tỉnh.

Từ các chương trình khai thác giá trị các di sản văn hóa đã và đang từng bước đem lại hiệu quả kinh tế như thay đổi cơ cấu kinh tế - xã hội, tăng nguồn thu ngân sách, mở ra nhiều dịch vụ, giải quyết việc làm cho nhiều người… Điều đó minh chứng về kết quả thực hiện Nghị quyết của Đảng về văn hoá của cấp ủy các cấp. 

Bên cạnh những thuận lợi nêu trên thì lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch ở tỉnh ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Đó là, nhiều di tích còn đang bị xâm hại, xuống cấp; di sản phi vật thể đang có nguy cơ bị mai một. Chưa gắn kết xây dựng được các sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, trong đó chứa đựng nội dung, hàm lượng văn hóa chất lượng cao. Sự phối hợp, liên kết du lịch Hải Dương trong khu vực đồng bằng Bắc Bộ và toàn quốc chưa hình thành rõ nét…

Để phát huy tốt hơn nữa giá trị các di sản văn hóa, bản sắc con người xứ Đông thành động lực phát triển quan trọng của tỉnh trong giai đoạn mới, cần tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cụ thể như sau: 

Một là, tăng cường công tác quản lý nhà nước bằng việc hoàn thiện cơ chế chính sách về bảo tồn di sản văn hóa. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý di sản văn hóa. Tăng cường đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch và các thuyết minh viên tại các di tích, danh thắng để đạt yêu cầu cao về trình độ, ngoại ngữ, cách giao tiếp ứng xử. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật Di sản văn hóa, các quy chế, quy định có liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trên các lĩnh vực quy hoạch, tu bổ, tôn tạo di tích, lễ hội, bảo vệ cổ vật...

Hai là, tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc hiểu biết về bản sắc văn hóa dân tộc, từ đó hình thành ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc một cách chủ động, tích cực và tự giác. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá rộng rãi về giá trị di sản văn hóa của tỉnh để thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Ba là, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh phù hợp với điều kiện phát triển trong từng cộng đồng dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, gia đình, nhà trường gắn với các quy định của Trung ương, các Chỉ thị, kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hương ước, quy ước làng xã. Xây dựng gia đình văn hóa, thôn xóm, khu dân cư, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị văn hóa một cách bền vững. Xây dựng văn hóa trong Đảng, văn hóa trong kinh tế, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đạo đức, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, nhân dân, thượng tôn pháp luật, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Chú trọng giáo dục toàn diện, nhất là giáo dục đạo đức cho học sinh. Phát triển văn học nghệ thuật, thị trường văn hóa…

Bốn là, xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy tốt các giá trị di sản văn hóa phục vụ công tác giáo dục truyền thống xây dựng con người Hải Dương giàu tính nhân văn và hiện đại, gắn với khai thác phát triển du lịch. Xác định rõ các giá trị văn hóa tiêu biểu đặc trưng của tỉnh cần được bảo vệ và phát huy, đồng thời chủ động hội nhập, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Xây dựng đội ngũ các nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ sĩ, cán bộ văn hóa ngày càng vững mạnh. Tạo điều kiện để nâng cao sự hưởng thụ văn hóa cho nhân dân. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, góp phần xây dựng văn hóa, con người Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Năm là, đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm huy động sức lực, trí tuệ, kinh phí của toàn xã hội cùng tham gia vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; tham gia sáng tạo những giá trị văn hóa mới trên cơ sở kế thừa, phát huy di sản văn hóa dân tộc nhằm tôn vinh, phát huy những giá trị, lối sống và truyền thống tốt đẹp của người xứ Đông trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, hiện đại, văn minh.

Theo Baohaiduong.vn

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: