Thứ hai, ngày 25/11/2024

Biến nghị quyết thành hành động: Bài 1: Hải Dương đang đứng ở đâu?

Thứ Sáu 11/12/2020 12:44

Xem với cỡ chữ
Muốn thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025, trước hết, Hải Dương cần xác định được vị trí hiện nay của mình so với các tỉnh, thành phố ở vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.

 


Hải Dương hiện đứng thứ 4/11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 13/63 cả nước về số doanh nghiệp đang hoạt động. Trong ảnh: Sản xuất linh kiện xe máy và ô tô tại Công ty TNHH Việt Nam Toyo Denso (khu công nghiệp Nam Sách) 

Điều kiện tự nhiên

Hải Dương có diện tích tự nhiên 1.668 km2, là tỉnh có diện tích tương đối nhỏ so với cả nước (đứng thứ 52/63) nhưng ở mức khá lớn trong vùng đồng bằng sông Hồng (đứng thứ 4/11). Dân số trung bình của tỉnh năm 2020 ước đạt gần 1,92 triệu người, là tỉnh đông dân thứ 9 cả nước và thứ 3 vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH).

Cùng với các tỉnh trong vùng, mật độ dân số của Hải Dương rất lớn, gấp 4 lần bình quân cả nước, gấp 1,1 lần vùng ĐBSH. Năm 2020, mật độ dân số đạt 1.149 người/km2, đứng thứ 7 cả nước và thứ 7 vùng ĐBSH.

Dân số đông nên nguồn lao động của tỉnh nói chung dồi dào, giúp phát triển kinh tế thuận lợi, nhưng mật độ dân số cao cũng gây ra nhiều áp lực về an sinh xã hội, đồng thời nguồn tài nguyên đất hạn chế, quy hoạch quỹ đất cho phát triển các khu, cụm công nghiệp và hạ tầng xã hội gặp nhiều khó khăn.   

Điều kiện xã hội

Về y tế, số giường bệnh/vạn dân (31,2 giường) và số bác sĩ/vạn dân (9,3 bác sĩ) của tỉnh tương đối thấp, xếp lần lượt thứ 42 và 41 trong cả nước. Đặc biệt, so với vùng ĐBSH, xếp hạng số giường bệnh/vạn dân (thứ 8) và số bác sĩ/vạn dân (thứ 9) đều thấp hơn so với vị thế kinh tế của tỉnh (đứng thứ 5-6).

Về trình độ dân số, số năm đi học bình quân của dân số trên 25 tuổi đạt 10,1 năm, đứng thứ 6 cả nước, thứ 4 vùng ĐBSH (sau Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh). Tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ đạt 24%, đứng thứ 19 cả nước và thứ 8 vùng ĐBSH. Như vậy, trình độ học vấn của dân số trong tỉnh rất cao (thứ 6 cả nước) nhưng lao động có trình độ chưa tương xứng (thứ 19). Nguyên nhân do cơ cấu ngành công nghiệp, dịch vụ còn nặng về gia công, lắp ráp; dịch vụ giản đơn không thu hút và giữ chân được lao động có trình độ.

Về mức sống dân cư, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh ước đạt 52,7 triệu đồng/người/năm, đứng thứ 16 cả nước và thứ 6 vùng ĐBSH. Diện tích nhà ở bình quân đạt 27,7 m2/người, đứng thứ 8 cả nước, thứ 3 vùng ĐBSH (sau Bắc Ninh và Vĩnh Phúc). Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh năm 2020 ước đạt 1,36%, đứng thứ 10 cả nước và thứ 4 vùng ĐBSH (sau Hà Nội, Bắc Ninh và Hải Phòng). Như vậy, dù thu nhập chỉ ở mức khá cao (thứ 16) nhưng điều kiện sống của người dân lại thuộc nhóm cao (top 10) trong cả nước. Nguyên nhân do chênh lệch khoảng cách giàu nghèo trong tỉnh không lớn, đạt 6,8 lần trong khi tỷ lệ này của cả nước là 10,5 lần, của vùng ĐBSH là 8,4 lần.

Tỷ lệ dân số thành thị của tỉnh là 32,2%, đứng thứ 4 vùng ĐBSH (sau Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh) và thứ 20 cả nước. Tuy nhiên, tỷ lệ của tỉnh vẫn thấp hơn bình quân của vùng (37,2%) và cả nước (36,8%).

Kinh tế

Quy mô kinh tế của tỉnh khá lớn, ước năm 2020 đạt 134.000 tỷ đồng (xấp xỉ 5,8 tỷ USD), đứng thứ 11 cả nước, thứ 5 vùng ĐBSH. Tuy nhiên, do dân số đông nên GRDP bình quân/người của tỉnh chỉ đạt gần 70 triệu đồng (69,8 triệu đồng, tương đương 3.020 USD) thấp hơn bình quân cả nước (chỉ có khoảng 15 tỉnh, thành phố cao hơn cả nước). GRDP bình quân của tỉnh đứng thứ 19 cả nước, thứ 7 vùng ĐBSH.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh tương đối tốt, tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản thấp hơn cả nước nhưng chỉ ở mức trung bình so với vùng ĐBSH và đứng cuối cùng so với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (KTTĐBB). Bên cạnh đó, tỷ trọng các ngành dịch vụ đạt 31,3% còn thấp hơn bình quân cả nước (khoảng 45%) và vùng ĐBSH (bình quân 48%).
 


Hải Dương có nhiều ưu thế nhưng chưa thực sự phát huy tốt để phát triể. Ảnh có tính minh họa

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một trong những điểm sáng của tỉnh, tính đến nay lũy kế các dự án còn hiệu lực của tỉnh là 478 dự án, tổng số vốn đăng ký là 8,8 tỷ USD. Về quy mô thu hút vốn, tỉnh đứng thứ 10 cả nước, thứ 4 vùng ĐBSH và 4/7 vùng KTTĐBB. Tuy nhiên, các dự án FDI đầu tư vào tỉnh có quy mô vốn chỉ ở mức khá và trung bình, không tạo được đột phá cho tỉnh. Cụ thể, bình quân vốn đăng ký chỉ đạt 17,9triệu USD/dự án, đứng thứ 27 cả nước.

Khu vực FDI chiếm tỷ trọng khoảng 34% trong GRDP tỉnh (cao hơn cả nước), đồng thời lợi thế so sánh của tỉnh phù hợp với chiến lược sản xuất hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu. Vì vậy, giá trị xuất khẩu của tỉnh đứng thứ 8 cả nước, thứ 4 vùng ĐBSH.

Hải Dương là 1/16 tỉnh, thành phố có điều tiết về ngân sách Trung ương từ năm 2017 nhưng mức điều tiết của tỉnh chỉ 2%, thấp nhất trong 16 tỉnh, thành phố. Về tổng thu ngân sách trên địa bàn, năm 2019 đạt hơn 20.000 tỷ đồng, đứng thứ 15 cả nước, thứ 6 vùng ĐBSH.

Thể chế, công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đo lường chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi của chính quyền các tỉnh, thành phố. PCI của Hải Dương năm 2019 chỉ nằm trong nhóm khá với 63,85 điểm, đứng thứ 10 vùng ĐBSH, thứ 47 cả nước.

Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh tiếng nói của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp, hướng tới cải thiện hiệu quả phục vụ nhân dân của chính quyền địa phương. Chỉ số PAPI 2019 của tỉnh đạt 45,74 điểm, đứng thứ 2 vùng ĐBSH và đứng thứ 7 cả nước.

Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) là công cụ theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện cải cách hành chính, gồm đánh giá bên trong của cơ quan (có thẩm định của Hội đồng Thẩm định Trung ương) và đánh giá bên ngoài của người dân. Par Index của Hải Dương đạt 80,94 điểm, đứng thứ 8 vùng ĐBSH và thứ 33 của cả nước.

Nhìn chung, chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh của tỉnh còn nhiều hạn chế, bất cập (thể hiện qua PCI ở nhóm cuối cả nước), các đánh giá về thực hiện cải cách hành chính (thể hiện qua Par Index) cũng chỉ ở mức trung bình. Tuy nhiên, hiệu quả điều hành và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp (thể hiện qua PAPI) là khá tốt.            

Doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân

Doanh nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế, là bộ phận chủ yếu tạo ra tổng sản phẩm trên địa bàn. Các loại hình doanh nghiệp chiếm tỷ trọng 65,8%, hộ cá thể là 27,7%, khu vực hành chính, sự nghiệp là 5,9%, tập thể (HTX) là 0,6%.

Trên địa bàn tỉnh có hơn 9.000 doanh nghiệp đang hoạt động, đứng thứ 4/11 vùng ĐBSH và thứ 13 cả nước. Ngoài ra còn rất nhiều các chi nhánh, công ty con của các tổng công ty, tập đoàn kinh tế hoạt động trong các lĩnh vực bán lẻ, viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm… không được thống kê ở trên (nhưng giá trị tạo ra vẫn được Tổng cục Thống kê phân bổ cho các địa phương trong quá trình tính GRDP).

Có 47,5 doanh nghiệp/vạn dân (bình quân cứ 211 người có 1 doanh nghiệp), đứng thứ8 vùng ĐBSH, thứ 19 cả nước. Số doanh nghiệp/vạn dân của tỉnh thấp hơn bình quân cả nước là 78,8 doanh nghiệp/vạn dân (127 người có 1 doanh nghiệp) và của vùng ĐBSH là 105,5 doanh nghiệp/vạn dân.

Về quy mô các doanh nghiệp đang hoạt động, số doanh nghiệp vừa và lớn chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 9,4%, còn lại 90,6% là các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ (số liệu thống kê năm 2018). Số lao động làm việc trong doanh nghiệp của tỉnh là gần 360.000 người, đứng thứ 4 vùng ĐBSH và đứng thứ 7 cả nước. Bình quân có khoảng 40 lao động/doanh nghiệp, đứng thứ 2 vùng ĐBSH (sau Bắc Ninh), thứ 5 cả nước. Vốn sản xuất, kinh doanh bình quân đạt 30 tỷ đồng/doanh nghiệp, đứng thứ 8 vùng ĐBSH, thứ 24 cả nước. Doanh thu đạt 39 tỷ đồng/doanh nghiệp, đứng thứ 6 vùng ĐBSH, thứ 13 cả nước.

Rõ ràng, số lao động bình quân/doanh nghiệp của tỉnh khá cao nhưng các chỉ tiêu bình quân về quy mô vốn, doanh thu lại xếp thứ hạng thấp hơn. Điều đó biểu hiện khá rõ, hoạt động kinh tế của tỉnh sử dụng nhiều lao động (sản xuất công nghiệp gia công, lắp ráp; dịch vụ giản đơn) nên giá trị thu được thấp. Cơ bản hiệu quả kinh tế thu được là thấp hơn so với các tỉnh nằm trong top đầu cả nước. Bên cạnh đó, với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động lớn so với bình quân cả nước và tỷ lệ doanh nghiệp vừa và lớn còn khá khiêm tốn, Hải Dương còn nhiều dư địa để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp cả về số lượng lẫn cải thiện quy mô của doanh nghiệp nếu có những giải pháp tích cực, khả thi.

Nằm ở nhóm 2 của vùng đồng bằng sông Hồng

Tỉnh Hải Dương nằm ở nhóm 2 của vùng ĐBSH cùng với Vĩnh Phúc và Hưng Yên, thua kém nhóm 1 của vùng ĐBSH gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và Bắc Ninh khá lớn (nhóm 1 và nhóm 2 cũng hình thành vùng KTTĐBB). Trong nhóm 2, tỉnh Hải Dương có “nhỉnh” hơn nhưng khoảng cách không thực sự rõ ràng với 2 tỉnh còn lại. Mặc dù chúng ta có nhiều lợi thế hơn so với Vĩnh Phúc và Hưng Yên nhưng vị thế hiện nay của tỉnh chưa thực sự thể hiện được những ưu thế, lợi thế đó. Trong giai đoạn tiếp theo cần phải đặt mục tiêu tiệm cận các tỉnh trong nhóm 1 của vùng ĐBSH và cũng là top đầu của vùng KTTĐBB.

Tóm lại, so với cả nước, Hải Dương có vị trí dao động trong khoảng từ thứ 13 đến thứ 15, trong đó có nhiều chỉ tiêu trong top 10 như xuất khẩu, thu hút FDI, dân số, trình độ giáo dục, diện tích nhà ở bình quân, tỷ lệ hộ nghèo, chỉ số PAPI. Tuy nhiên, cũng còn một vài chỉ tiêu nằm ngoài top 20 như y tế, PCI, Par Index cần nhanh chóng cải thiện.

Theo Baohaiduong.vn

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: