Thứ năm, ngày 9/5/2024

Bảo hiểm xã hội tỉnh Hải Dương sau 8 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW

Thứ Sáu 25/09/2020 08:43

Xem với cỡ chữ
Sau 8 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012- 2020", công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn tỉnh đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực.

 

Tăng đối tượng tham gia BHXH, BHYT

Xác định BHXH và BHYT là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 21-NQ/TW, BHXH tỉnh đã chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị quán triệt triển khai Nghị quyết 21; đồng thời phối hợp các các sở, ban, ngành có liên quan tham mưu ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết. Trong những năm qua đã ban hành trên 100 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ cung cấp tới cơ sở.

Nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và để tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành trong việc tuyên truyền, phổ biến các chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh, ngành BHXH tỉnh Hải Dương đã tiến hành ký kết các chương trình phối hợp với các sở, ban, ngành, hội đoàn thể theo nội dung đa dạng, phù hợp và phát huy hiệu quả tích cực. Nhờ đó, nhận thức của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị về chính sách BHXH, BHYT có sự chuyển biến tích cực; đối tượng tham gia BHXH, BHYT không ngừng tăng lên; quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT được đảm bảo; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân từng bước được củng cố nâng cao.

Sau 8 năm, việc mở rộng và phát triển đối tượng tham gia BHXH ngày càng mở rộng, tăng qua các năm, hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao và cơ bản đảm bảo lộ trình phát triển đối tượng tham gia theo mục tiêu Nghị quyết 21-NQ/TW. Đến tháng 8 năm 2020, tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội là 374.197 người, chiếm 39,2% lực lượng lao động tham gia, tăng 80,5% so với năm 2012. Tổng số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 334.828 người, tăng 78,7% so với năm 2012, chiếm khoảng 35,1% lực lượng trong độ tuổi lao động. Đặc biệt, số người dân tham BHYT là 1.671.022 người, đạt 98,99% kế hoạch, với 88,09% tỷ lệ bảo phủ dân số toàn tỉnh. Ước đến hết năm 2020 số người tham gia BHYT toàn tỉnh chiếm khoảng trên 90% dân số, đạt chỉ tiêu Chính phủ giao.

Ảnh: Người lao động làm thủ tục đề nghị hưởng BHXH, BHYT, BHTN.

Ngành BHXH tỉnh đã áp dụng nhiều biện pháp thu tích cực, hiệu quả. Nhờ vậy, số thu hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch được giao, số thu năm sau cao hơn năm trước. Năm 2012 số thu BHXH, BHYT toàn tỉnh là 2.369 tỷ đồng, đến hết năm 2019 số thu đạt 7.332 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với năm 2012. Ngoài ra, BHXH tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với ngành y tế tổ chức thẩm định các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT theo đúng Luật BHYT; đẩy mạnh cải cách hành chính trong khám, chữa bệnh BHYT nhằm giảm phiền hà và giải quyết kịp thời quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT. BHXH tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác giám định, thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT nhằm chống việc lạm dụng quỹ BHYT. Đến nay, 100% các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trong tỉnh thực hiện gửi dữ liệu hằng ngày lên cổng tiếp nhận dư liệu khám, chữa bệnh BHYT toàn quốc. 

Công tác giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT được thực hiện kịp thời, đầy đủ; quyền lợi của người tham gia ngày càng mở rộng, góp phần đảm bảo công tác an sinh xã hội và ổn định chính trị trên địa bàn tỉnh. Hằng tháng chi trả BHXH cho người hưởng lương hưu và trợ cấp xã hội qua hệ thống bưu điện kịp thời, đến tận tay người thụ hưởng. Đặc biệt năm 2020, đã tập trung giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe cho 173.746 lượt người, không để xảy ra ý kiến phản ánh về công tác giải quyết chế độ cho ngưởi lao động, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia và đáp ứng yêu cầu trong tình hình dịch bệnh Covid-19.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được coi trọng. Hằng năm, đều tiến hành kiểm tra việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và của Tỉnh ủy về công tác BHXH, BHYT. Trong hơn 8 năm qua, các ngành đã phối hợp thanh tra, kiểm tra tại 205 đơn vị. Riêng cơ quan BHXH tỉnh đã thực hiện thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch thường xuyên 638 đơn vị doanh nghiệp, cơ sở khám chữa bệnh; thanh tra đột xuất tại 475 đơn vị. Qua thanh tra, kiểm tra đã kịp thời phát hiện việc đóng, nộp và tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp chưa kịp thời cho người lao động; đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn cho các đơn vị và người lao động về BHXH, BHYT để hiểu biết về chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT.

Những hạn chế, vướng mắc cần tháo gỡ

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế, khó khăn: Hiện nay, còn trên 10% người dân của tỉnh chưa được hưởng chính sách BHYT, tập trung vào độ tuổi từ 18-45, là những người lao động trẻ, khỏe nên còn chủ quan chưa tham gia BHYT. Tỷ lệ người lao động tham gia BHXH tự nguyện, tỷ lệ số người tham gia BHYT theo hộ gia đình còn thấp so với tiềm năng hiện có. Đến nay, số người tham gia BHXH chiếm gần 39,2% lượng lao động tham gia, trong đó BHXH tự nguyện chiếm 3,06% lực lượng lao động tham gia. Trong khi đó, theo tinh thần của Nghị quyết 21-NQ/TW thì đến năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH.

Ảnh: BHXH thành phố Hải Dương tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN 

Ngoài ra, tính tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT của người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước và của người dân còn hạn chế; tình trạng trốn đóng, chậm đóng tiền bảo hiểm dẫn đến nợ đọng kéo dài còn xảy ra ở nhiều doanh nghiệp. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chưa thường xuyên. Chất lượng khám, chữa bệnh BHYT ở một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu người bệnh...

Trong thời gian tới, để xây dựng và phát triển vững chắc hệ thống BHXH, BHYT, thực hiện tốt an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, cần thực hiện một số giải pháp sau: Tăng cường sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong việc thực hiện chương trình, mục tiêu về BHXH, BHYT, BHTN. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, công tác phối hợp giữa các sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp với cơ quan BHXH bằng các giải pháp cụ thể. Các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị liên quan cần xác định việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác BHXH, BHYT là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên gắn với nhiệm vụ của từng đơn vị. Tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Tiếp tục thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN; hiện đại hóa quản lý BHXH, BHYT; mở rộng thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên cả các lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN. Củng cố hệ thống y tế cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh bằng BHYT của nhân dân; không để xảy ra tình trạng lạm dụng hoặc trục lợi từ quỹ BHXH, BHYT. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao tinh thần phục vụ, tạo điều kiện tốt nhất cho tổ chức, cá nhân tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT.

Trần Linh

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: