Chủ nhật, ngày 24/11/2024

Đảng bộ tỉnh Hải Dương: từ kháng chiến - kiến quốc đến hội nhập và phát triển

Thứ Ba 02/06/2020 10:47

Xem với cỡ chữ
Kể từ khi thành lập đến nay, Đảng bộ tỉnh Hải Dương đã trải qua 16 kỳ đại hội. Mỗi kỳ đại hội là một dịp để đưa ra những mục tiêu, dấu mốc mới trong quá trình phát triển của Đảng bộ tỉnh

Ngày 10/6/1940, Hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh Hải Dương được triệu tập tại xã Tạ Xá (Nam Sách). Kể từ khi thành lập đến nay, Đảng bộ tỉnh Hải Dương đã trải qua 16 kỳ đại hội, đánh dấu quá trình Đảng bộ tỉnh lãnh đạo nhân dân địa phương cùng nhân dân cả nước khởi nghĩa giành chính quyền, trải qua hai cuộc kháng chiến, bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế, xây dựng Hải Dương giàu mạnh, hội nhập và phát triển cùng đất nước. Mỗi kỳ đại hội là một dịp để đưa ra những mục tiêu, dấu mốc mới trong quá trình phát triển của Đảng bộ tỉnh, phù hợp với xu thế phát triển chung của đất nước.

Hội nghị cán bộ Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ nhất (khóa I): chuẩn bị lực lượng mọi mặt cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược

Họp giữa tháng 11-1946, tại chùa Đông Thuần, thành phố Hải Dương. Trong bối cảnh thực dân Pháp ráo riết thực hiện dã tâm cướp nước ta một lần nữa, Hội nghị tập trung và bàn quyết định nhiệm vụ chuẩn bị lực lượng mọi mặt cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Hội nghị chủ trương phát triển công tác đoàn thể, xây dựng lực lượng vũ trang, đẩy mạnh công tác phát triển tự vệ chiến đấu, mua sắm vũ khí, thành lập đội Thanh niên xung phong.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ II: bước đầu thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, kháng chiến và kiến quốc

Nhằm đánh giá tình hình thực tế địa phương sau một thời gian quân Pháp phát động cuộc chiến tranh, trên cơ sở đó đề ra chủ trương, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, đầu tháng 4 năm 1947, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ II được triệu tập tại thôn Triều Dương, xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện.

Đại hội đánh giá tình hình địch, thảo luận “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chỉ thị “Toàn quốc kháng chiến” của Trung ương Đảng, Đại hội thảo luận những ưu khuyết điểm và bài học trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, bước đầu thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là kháng chiến và kiến quốc. Từ đó, Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ kháng chiến trên các mặt quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa. Về xây dựng Đảng, Đại hội đã nêu nhiệm vụ tích cực phát triển Đảng để tổ chức đảng có ở hầu khắp các cơ sở, đẩy mạnh giáo dục đảng viên…

Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ III: Đảng lãnh đạo quân và dân tỉnh đẩy mạnh cuộc kháng chiến trong giai đoạn cách mạng mới

Tháng 2-1948, Đảng bộ tỉnh triệu tập Đại hội đại biểu lần thứ III tại Xuyên Hử, xã Đông Xuyên, Ninh Giang, được nửa thì di chuyển sang xã Đan Giáp, Thanh Miện. Đại hội quyết định phương hướng và các biện pháp cụ thể để lãnh đạo quân và dân trong tỉnh đẩy mạnh cuộc kháng chiến trong giai đoạn cách mạng mới: phát triển chiến tranh du kích, đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, củng cố Việt Minh… đồng thời xây dựng nền kinh tế “tự cấp, tự túc”.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ IV : kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) với mục tiêu xây dựng bước đầu cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội và hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa

Ngày 21/6/1960, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ IV (vòng 1) đã khai mạc tại Hội trường tỉnh (nay là Nhà văn hóa Trung tâm)

Đại hội vòng 2: từ ngày 23/2 đến ngày 3/3/1961. Đại hội thông qua phương hướng và kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) với mục tiêu xây dựng bước đầu cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội và hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, tiếp tục đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội.

Đại hội xác định: “ Hải Dương là một tỉnh nông nghiệp, chúng ta phải lấy phát triển nông nghiệp làm trọng tâm”, muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong mọi mặt, củng cố tổ chức, nâng cao nhiệt tình cách mạng…

Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ V : xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà

Đại hội họp từ ngày 24 đến ngày 28/4/1963, tại thị xã Hải Dương. Đại hội rút ra một số bài học kinh nghiệm trong hai năm đầu thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) và xác định đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III đề ra.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần thứ I - Đại hội đầu tiên sau 7 năm sáp nhập hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên thành tỉnh Hải Hưng: mục tiêu công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, đồng thời làm tròn nghĩa vụ đối với cách mạng miền nam

Ngày 24/3/1975, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần thứ nhất khai mạc tại hội trường tỉnh. Đại hội đánh giá những thành tựu, thuận lợi, khó khăn của tỉnh, đề ra phương hướng, nhiệm vụ: phát triển nền kinh tế địa phương vững mạnh, toàn diện nhằm mục tiêu công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, đồng thời làm tròn nghĩa vụ đối với cách mạng miền nam, tạo tiền đề cần thiết cho việc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976-1980).

Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần thứ II : Kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976-1980), phát triển kinh tế và cải tạo kinh tế

Đại hội vòng 1: ngày 11 – 20/11/1976 tại Hội trường tỉnh. Đại hội đề ra phương hướng và nhiệm vụ kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976-1980): phát triển kinh tế và cải tạo kinh tế, nhận thức việc xây dựng quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa là một vấn đề lớn, có tính quy luật.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần thứ III : xây dựng Hải Hưng thành tỉnh giàu đẹp về kinh tế, văn hóa, vững mạnh về chính trị, mạnh mẽ về quốc phòng

Đại hội tiến hành từ ngày 30/10 đến ngày 3/11/1979, tại Hội trường tỉnh. Trong bối cảnh đất nước có những biến cố phức tạp, chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc vừa nổ ra, Đại hội đề ra mục tiêu xây dựng Hải Hưng thành tỉnh giàu đẹp về kinh tế, văn hóa, vững mạnh về chính trị, mạnh mẽ về quốc phòng, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại hội thông qua phương hướng, nhiệm vụ của tỉnh trong hai năm 1979-1980: chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp, khai thác triệt để tiềm năng của địa phương là đất đai và lao động. Đại hội đã đưa ra những chỉ tiêu cụ thể để thực hiện mục tiêu đã đề ra

Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần thứ IV : thực hiện 3 chương trình quan trọng đó là lương thực, thực phẩm - hàng tiêu dùng thiết yếu - hàng xuất khẩu

Ngày 6/1/1982, tại Hội trường tỉnh, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IV (vòng 1) đã khai mạc. Đại hội xây dựng kế hoạch 5 năm 1981 – 1985, thực hiện Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về khoán sản phẩm trong nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng.

Ngày 25-29/1/1983, Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần thứ IV (vòng 2) diễn ra tại Hội trường tỉnh, Đại hội đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ đến năm 1985: tập trung cao độ để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, trọng tâm là sản xuất lương thực, thực phẩm. Đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng, từng bước ổn định đời sống nhân dân. Đẩy mạnh sản xuất hàng xuất khẩu.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần thứ V: đổi mới tư duy kinh tế, xây dựng và hoàn thiện từng bước cơ chế quản lý mới, hình thành cơ cấu kinh tế mới

Đại hội tiến hành từ ngày 20 đến 25/10/1986.

Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, đại hội đã chỉ rõ những nguyên nhân yếu kém do khách quan và do sự lãnh đạo của Ban Chấp hành, từ đó đề ra phương hướng nhiệm vụ 5 năm (1986-1990) với mục tiêu hình thành cơ cấu kinh tế mới, xây dựng và hoàn thiện từng bước cơ chế quản lý mới, thúc đẩu sản xuất phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Muốn vậy, phải đổi mới tư duy, nhất là đổi mới tư duy kinh tế, đổi mới phong cách làm việc, đổi mới tổ chức và cán bộ. Phải thực sự đổi mới cách quản lý kinh tế, chuyển mạnh từ hành chính bao cấp sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Đại hội đã đề ra các nhiệm vụ cụ thể để thực hiện 3 chương trình quan trọng đó là lương thực, thực phẩm - hàng tiêu dùng thiết yếu  - hàng xuất khẩu.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần thứ VI : tiếp tục công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường dưới sự quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa

Ngày 28-30/3/1991, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần thứ VI (vòng 1) đã diễn ra tại Nhà văn hóa trung tâm tỉnh (thị xã Hải Dương). Ngày 15-17/8/1991, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VI (vòng 2) được tiến hành trọng thể. Có 403 đại biểu chính thức, 22 đại biểu dự khuyết, đại diện cho 122.773 đảng viên trong toàn tỉnh.

Đại hội đánh giá trong 5 năm thực hiện đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Trung ương VI, thực hiện cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, đổi mới cơ chế quản lý đã phát huy tốt hơn năng lực sản xuất, khai thác tốt các tiềm năng của địa phương. Đại hội xác định mục tiêu cụ thể: tập trung thực hiện bốn chương trình kinh tế - xã hội: Lương thực - thực phẩm; chế biến sản phẩm nông nghiệp và sản xuất hàng xuất khẩu; xây dựng kết cấu hạ tầng; dân số và việc làm.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần thứ VII: giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Ngày 6-9/5/1996, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần thứ VII đã diễn ra tại Nhà văn hóa trung tâm tỉnh. Đại hội xác định phương hướng, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn tới - giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của tỉnh, trong quá trình đổi mới phải biết kết hợp đúng đắn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với từng bước đổi mới hệ thống chính trị với phương châm “phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt”.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XII: Đại hội đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Hải Dương sau khi tái lập tỉnh, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa Hải Dương hội nhập với vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII

Ngày 16-18/11/1997, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần thứ XII đã diễn ra tại Nhà văn hóa trung tâm tỉnh. Đại hội đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Hải Dương sau khi tái lập tỉnh, đánh dấu mốc son mới trong tiến trình phát triển của tỉnh. Đại hội nêu phương hướng tổng quát: đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó công nghiệp hóa nông thôn là khâu quan trọng, đảm bảo tính vững chắc và hiệu quả, đưa Hải Dương hội nhập với vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Xóa bỏ triệt để cơ chế quản lý tập trung, quan liêu bao cấp. Hiệu quả kinh tế - xã hội là căn cứ, cũng là mục tiêu quyết định các phương án đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh

Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XIII: tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn thời kỳ 1997-2000 và mức bình quân cả nước

Đại hội diễn ra từ ngày 13-17/12/2000. Đại hội đề ra phương hướng tổng quát: phát huy mọi nguồn lực, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn thời kỳ 1997-2000 và mức bình quân cả nước. Diễn văn bế mạc do đồng chí Nguyễn Văn Chiền, Bí thư Tỉnh ủy đọc đã nhấn mạnh: “quyết tâm làm cho Hải Dương ổn định, phát triển đi lên bền vững hơn, không cam chịu tụt hậu, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Hải Dương xứng đáng với vị trí là một trong những tỉnh giữ vai trò động lực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc”

Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XIV: Chiến lược phát triển kinh tế của quá trình phát triển và hội nhập

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2005-2010

Đại hội diễn ra ngày 15-18/12/ 2005. Đại hội xác định, giai đoạn 2006-2010 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001-2010 và định hướng mục tiêu phát triển đến năm 2020 với nhiều cơ hội và thách thức mới trong quá trình phát triển và hội nhập. Do vậy, Hải Dương cần huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong quá trình hội nhập; chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đạt mức tăng trưởng kinh tế cao hơn mức hình quân chung cả nước, tạo tiền đề vững chắc để phấn đấu cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2015.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XV (2010-2015): đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn

Đại hội diễn ra ngày 26-28/9/2010. Đại hội xác định nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư và tăng trưởng kinh tế cao; phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, đẩy mạnh chăn nuôi gắn với công nghiệp chế biến và xây dựng nông thôn mới để đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X); phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, tập trung đầu tư chiều sâu, ưu tiên phát triển công nghiệp sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao và có lợi thế cạnh tranh; tạo nền tảng để đến năm 2020 Hải Dương cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp

Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVI (2015-2020) : Nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong quá trình hội nhập

Đại hội diễn ra ngày 26-28/10/ 2015. Đại hội chỉ ra , bên cạnh những thành tựu đạt được, việc triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XV còn một số hạn chế, trong đó có khả năng cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế thấp.

Đại hội đề ra phương hướng và mục tiêu tổng quát: nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết toàn dân; chủ động, sáng tạo đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong quá trình hội nhập. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Phấn đấu xây dựng Hải Dương sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Trong hành trình phát triển của thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Hải Dương đã phấn đấu hết mình, khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương một cách hiệu quả. Nhờ vậy, thành tựu đạt được của Hải Dương trong những năm qua rất đáng tự hào. Kinh tế đạt mức tăng trưởng khá và ổn định; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp hóa. Thu ngân sách và thu hút đầu tư đạt kết quả khá cao, từ năm 2017 tự cân đối ngân sách và có một phần điều tiết về Ngân sách Trung ương. Hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, nhất là hệ thống giao thông liên tỉnh. Xây dựng và phát triển đô thị, nông thôn đạt kết quả nổi bật. Văn hóa - xã hội phát triển toàn diện, thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa; giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt nhiều tiến bộ mới. Quốc phòng - an ninh được củng cố và giữ vững.

 

Một số hình ảnh của Hải Dương hôm nay. Nguồn ảnh: Wikipedia

Theo kế hoạch của Tỉnh ủy, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ được tiến hành trong 3 ngày, dự kiến tổ chức vào tháng 10/2020. Đại hội sẽ tổng kết thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2015-2020 và xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025; thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng; bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025; bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội XIII của Đảng.

 

Thúy Nga

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: