Chiều ngày 17/12, UBND huyện Nam Sách phối hợp cùng Công ty Cổ phần gốm Chu Đậu tổ chức Lễ công bố quyết định và gắn biển điểm du lịch làng nghề Gốm Chu Đậu tại xã Thái Tân, huyện Nam Sách. Đồng chí Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh tới dự.
Đồng chí Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chúc mừng tại buổi Lễ
Gốm Chu Đậu thuộc dòng gốm cổ cao cấp của Việt Nam, có niên đại vào khoảng thế kỷ XII- XIII, phát triển rực rỡ vào thế kỷ XV-XVI trong suốt thời kỳ Lý - Trần - Lê - Mạc. Sang thế kỷ XVII gốm Chu Đậu bị thất truyền. Nét đặc trưng của gốm Chu Đậu được thể hiện ở kiểu dáng, màu men và các hoa văn họa tiết tinh xảo thể hiện bản sắc văn hóa thuần Việt, phản ánh trung thực nền văn minh của đồng bằng châu thổ sông Hồng. Hiện gốm cổ Chu Đậu đang được trân trọng lưu giữ tại 46 bảo tàng danh tiếng ở 32 quốc gia trên thế giới.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, sau hơn 400 năm thất truyền. Năm 2001, Tổng công ty Thương mại Hà Nội - Công ty cổ phần (Hapro), thành viên của Tập đoàn BRG đã quyết định thành lập Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu với sứ mệnh phục hưng dòng gốm cổ Chu Đậu. Gốm Chu Đậu đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng 9 chữ vàng "Gốm Chu Đậu - Tinh hoa văn hóa Việt Nam" và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng 10 chữ vàng "Gốm Chu Đậu - Bản sắc Việt, tỏa sáng năm Châu".
Năm 2019, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Quyết định số 3009/QĐ-UBND, ngày 27/8/2019 công nhận Làng nghề gốm Chu Đậu, xã Thái Tân, huyện Nam Sách là Điểm du lịch của tỉnh. Cùng trong năm, UBND tỉnh cũng ra quyết định công nhận 04 điểm du lịch khác thuộc địa bàn huyện Nam Sách, đó là: Chùa Trăm gian (xã An Bình), Đền Long Động (xã Nam Tân), Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (xã Nam Chính), Đình Đầu, Nhà Bia thành lập Tỉnh ủy, Phủ ủy Nam Sách (xã Hợp Tiến).
Phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá đây một sự kiện có ý nghĩa quan trọng của ngành du lịch Hải Dương. Đồng chí yêu cầu UBND huyện Nam Sách cần tiếp tục chỉ đạo và thực hiện việc quản lý, khai thác, phát triển Điểm du lịch Làng nghề Gốm Chu Đậu theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước; ban hành nội quy, đảm bảo giữ gìn, phát triển tài nguyên du lịch, vệ sinh môi trường và an ninh trật tự, an toàn cho du khách; tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến tham quan; đảm bảo sự tham gia của cộng đồng dân cư vào các hoạt động du lịch. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch và các sở, ngành liên quan có trách nhiệm hướng dẫn, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện công tác quản lý, khai thác, phát triển Điểm du lịch Làng nghề Gốm Chu Đậu; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của tỉnh; xây dựng và triển khai có hiệu quả quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch để từng bước hình thành các tour, tuyến, sản phẩm du lịch có chất lượng.
Đồng chí cũng mong muốn Công ty Cổ phần gốm Chu Đậu cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn trong việc bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống; quan tâm đầu tư, xây dựng và phát triển Làng nghề Gốm Chu Đậu trở thành một điểm du lịch hấp dẫn du khách của tỉnh Hải Dương.