Năm 2022, trong bối cảnh chung còn nhiều khó khăn, thách thức, song với quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và đông đảo nhân dân, kinh tế - xã hội huyện Nam Sách tiếp tục đà phát triển và giành nhiều kết quả nổi bật, toàn diện trên các lĩnh vực.
Tất cả 14 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch
Tổng giá trị sản xuất của huyện đạt gần 12.850 tỷ đồng, vượt 2,7% kế hoạch, tăng 15% so với năm 2021. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục được quan tâm, giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản vượt 1,8% kế hoạch, tăng 3,8%. Huyện tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Trong đó, sử dụng phương tiện bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật cho 441 ha lúa (tăng 348 ha), cấy lúa bằng máy đạt 984,1 ha (tăng 595,1 ha). Phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tiếp tục được quan tâm. Huyện có thêm 3 xã Đồng Lạc, An Bình và Nam Trung hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao; Nam Tân, An Lâm là 2 xã đầu tiên hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Các đồng chí lãnh đạo huyện kiểm tra tiến độ xây dựng các công trình trên địa bàn huyện
Huyện đã hoàn thành điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; chỉ đạo các xã, thị trấn lập quy hoạch chung xây dựng xã đến năm 2030; quy hoạch chi tiết xây dựng trường học các cấp; quy hoạch chi tiết nghĩa trang nhân dân. Đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ, đấu thầu và thi công các công trình do huyện làm chủ đầu tư bảo đảm đúng quy định. Trong đó đã hoàn thành và đưa vào sử dụng tuyến đường trục Đông - Tây từ xã Cộng Hòa đến xã Thái Tân, tạo thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi diện mạo địa phương. Cũng trong năm 2022, huyện tập trung chỉ đạo hoàn thiện giải phóng mặt bằng và bàn giao đất cho chủ đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp công nghệ cao An Phát 1 với diện tích 180 ha để chuẩn bị thu hút đầu tư vào nửa cuối năm 2023.
Năm 2022 cũng là năm đánh dấu sự đột phá trong thu ngân sách của huyện. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt gần 1.103 tỷ đồng, đạt 330% kế hoạch, tăng 18,4%. Đây là năm đầu tiên thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện đạt trên 1.000 tỷ đồng.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm. Chất lượng dạy học tại các trường được nâng lên, cơ sở vật chất trường học được tăng cường. Huyện có 100% số trường học do UBND huyện quản lý đạt chuẩn quốc gia với 20 trường đạt chuẩn mức độ 2 và 33 trường đạt chuẩn mức độ 1. Nam Sách nhiều năm liền là một trong những đơn vị tiêu biểu của tỉnh về tỷ lệ trường học đạt chuẩn cao. Huyện đã và đang tích cực chỉ đạo, chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức "Lễ hội truyền thống Đền Long Động" cấp huyện năm 2023 được tổ chức từ ngày 28.2 - 2.3 dương lịch (tức ngày 9-11.2 âm lịch).
Đồng chí Bí thư Huyện ủy Dương Văn Xuyên trao huy hiệu Đảng cho các đảng viên
Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, hoạt động của MTTQ và các đoàn thể tiếp tục được quan tâm. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên được nâng lên. Huyện hoàn thành vượt chỉ tiêu kết nạp đảng viên tỉnh giao, với 153 đảng viên, đạt 102% kế hoạch. Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng được tăng cường. Cùng với hoàn thành các cuộc kiểm tra, giám sát theo chương trình đề ra từ đầu năm, huyện chỉ đạo tổ chức kiểm tra đột xuất, kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Năm 2022, 100% Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Các tổ chức, đảng viên được kiểm tra đều nhận rõ hạn chế, khuyết điểm, vi phạm và tự giác, nghiêm túc rút kinh nghiệm, sửa chữa, khắc phục.
Chuyển biến rõ nét trong phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt
Năm 2022, Ban Thường vụ Huyện ủy chọn việc nâng cao tỷ lệ phân loại rác thải tại nguồn góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường trên địa bàn là công việc đột phá. Xác định đây là một việc khó, Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Sách đã tổ chức hội nghị chuyên đề, ban hành Nghị quyết số 13-NQ/HU ngày 22.3.2022 về thực hiện phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự thống nhất trong thực hiện của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở và nhân dân trên địa bàn. Trước đó, toàn huyện có 15 bãi rác thải tập trung của các xã, thị trấn và 53 bãi chứa rác thải của các thôn, khu dân cư. Tuy nhiên, các bãi này đã lấp đầy trên 70%, phương pháp xử lý thủ công gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp.
Nhiều mô hình phân loại, thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn có hiệu quả bước đầu
Từ khi quyết liệt thực hiện phân loại chất thải tại nguồn, cả hệ thống chính trị huyện quyết tâm mạnh mẽ và có sự vào cuộc tích cực, đồng thuận của người dân trong huyện. Công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, bao gồm việc phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trở thành một chỉ tiêu đánh giá thi đua cán bộ trong cơ quan, đơn vị và là một tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa. Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo sinh hoạt cấp ủy, chi bộ ở các tổ chức cơ sở đảng hằng tháng cần gắn với đánh giá, kiểm điểm công tác phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Ban Chỉ đạo thực hiện nghị quyết được thành lập do đồng chí Bí thư Huyện ủy đứng đầu.
Sau gần 1 năm thực hiện, việc phân loại chất thải tại nguồn đã dần trở thành thói quen đi vào nếp sống của mỗi người dân, góp phần tạo chuyển biến rõ rệt trong nhận thức, cảnh quan, môi trường văn minh, xanh sạch đẹp ở Nam Sách. Nhiều xã đã thu được những mẻ phân compost đầu tiên từ phân loại rác hữu cơ tại nguồn, được sử dụng cho chính việc canh tác, trồng trọt của bà con trên địa bàn huyện.
Năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 28 nhiệm kỳ 2020 - 2025. Phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở và nhân dân trên địa bàn huyện tiếp tục khắc phục khó khăn, nỗ lực hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra của năm 2023 với quyết tâm cao nhất, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 28 nhiệm kỳ 2020 - 2025, xây dựng huyện Nam Sách ngày càng giàu mạnh, phát triển.