Thứ sáu, ngày 19/4/2024

Hải Dương: Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án 939 "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp"

Thứ Hai 02/01/2023 19:28

Xem với cỡ chữ
Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025" (Đề án 939) trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành các nhiệm vụ và chỉ tiêu theo đề ra, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống của các hội viên và gia đình.

 

hai-duong-1.jpg

Phụ nữ Chí Linh tham gia Ngày phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp

Ngày 30/6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 939/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025". Với vai trò Cơ quan Thường trực triển khai thực hiện Đề án, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã ban hành các kế hoạch hằng năm và các kế hoạch chuyên đề triển khai Đề án; giao chỉ tiêu cụ thể thực hiện các mục tiêu của Đề án trong nội dung giao ước thi đua cho HLH Phụ nữ các huyện, thị xã, thành phố; tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai các hoạt động của Đề án lồng ghép với kiểm tra công tác Hội tại địa phương, cơ sở; chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các chương trình, dự án tại địa phương để huy động nguồn lực hỗ trợ triển khai Đề án.

Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp với nhiều hình thức, đa dạng, phong phú nhằm tạo điều kiện và giúp phụ nữ tự tin vươn lên trong cuộc sống, làm giàu chính đáng. Đã phối hợp với Trường chính trị tỉnh và các trung tâm chính trị các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 135 lớp tập huấn cho 18.540 cán bộ thực hiện Đề án cấp huyện và cơ sở; biên soạn 2.000 cuốn tài liệu về khởi nghiệp phát cho cán bộ, hội viên phụ nữ; phát hành 3.600 bản tin kinh tế công nghiệp và thương mại; 2.800 cuốn "Sổ tay thương mại điện tử"; cung cấp 2.800 lượt tin bài về tình hình thị trường, giá cả trên địa bàn tỉnh cho Đài phát thanh - truyền hình tỉnh, Báo Hải Dương... Nhờ đó, mà có hàng chục ngàn lượt hội viên, phụ nữ được truyền thông các thông tin, kiến thức về khởi nghiệp, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của địa phương hỗ trợ cho phụ nữ khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, các cấp Hội đã kết nối với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho các tổ hợp tác/tổ liên kết do phụ nữ thành lập; tổ chức và tham gia nhiều sự kiện quảng bá, giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp của hội viên phụ nữ. Các địa phương đã phối hợp với Hội LH Phụ nữ cùng cấp tổ chức Ngày Phụ nữ khởi nghiệp của địa phương, bố trí gian hàng giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm của phụ nữ, người dân trên địa bàn; tư vấn, hỗ trợ các tập thể, cá nhân phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi với tổng kinh phí hơn 88 tỷ đồng để hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp và phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, mở rộng quy mô hoạt động của các Hợp tác xã, Tổ hợp tác của hội viên, phụ nữ trưng bày và bán các sản phẩm OCOP, các sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ. Trong 5 năm, Hội đã nhận ủy thác vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội là 2.099.747 triệu đồng cho 43.391 hộ vay phát triển kinh tế gia đình, tỷ lệ hoàn trả đạt 99,4%; Vay vốn quỹ TYM trên 80 tỷ đồng, cho trên 3.100 khách hàng vay tại 7 huyện, thành phố với 56 xã, phường, thị trấn, tỷ lệ hoàn trả đạt 99,95%; Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển trên 3 tỷ đồng cho 325 thành viên vay phát triển kinh tế, tỷ lệ hoàn trả đạt 100%...

Hội LHPN tỉnh Hải Dương phối hợp với Ngân hàng SeAbank - Chi nhánh Hải Dương ký kết thỏa thuận hợp tác hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh

Thông qua hoạt động truyền thông và các sự kiện hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, đã có trên 90% cán bộ Hội chuyên trách các cấp và cán bộ các sở, ngành tham gia triển khai Đề án được nâng cao nhận thức, phương pháp hỗ trợ phụ nữ về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; trên 80% hội viên, phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp; đã có gần 400 dự án, ý tưởng của phụ nữ tham gia khởi nghiệp (trong đó có 43 ý tưởng được trao giải tại ngày phụ nữ khởi nghiệp, 3 ý tưởng vào vòng chung kết cấp quốc gia và đoạt giải); 20 mô hình kinh tế tập thể (6 Hợp tác xã) và 500 số doanh nghiệp nữ được thành lập; hỗ trợ thành lập 14 tổ hợp tác và 66 mô hình liên kết có phụ nữ tham gia làm thành viên Hội đồng quản trị.... góp phần cho các đơn vị thực hiện có hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập cho lao động. Hoạt động của các mô hình kinh tế tập thể đã tạo sự gắn kết phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 939 còn có một số hạn chế, khó khăn như: Một số cấp ủy, chính quyền và một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm triển khai thực hiện Đề án. Một số cơ sở Hội chưa chủ động tham mưu đề xuất, tổ chức các hoạt động của Đề án. Việc bố trí kinh phí thực hiện Đề án tại một số huyện, thành, thị và cơ sở còn khó khăn nên việc tổ chức thực hiện các hoạt động hiệu quả chưa cao, chủ yếu là lồng ghép vào hoạt động, nhiệm vụ chuyên môn. Công tác vận động các nguồn lực xã hội hóa từ các đơn vị, các doanh nghiệp trên địa bàn chưa được nhiều. Nội dung hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp còn chung chung. Phụ nữ tham gia khởi nghiệp tiếp cận các chính sách, vốn còn hạn chế...

Để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch triển khai Đề án đã đề ra trong giai đoạn 2022-2025, như: Hỗ trợ thành lập mới 20 HTX, tổ hợp tác do phụ nữ quản lý; Duy trì hiệu quả hoạt động của 06 HTX, 14 THT và các tổ nhóm liên kết phát triển kinh tế; Tiếp tục hỗ trợ 500 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp;  nâng cao năng lực cho 300 lượt cán bộ Hội các cấp và 500 doanh nghiệp nữ mới thành lập kiến thức kinh doanh, kỹ năng quản lý, điều hành, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và phát triển kinh doanh; Thành lập mô hình tuyên truyền thông qua sinh hoạt CLB phụ nữ khởi nghiệp tại các huyện, thị xã, thành phố... Các cơ quan liên quan và các địa phương cần tích cực phối hợp với các cấp Hội tiếp tục kết nối, kêu gọi, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư hỗ trợ nguồn lực để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp thông qua các mô hình phát triển kinh tế; tạo điều kiện cho những ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ được tiếp cận với nguồn kinh phí từ Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh và các nguồn vốn vay ưu đãi để hiện thực hóa; hỗ trợ quảng bá và xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường ổn định và tổ chức hoạt động sản xuất theo chuỗi giá trị cho những mô hình có đủ điều kiện nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, đánh giá kết quả hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng và biểu dương, tuyên truyền các mô hình, điển hình tập thể, cá nhân có cách làm hay, hiệu quả trong thực tế; khuyến khích nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ thành lập hoạt động hiệu quả tại các địa bàn có điều kiện tương đồng...

Nguyễn Hoan

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: