Là người con của quê hương Đồng Tháp xa xôi, nơi có nhiều khác biệt về địa lý, kinh tế, lịch sử, văn hoá với Hải Dương nhưng đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại dành nhiều tình cảm cho mảnh đất xứ Đông.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan tham quan các gian hàng sản phẩm chế biến từ cà rốt tại huyện Cẩm Giàng ngày 15.2.2022
Ngợi khen "Câu chuyện Hải Dương"
Cuối tháng 12.2020, đồng chí Lê Minh Hoan khi ấy còn là Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) dành cả ngày chủ nhật để đi thăm, tìm hiểu về nông nghiệp Hải Dương. Đến với vùng vụ đông nghìn tỷ lấy cây hành tỏi làm cây chủ lực tại thị xã Kinh Môn và dải đất bãi sông Thái Bình chuyên canh cà rốt của người dân Cẩm Giàng, đồng chí đã không ngần ngại tuyên bố: “Đây chính là hình ảnh của kinh tế nông nghiệp, vượt lên trên sản xuất nông nghiệp”. Khen ngợi nhưng đồng chí Lê Minh Hoan không quên dặn dò đó mới là bước khởi đầu, tỉnh cần mạnh dạn hơn, táo bạo hơn để chuyển từ chuỗi cung ứng sang chuỗi liên kết và hướng tới chuỗi giá trị trong nông nghiệp. Hải Dương có lợi thế để hình thành những mô hình nông nghiệp từ đồng ruộng tới bàn ăn nên cần đầu tư cho chế biến sâu để nâng cao vị thế, khả năng cạnh tranh cho nông sản chủ lực.
Khi dự hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều và nông sản tiêu biểu của tỉnh vào trung tuần tháng 5.2021, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan ngẫu hứng ngâm hai câu thơ: “Vải em là vải vườn nhà/ Em là con gái Thanh Hà xứ Đông”. Bộ trưởng thổ lộ cách làm đổi mới, sáng tạo trong sản xuất, tiêu thụ nông sản của tỉnh đã tạo cảm hứng cho bản thân ông. Tài hoa, trí tuệ, tâm huyết của nông dân Hải Dương đã thổi hồn vào nông sản để tạo ra những giá trị hữu hình và vô hình.
Dự hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp vào đầu tháng 1.2022, đồng chí Lê Minh Hoan bất ngờ, ấn tượng về sự chuyên nghiệp, chỉn chu của người Hải Dương dành cho sản phẩm OCOP. Nông sản Hải Dương đa dạng, bao bì thiết kế tinh tế, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tự tin chiếm lĩnh phân khúc thị trường khó tính và sẵn sàng vượt trùng khơi ra nước ngoài.
Chỉ đôi ba lần về thăm xứ Đông song đây chính là nguồn cảm hứng thôi thúc tư lệnh ngành nông nghiệp nghiên cứu sâu hơn, rõ hơn về mảnh đất và con người Hải Dương, từ đó viết nên bài báo “Câu chuyện Hải Dương” đầy tâm huyết. Hiếm có vị Bộ trưởng nào lại dành sự quan tâm đặc biệt cho một địa phương nào như thế.
“Muốn vươn cao, vươn xa, câu chuyện tạo dựng thương hiệu phải hằn sâu vào nếp nghĩ, vào mối lưu tâm thường nhật của người Hải Dương”, đây là thông điệp mà Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắn gửi tới nông dân Hải Dương. Nhắn nhủ nông dân nhưng Bộ trưởng cũng không quên dành tặng lãnh đạo Hải Dương ba chữ “rồi sao nữa”. Đạt được mục tiêu rồi sao nữa khi những thứ hữu hình như đất đai, năng suất… là hữu hạn?
Tham dự lễ hội thu hoạch cà rốt tổ chức tại huyện Cẩm Giàng vào tháng 2 và lễ hội lúa rươi Tứ Kỳ giữa tháng 6.2022, Bộ trưởng NN-PTNT khẳng định người Hải Dương đang làm nông nghiệp đa tầng, đa giá trị theo triết lý nông nghiệp vị nhân sinh. Được ra đồng cùng bà con, được cảm nhận hơi thở của đồng quê và chứng kiến những nụ cười mãn nguyện của nông dân khi thu hoạch thành quả lao động, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ sự ngưỡng mộ trước tài hoa và khát vọng của nông dân Hải Dương vì biết nâng niu, trân quý nghề nông, biến những đồng đất nhỏ lẻ thành những giá trị lớn lao nhờ thoát khỏi tư duy manh mún. Bởi lẽ này mà Bộ trưởng NN-PTNT lại tiếp tục chắp bút viết tặng Hải Dương bài báo thấm đẫm chân tình: "Người Hải Dương làm nông nghiệp đa tầng, đa giá trị". Không chỉ thể hiện sự quan tâm trực tiếp với nông nghiệp xứ Đông trong những lần về thăm mà cách làm nông nghiệp của người Hải Dương cũng được Bộ trưởng lấy làm dẫn chứng khi nói về nền nông nghiệp hiện đại tại không ít hội nghị, cuộc họp quan trọng.
Nông dân hạnh phúc, nông thôn thông minh
Những chia sẻ của Bộ trưởng Lê Minh Hoan về nông nghiệp Hải Dương, về cách làm nông nghiệp của người Hải Dương đều hướng tới nông dân hạnh phúc, nông thôn thông minh. Lần về thăm xã Bạch Đằng (Kinh Môn), xã nông thôn kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh, Bộ trưởng phấn khởi vì hạ tầng nông thôn khang trang, bề thế. Cấp uỷ, chính quyền và người dân xây dựng nông thôn mới căn cơ, bài bản. Song Bộ trưởng cũng trăn trở làm thế nào để tạo hồn, giữ cốt cho làng quê và đừng đô thị hóa nông thôn. Làm sống lại nền nông nghiệp sẽ đổi mới nông dân, rồi thức tỉnh nông thôn.
Để tạo động lực thúc đẩy nông nghiệp, tạo cú hích phát triển nông thôn, phải làm cho nông dân say sưa, hăng hái sản xuất trên chính mảnh ruộng của mình, tâm thế phấn chấn, lạc quan lan tỏa khắp các xứ đồng. Những giá trị vô hình của nông nghiệp cũng bắt đầu từ đây. Nông dân Hải Dương đã vượt qua sự rụt rè, nhút nhát để tự tin giới thiệu nông sản mình làm ra với thái độ đầy tự hào, trách nhiệm. Nông dân không chỉ bán sản phẩm mà bán chính hình ảnh của mình. Du lịch nông nghiệp sẽ mở ra bước phát triển mới, không những là lợi ích kinh tế mà còn là trách nhiệm, niềm tự hào với quê hương. Nông nghiệp không chỉ là năng suất, chất lượng, nông dân cũng không còn là chủ thể sản xuất mà trở thành người truyền cảm hứng. Khi ấy nông dân sẽ hạnh phúc!
Chỉ có điểm đầu, không có điểm kết thúc là quan điểm xây dựng nông thôn mới xuyên suốt. Thế nhưng Bộ trưởng NN-PTNT gửi gắm tới lãnh đạo, người dân Hải Dương không cần hoa mỹ, không cần hô hào khẩu hiệu. Nông thôn mới là những gì gần gũi, thiết thực nhất, nơi người dân cảm thấy an tâm, an toàn, tin tưởng gắn bó. Nông thôn không cần hiện đại nhưng phải thông minh. Lúc đó, kết nối cộng đồng vượt ra khỏi không gian làng, xã. Nông thôn sẽ không còn lặng lẽ mà vui vẻ, hạnh phúc. Hàng xóm đối xử với nhau đầy thân ái, nghĩa tình. Phải dùng giá trị tinh thần để vun đắp sức vật chất và ngược lại. Có như vậy, làng quê mới thật sự đáng sống.