Thứ năm, ngày 25/4/2024

Một số kết quả nổi bật trong ứng dụng chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hải Dương

Chủ Nhật 14/08/2022 09:27

Xem với cỡ chữ
Một số kết quả nổi bật trong ứng dụng chuyển đổi số tỉnh Hải Dương trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội

Đồng chí Phạm Xuân Thăng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh phát biểu tại lễ ký kết hợp tác với Tập đoàn FPT

 Với quan điểm nâng cao chất lượng phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, trong thời gian qua Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hải Dương đã có nhiều chỉ đạo điều hành để đẩy mạnh phát triển các dịch vụ chuyển đổi số; đặc biệt là đẩy mạnh phát triển hạ tầng và dịch vụ về Bưu chính-Viễn thông-CNTT để cung cấp thông tin về đầu tư và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư và tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư tương tác với cơ quan nhà nước thông qua môi trường điện tử. Cụ thể: Hệ thống Cổng Dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử đã được liên kết, tạo lập thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh, đã được đưa vào sử dụng thống nhất trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đang cung cấp 1.773 dịch vụ công mức độ 3 và 4 (đạt 90%). Tích hợp được 565 dịch vụ công mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Hiện nay, trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến đã triển khai tích hợp giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trong việc thực hiện các thủ tục, dịch vụ hành chính công trên địa bàn tỉnh và hoàn thành việc kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Cổng thông tin điện tử của tỉnh và các trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã đã thực hiện cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang theo đúng quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước. Các thông tin trên trang được cập nhật và đăng tải thường xuyên, kịp thời phục vụ nhu cầu tiếp cận thông tin của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và công dân.

Một số ngành, lĩnh vực đã tập trung, ưu tiên nguồn lực để triển khai cung cấp dịch vụ chuyển đổi số, mang tới những trải nghiệm mới, hoàn toàn khác, mang lại giá trị cho người dân, doanh nghiệp và xã hội. Cụ thể: Trong lĩnh vực Y tế: Phát triển nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa để hỗ trợ người dân được khám, chữa bệnh từ xa, giúp giảm tải các cơ sở y tế, hạn chế tiếp xúc đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo; ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở khám bệnh, sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí, hình thành bệnh viện thông minh, mỗi người dân có một hồ sơ số về sức khỏe điện tử... Trong lĩnh vực Giáo dục: phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình... Trong lĩnh vực Nông nghiệp: phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp... Với việc ứng dụng công nghệ số sẽ giúp các hộ nông dân tiêu thụ nông sản theo cách mới, hiệu quả và bền vững hơn. Sàn thương mại điện tử sẽ là công cụ hữu hiệu để kết nối các nhà sản xuất với người tiêu dùng. Với nền tảng này, người dân có thêm một cách bán hàng mới, có tính ổn định cao hơn, đồng thời nâng cao uy tín, thương hiệu cho sản phẩm của mình. Theo tổng hợp báo cáo thống kê từ Cổng thông tin điện tử 1034, tính đến nay, tỉnh Hải Dương có 99.856 hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử (đứng thứ 16 toàn quốc), số giao dịch trên sàn thương mại điện tử đạt 26.239 giao dịch (đứng thứ 5 toàn quốc).

Một trong những mục tiêu hướng đến của chuyển đổi số đó là nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc: ứng dụng Smart Hải Dương được đưa vào sử dụng trong thời gian qua chính là cầu nối hữu hiệu giữa Chính quyền và Công dân. Ứng dụng Smart Hải Dương tích hợp, cung cấp đầy đủ các dịch vụ cho người dân tỉnh Hải Dương trên một ứng dụng duy nhất. Hiện nay, có khoảng 150.000 người cài đặt sử dụng ứng dụng Smart Hải Dương là kết quả bước đầu rất khả quan để tăng cường sự tham gia của người dân trong hoạt động quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi để người dân đối thoại với chính quyền, tham gia xây dựng và triển khai các chính sách, giải pháp, dịch vụ,... thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội trong xây dựng và phát triển đô thị thông minh, góp phần thúc đẩy hiệu quả phát triển kinh tế, xã hội bền vững.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động mạnh mẽ, ảnh hưởng lớn đến toàn bộ hoạt động tỉnh Hải Dương theo chiều hướng xấu, quá trình chuyển đổi số đã diễn ra mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn. Trong thời gian phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tỉnh Hải Dương đã bảo đảm hạ tầng thông tin liên lạc, sẵn sàng triển khai hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến để phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành qua mạng của lãnh đạo tỉnh, các ngành và địa phương; Triển khai hạ tầng viễn thông-công nghệ thông tin cho các chốt kiểm dịch, bệnh viện dã chiến, các khu cách ly tập trung; Triển khai thống nhất các nền tảng công nghệ trong phòng, chống covid-19, đưa vào hoạt động Tổng đài 1022 nhằm giải đáp ý kiến của người dân về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và đặc biệt là triển khai phần mềm quản lý và điều trị F0 tại nhà… Có thể thấy trước những thách thức của hoàn cảnh, chúng ta đã tư duy, biến khó khăn thành cơ hội để bứt phá trong quá trình chuyển đổi số của tỉnh.

Tỉnh Hải Dương cũng thể hiện quyết tâm lớn trong lộ trình chuyển đổi số bằng việc bước đầu ra mắt đi vào hoạt động thí điểm đối với Trung tâm giám sát, điều hành thông minh IOC của tỉnh - là nơi tập trung thực hiện việc giám sát, tích hợp, thu thập và xử lý các hệ thống thông tin đã được thiết lập trong từng ngành, từng lĩnh vực để tổng hợp, phân tích, xử lý các dữ liệu, hỗ trợ lãnh đạo tỉnh trong công tác ra quyết định, giám sát, chỉ đạo và điều hành các hoạt động phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh một cách tổng thể; kịp thời điều phối, xử lý các sự kiện xảy ra.

Bá Thảo

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: