Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hải Dương là tỉnh đầu tiên trong cả nước có Đề án Phổ biến kiến thức, được Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đánh giá rất cao. Đặc biệt, nhiều Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh, thành phố sử dụng Đề án này làm tài liệu tham khảo.
Đề án phổ biến kiến thức có mục tiêu tập hợp, phát huy tiềm năng của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ để triển khai hoạt động tuyên truyền, phổ biển kiến thức, là nhiệm vụ khoa học và công nghệ của tổ chức Liên hiệp Hội, nhằm nâng cao kiến thức và năng lực thực hành cho hội viên và cộng đồng về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kỹ thuật và công nghệ, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội của tỉnh.
Số kinh phí thực hiện Đề án Phổ biến kiến thức giai đoạn (2016 - 2020) được cấp là 1 tỷ đồng. Sau 05 năm triển khai thực hiện Đề án, các nội dung luôn hoàn thành các mục tiêu đề ra, được các cấp, các ngành ủng hộ, triển khai. Trong 5 năm đã tổ chức được tổng số 13 buổi tập huấn kỹ thuật cho 2000 lượt người tham dự, nói chuyện chuyên đề 17 buổi cho 2.250 lượt người tham dự, 5 buổi tập huấn nghiệp vụ cho 500 lượt người tham dự, 5 buổi hội thảo cho 520 lượt người tham dự; xây dựng và phát sóng trên truyền hình được 70 chuyên mục, 5 cuộc tọa đàm với tổng thời lượng phát sóng khoảng 1.600 phút.
Ảnh: Phối hợp với Hội Điều dưỡng tổ chức tập huấn về pháp luật ngành y
Đề án Phổ biến kiến thức tập trung phổ biến vào các lĩnh vực: nông nghiệp và phát triển nông thôn; chăm sóc sức khỏe nhân dân; bảo vệ môi trường; phổ biến pháp luật; giới thiệu các công trình, giải pháp sáng tạo kỹ thuật đoạt giải tại các giải thưởng, hội thi, cuộc thi sáng tạo kỹ thuật; các tập thể, cá nhân có thành tích trong nghiên cứu khoa học, trong hoạt động Hội. Trong đó lĩnh vực được chú trọng và triển khai nhiều nhất là lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn (8 buổi), lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân (7 buổi); lĩnh vực môi trường, phổ biến pháp luật (7 buổi). Các buổi triển khai được các hội viên và nhân dân trong tỉnh đánh giá cao, hiệu quả thiết thực, phù hợp với người nghe. Thông qua các buổi tập huấn kỹ thuật, nói chuyện chuyên đề đã giúp các hội viên, người dân của nhiều xã, huyện, thị xã trong tỉnh có thêm kỹ năng, kiến thức khoa học kỹ thuật về các lĩnh vực mình quan tâm như về trồng, chăm sóc và bảo vệ một số loại cây lương thực, cây thực phẩm, các kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, kỹ thuật chăn nuôi thú y... Sau quá trình triển khai các nội dung đã giúp cho nhiều xã phòng tránh được dịch bệnh, công tác vệ sinh môi trường chuồng trại, ao nuôi và môi trường xung quanh được tốt hơn.
Để triển khai có hiệu quả các nội dung trên, Liên hiệp Hội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các hội thành viên, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh xây dựng kế hoạch chi tiết về nội dung phổ biến kiến thức theo từng chuyên ngành cụ thể về khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường, kiến thức về pháp luật… Đồng thời, mời các chuyên gia, thống nhất về nội dung, yêu cầu, đối tượng nghe để giúp cho buổi phổ biến đạt hiệu quả cao. Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền, đưa tin để đông đảo nhân dân được nghe. Các nội dung của Đề án đã mang lại lợi ích to lớn cho đông đảo quần chúng nhân dân trong tỉnh.
Ảnh: Tổ chức Hội thảo khôi phục và phát triển đàn lợn sau dịch tả lợn châu Phi
Thông qua việc triển khai Đề án, Liên hiệp Hội có điều kiện thực hiện tốt hơn chức năng điều hòa phối hợp với các hội thành viên, các hội viên tập thể, đơn vị trực thuộc. Bằng kết quả thực tế của Đề án Phổ biến kiến thức, Liên hiệp Hội đã giúp cán bộ, hội viên của mình hiểu sâu thêm về các kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn, đặc biệt là các kỹ năng hoạt động Hội góp phần hoàn thành tốt công việc được giao, đưa hoạt động Hội ngày càng phát triển. Phối hợp với các hội thành viên, một số huyện trong tỉnh triển khai hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân giúp người dân trong tỉnh có cơ hội nắm bắt, hiểu sâu hơn và áp dụng những tiến bộ kỹ thuật, kiến thức về luật pháp, môi trường, y tế... vào đời sống, sản xuất đưa năng suất cây trồng vật nuôi trên cùng đơn vị diện tích mang lại lợi ích kinh tế cao hơn, sức khỏe của người dân được nâng lên, môi trường lành mạnh hơn.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án còn một số tồn tại, hạn chế là: Số lượng buổi tập huấn chuyên môn chưa nhiều, số lần mời các nhà khoa học ở Trung ương tham gia còn ít, kinh phí dành cho triển khai đề án còn hạn chế. Các hoạt động phổ biến kiến thức chưa lên mức cao hơn so với dự kiến, mỗi năm trung bình phổ biến được 7 cuộc, rất thấp so với số lượng hội viên và nhân dân trong tỉnh mong muốn được cập nhật kiến thức mới, áp dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống. Một số hội thành viên trong hệ thống Liên hiệp Hội chưa chủ động phối hợp với Liên hiệp Hội triển khai nội dung phổ biến theo kế hoạch...