Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng trực tiếp quán triệt nghị quyết. Ngoài nội dung quán triệt nghị quyết, hội nghị dành 1 ngày cho việc thảo luận, góp ý các giải pháp để thực hiện nghị quyết.
Bí thư cấp ủy các cấp trực tiếp quán triệt nghị quyết và dành thời gian thỏa đáng cho việc thảo luận, góp ý vào các đề án, dự án, kế hoạch, chương trình hành động thực hiện nghị quyết là điểm mới trong nhiệm kỳ này.
Từ nhiều nhiệm kỳ nay, hình thức quán triệt nghị quyết phổ biến nhất mà các cấp ủy đảng thường làm là mời báo cáo viên, chuyên gia am hiểu nghị quyết phổ biến, quán triệt cho cán bộ, đảng viên. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, hình thức học tập, quán triệt nghị quyết trực tuyến được áp dụng nhiều, giúp giảm bớt công sức, chi phí đi lại. Giống như hình thức mời báo cáo viên quán triệt trực tiếp, cách làm trên cũng có hạn chế do nhiều báo cáo viên, chuyên gia chưa am hiểu tình hình thực tế của từng địa phương, cơ quan, đơn vị nên chỉ truyền đạt nội dung nghị quyết một cách chung chung, không gắn với thực tế của từng nơi. Nhiều buổi học tập nghị quyết dù chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng người học tập thường ít quan tâm, hay nói chuyện riêng, làm việc riêng, ngủ gật... Không ít nơi tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết chỉ mang tính hình thức.
Bí thư cấp ủy trực tiếp quán triệt nghị quyết và tại hội nghị học tập, quán triệt, triển khai dành thời gian hợp lý cho thảo luận, góp ý sẽ khắc phục được nhiều hạn chế nêu trên. Muốn quán triệt tốt nghị quyết, đồng chí Bí thư cấp ủy các cấp phải nghiên cứu kỹ lưỡng nghị quyết, nhất là những điểm mới, cốt lõi, những nội dung cần cụ thể hóa vào thực tế công tác của địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Do đó, mỗi đồng chí Bí thư cấp ủy chính là người nắm chắc nghị quyết, giúp ích cho việc quán triệt cũng như kiểm tra, giám sát, chỉ đạo việc thực hiện nghị quyết. Nhiều nghiên cứu về học tập chỉ ra rằng cách học tốt nhất chính là dạy người khác, bởi có nắm vững được kiến thức thì mới truyền giảng được cho người khác. Việc trực tiếp truyền đạt, quán triệt nghị quyết cũng là thêm một lần đồng chí Bí thư cấp ủy nghiên cứu lại nghị quyết sâu kỹ hơn. Ngoài ra, nội dung quán triệt của các đồng chí Bí thư cấp ủy sẽ có nhiều nội dung gắn với thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị nên cũng giúp người nghe quan tâm hơn.
Trước đây ở nhiều nơi thường có tình trạng đồng chí Bí thư cấp ủy tuyên bố lý do, giới thiệu báo cáo viên, rồi sau đó đi giải quyết công việc khác. Vậy nên chỉ sau một lúc, nhiều cán bộ, đảng viên cũng viện lý do này khác để không học tập nghiêm túc. Hội nghị quán triệt chỉ đông đủ lúc điểm danh, rồi cứ thưa dần. Nếu đồng chí Bí thư cấp ủy trực tiếp quán triệt, chắc chắn số người dự nghe sẽ đông đủ hơn, việc tổ chức lớp học nghị quyết nghiêm túc hơn.
Theo một nghiên cứu về hiệu quả giảng dạy của các phương pháp học tập, nếu người giảng dạy chỉ độc thoại thì khối lượng kiến thức thu nhận được của người học không nhiều, nhưng nếu giảng dạy kết hợp với thảo luận thì khối lượng kiến thức thu nhận được của người học sẽ cao hơn. Bởi khi thảo luận buộc người học phải học hỏi, tư duy, được trao đổi, làm sâu sắc thêm các thông tin, ý tưởng, nên thường nhớ lâu, nhớ sâu hơn khi ngồi nghe người giảng độc thoại. Do đó, sau khi quán triệt nghị quyết, người học được thảo luận, trao đổi không chỉ giúp chính mình nhớ lâu, mà còn đóng ý nhiều ý kiến hay cho việc triển khai nghị quyết sau này.
Nếu các đồng chí Bí thư cấp ủy làm tốt việc quán triệt, các cán bộ, đảng viên nghiêm túc học tập, thảo luận sôi nổi, trách nhiệm thì nghị quyết sẽ thực sự thấm sâu vào tư duy, từ đó biến thành hành động thiết thực, hiệu quả.