Thứ sáu, ngày 22/11/2024

Cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến

Thứ Ba 24/12/2019 16:35

Xem với cỡ chữ
Sự cạnh tranh trên thị trường bán lẻ trực tuyến đang diễn ra khốc liệt. Điều này có nghĩa chỉ đơn vị nào có chiến lược kinh doanh hợp lý sẽ gặt hái được thành công...
Việt Nam có tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 60% dân số cả nước. Trong 3 năm vừa qua, Việt Nam cũng là quốc gia có tốc phát triển thương mại điện tử nhanh nhất ở châu Á, vượt qua Nhật Bản, Trung Quốc và Thái Lan. Mặc dù có sự phát triển nhanh nhưng doanh nghiệp thực sự lớn mạnh về lĩnh vực kinh doanh trực tuyến này chỉ đếm trên đầu ngón tay và chưa thể so sánh với các doanh nghiệp nước ngoài có sàn thương mại điện tử nổi tiếng thế giới như Alibaba, Amazon, Ebay.

Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia, sự phát triển thương mại điện tử (TMĐT) lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như con người, tiềm năng kinh tế, văn hóa tiêu dùng, tập quán xã hội và nhận thức của khách hàng. Trong thời đại 4.0 hiện nay, nhiều doanh nghiệp không thể ngồi yên khi nền kinh tế số phát triển với tốc độ chóng mặt. Nền tảng thương mại điện tử đang chuyển biến tích cực hàng ngày, sẵn sàng chờ đợi sự bùng nổ khi cơ hội đến.  

Theo Tổng Cục thống kê, thu nhập bình quân tháng của lao động có việc làm trong quý I năm 2019 đạt 5,7 triệu đồng/tháng, tăng 670 nghìn đồng so với quý IV/2018 và tăng 1,03 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước. Rõ ràng lực lượng lao động chiểm tỷ lệ cao đang là lợi thế cạnh tranh không nhỏ cho các doanh nghiệp tham gia thị phần thương mại điện tử. Bởi người lao động có tiền, có sự hiểu biết ngày càng tăng và tự chủ hoàn toàn về kinh tế khi tham gia mua bán hàng hóa trực tuyến. Đây chính là cơ sở để các doanh nghiệp tận dụng và khai thác tốt nguồn khách hàng tiềm năng này.

Đánh giá về thị trường thương mại điện tử Việt Nam từ các chuyên gia, kinh tế số Việt Nam đang tăng trưởng hơn 40% một năm. Tại sự kiện ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam (lần thứ 6) Online Friday ngày 06/12 năm nay do Bộ Công Thương triển khai đã thu hút hơn 1,6 triệu lượt quét mã QR, 35.000 lượt tải app, hơn 1,6 triệu lượt quét QR tham gia các chương trình trúng thưởng, số lượng mua mã voucher thành công là 3.992 voucher. Đơn hàng toàn thị trường đạt trên 3 triệu, tăng 67% so với năm 2018.

Sự phát triển tương đối thuận lợi của TMĐT đang trao cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước thì cũng tạo ra thị trường béo bở cho các doanh nghiệp nước ngoài cạnh tranh thị phần để cùng hưởng miếng bánh ngon. Minh chứng là trong thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã mua lại cổ phần hoặc bắt tay với doanh nghiệp Việt để cùng tham gia vào chuỗi giá trị trong hoạt động thương mại điện tử. Điển hình như Công ty Lalamove Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với EMS Việt Nam và triển khai dịch vụ giao hàng nội thành siêu tốc trong 2 giờ tại Hà Nội và TP.HCM. Trang TMĐT Alibaba.com hợp tác với một sàn TMĐT Việt Nam là Fado mở ra cơ hội xuất khẩu trực tuyến đầy tiềm năng cho các DN vừa và nhỏ Việt Nam. Từ cuối năm 2018, Fado đã ký kết với Alibaba.com trở thành đối tác ủy quyền của Alibaba.com tại Việt Nam để hỗ trợ, đào tạo các doanh  nghiệp Việt Nam chào hàng đến khắp thế giới thông qua sàn Alibaba.com. Nhờ đó, các doanh  nghiệp bán thành công nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam trong lĩnh vực da giày, thủ công mỹ nghệ, kỹ thuật.

Amazon  là công ty rất nhanh nhạy về vấn đề này khi tổ chức nhiều sự kiện hội thảo, thu hút hàng nghìn doanh nghiệp và nhà bán lẻ Viêt Nam tham gia bán hàng toàn cầu với Amazon. Những người tham dự là chủ doanh nghiệp, chủ shop online, nhà sản xuất, những người quan tâm đến việc  bán hàng online  với mong muốn đưa sản phẩm ra thế giới.

Một trong những tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc là JD.com đã trở thành một trong những cổ đông lớn nhất của website thương mại điện tử Tiki. Và mới đây nhất, Chi nhánh tài chính của tập đoàn Alibaba là Ant Financial vừa lặng lẽ mua lại cổ phần đáng kể của ví điện tử eMonkey của Việt Nam...

Hiện nay, các sàn giao dịch và Website TMĐT ở Việt Nam đang cạnh tranh quyết liệt  bằng nhiều dịch vụ mới , mỗi doanh nghiệp đều tạo cho mình một lợi thế riêng để thu hút khách hàng bằng những chương trình như giờ vàng giảm giá sốc, tặng voucher, giảm giá khi mua hàng online, tích điểm, miễn phí vận chuyển, mở rộng điều kiện đổi trả sản phẩm... đã tạo niềm tin nhất định trong lòng khách hàng. Hầu hết các sàn TMĐT tại Việt Nam đều cho khách hàng kiểm tra hàng và thanh toán nếu ưng ý nhưng hiện nay Lazada không áp dụng hình thức này khiến nhiều người không thoải mái khi mua hàng. Đã có hiện tượng khách hàng chuyển sang giao dịch tại các sàn TMĐT khác để hưởng chế độ chăm sóc tốt hơn, thuận lợi hơn khi có nhu cầu đổi trả hoặc được miễn phí vận chuyển tùy theo giá trị đơn hàng. Đơn cử như Sendo đã làm rất tốt điều này và đang vượt lên nhiều sàn giao dịch TMĐT nổi tiếng khác tại Việt Nam.

Sự cạnh tranh trên thị trường bán lẻ trực tuyến đang diễn ra khốc liệt (Ảnh minh họa; nguồn Internet)

 

Sự cạnh tranh trên thị trường bán lẻ trực tuyến đang diễn ra khốc liệt. Điều này có nghĩa chỉ đơn vị nào có chiến lược kinh doanh hợp lý sẽ gặt hái được thành công. Ngược lại, đơn vị nào không thu hút được nhiều nhà cung cấp sản phẩm hàng hóa và khách hàng sẽ khó tồn tại, kể cả trong lĩnh vực bán lẻ có sự hiện diện của các chuỗi cửa hàng tiện ích cũng vậy. Bên cạnh một số sàn thương mại điện tử trong nước đang phát triển ổn định và được nhiều người biết đến như Sendo, Lazada, Tiki, Shopee với mức truy cập từ 15-35 triệu lượt mỗi tháng thì Adayroi.com có tổng lượng truy cập chỉ từ 4-6 triệu lượt đã chính thức chia tay thị trường vào cuối tháng 12/2019 sau hơn 4 năm hoạt động.

Để sàn TMĐT và các trang bán hàng trực tuyến thu hút được khách thì việc cung cấp hàng hóa đúng chất lượng, mẫu mã, có bảo hành, uy tín trong giao nhận, dễ dàng đổi trả, giá cả hàng hóa hợp lý là hết sức quan trọng. Bởi khách hàng online thường chỉ nhìn vào giá của sản phẩm được quảng bá để lựa chọn giao dịch. Có những sản phẩm kém chất lượng hoặc sản phẩm cùng loại với các sàn TMĐT khác nhưng được giao bán với “giá trên trời” sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ tới chính sàn TMĐT  mà chúng đang hiện diện trên đó.

Bên cạnh những gian hàng uy tín trên các trang mạng và tại các sàn thương mại điện, vẫn còn khá nhiều trường hợp chủ shop cung cấp sản phẩm giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; vi phạm sở hữu trí tuệ tới khách hàng. Hình ảnh quảng bá và giới thiệu thì sản phẩm rất tốt nhưng thực tế lại trái ngược, gây thiệt hại cho “các thượng đế”. Cụ thể nhiều sản phẩm điện tử quảng cáo là hàng Nhật nhưng khi mua về lại có xuất xứ Trung Quốc. Nhiều sản phẩm điện thoại giả nhãn hiệu và kiểu dáng, không có nguồn gốc xuất xứ, chất lượng kém gây mất niềm tin ở khách hàng. Các sản phẩm may mặc và giày dép cũng không tránh khỏi tình trạng trên. Người mua đặt hàng bộ chăn ga, gối đệm chất liệu cotton nhưng khi nhận được hàng thì chất liệu vải hóa học kém chất lượng, co dãn có mùi khét rất khó chịu gây ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng. Khách hàng mua quần áo và hàng tiêu dùng khác sau khi nhận không đúng như miêu tả. Đặc biệt, nếu hàng hóa là thuốc chữa bệnh, hóa mỹ phẩm trôi nổi sẽ cực kỳ nguy hại cho người sử dụng. 

Để không xảy ra khiếu kiện và tốn thời gian của khách hàng cũng như nhà cung cấp sản phẩm, các sàn TMĐT cần ký kết hợp đồng với cung cấp hàng hóa một cách rõ ràng, trong đó có yêu cầu nhà sản xuất, các chủ hàng cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, đảm bảo hàng hóa đạt chất lượng đúng như lời quảng cáo. Nghiêm cấm tình trạng chủ hàng online sao chép nội dung quảng bá hàng hóa các sản phẩm tương đồng để quảng cáo sản phẩm của mình gây hiểu nhầm cho khách hàng. 

Hiện nay, khách mua hàng trực tuyến ở nhiều độ tuổi khác nhau nhưng chiếm số đông là từ 25 đến dưới 45 tuổi. Đây chính là những người chủ động trong thu nhập và chi tiêu nhưng cũng dễ thay đổi quan điểm mua sắm. Thu hút được khách hàng đã khó nhưng giữ được khách hàng lại càng khó hơn. Muốn làm tốt điều này các sàn thương mại điện tử và các trang bán hàng trực tuyến cần yêu cầu nhà sản xuất, các chủ hàng phải cung cấp hàng hóa uy tín, có chất lượng. Hàng hóa nên được kiểm duyệt kỹ càng trước khi giao tới tay khách hàng. Có như vậy mới xây dựng được một môi trường kinh doanh thương mại điện tử bền vững trong thời đại cạnh tranh khốc liệt của thời đại kỷ nguyên số ngày nay./

Theo sct.haiduong.gov.vn

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: