Thứ sáu, ngày 22/11/2024

Gia Lộc quy hoạch, xây dựng Khu dịch vụ, thương mại các sản phẩm truyền thống

Thứ Hai 28/10/2019 11:08

Xem với cỡ chữ
Gia Lộc quy hoạch, xây dựng Khu dịch vụ, thương mại các sản phẩm truyền thống nhằm quảng bá sản phẩm, trưng bày, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho các sản phẩm truyền thống; hỗ trợ phát triển nghề, các làng nghề truyền thống trong huyện

Gia Lộc (Hải Dương) hiện có 11 làng nghề được UBND tỉnh công nhận là làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Đây là địa phương có nhiều sản phẩm truyền thống, các sản phẩm đa dạng, chất lượng tốt được người tiêu dùng trong và ngoài huyện biết đến như: Sản phẩm của các làng nghề da giày xã Hoàng Diệu; Sản phẩm mộc của làng nghề Đức Đại, thị trấn Gia Lộc; Sản phẩm mộc của làng  nghề mộc, thêu ren thôn Gạch, xã Gia Hòa; Sản phẩm bún của các làng nghề bún xã Tân Tiến; Sản phẩm gò tôn, thêu ren thôn Ngà, xã Phương Hưng... Ngoài ra, còn một số sản phẩm tiêu biểu đang phát triển tốt như: giò chả ở thị trấn Gia Lộc, hương thơm Thu Hiền...

Tuy nhiên, việc gìn giữ và phát triển các làng nghề truyền thống trên địa bàn gặp không ít khó khăn, nhiều làng nghề bị mai một, có xu hướng giảm dần số lượng hộ sản xuất cũng như số lao động tham gia, việc truyền nghề còn nhiều bất cập, chưa mang lại hiệu quả như các làng nghề: mây tre đan thôn Chằm, gò tôn thôn Ngà của xã Phương Hưng; rèn thuê ren thôn Đồng Tái, xã Thống Kênh; thêu ren của xã Gia Hòa. Bên cạnh đó, công tác quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường chưa có chiến lược tổng thể, chủ yếu do các hộ dân, các làng nghề thực hiện tự phát, riêng lẻ. Một số sản phẩm có chất lượng chưa cao, khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường găp khó khăn.

Ban Chấp hành Đảng bộ huyện tổ chức họp cho ý kiến về Đề án

Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Gia Lộc xác định rõ nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do: Quy mô sản xuất nhỏ, chủ yếu theo mô hình hộ cá thể, phương thức sản xuất thủ công chưa tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, sản phẩm chưa đa dạng chưa đáp ứng theo thị hiếu của thị trường. Công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm và phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của huyện chưa được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm thực hiện, chủ yếu do các hộ dân làm nhỏ lẻ, tự phát nên hiệu quả  không cao.

Ban Chấp hành Đảng bộ huyện xác định: Để làm tốt công tác quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại các sản phẩm truyền thống, sản phẩm tiêu biểu của huyện, các sản phẩm của các xã theo Chương trình OCOP cần có sự chung tay vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân và đặc biệt cần thiết phải xây dựng được Khu dịch vụ, thương mại các sản phẩm truyền thống của huyện Gia Lộc. Với vị trí quy hoạch, xây dựng tập trung tại phía Nam của thị trấn Gia Lộc (nằm ở khu vực đầu mối giao thông: đường ra, vào đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nút giao đường 62m kéo dài và quốc lộ 38B) và xác định là khu dịch vụ, thương mại đa chức năng (trong đó có khu vực để xây dựng công trình có chức năng để trưng bày, giới thiệu, mua, bán các sản phẩm truyền thống của huyện Gia Lộc và các sản phẩm của các xã theo Chương trình OCOP), Đề án quy hoạch, xây dựng Khu dịch vụ, thương mại các sản phẩm truyền thống của huyện Gia Lộc chắc chắn sẽ mang tới nhiều lợi ích, trong đó sẽ tạo nên sự thuận lợi trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho các sản phẩm truyền thống, các sản phẩm thế mạnh của huyện trong thời gian tới.

Phạm Thị Hoài-VPTU

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: