Chủ nhật, ngày 5/5/2024

Các cấp, các ngành cần xác định xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc

Thứ Năm 03/10/2019 10:12

Xem với cỡ chữ
Ngày 02/10/2019, UBND tỉnh Hải Dương tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Đến dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan; đồng chí Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; thường trực các huyện ủy, thành ủy; lãnh các phòng và tập thể, cá nhân tiêu biểu; các doanh nghiệp, các địa phương tiêu biểu trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Các đại biểu dự Hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới

Kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) và bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới của Chính phủ. Qua rà soát trên địa bàn tỉnh cho thấy, bên cạnh những thuận lợi, hầu hết các xã trong tỉnh đều có điểm xuất phát thấp, số tiêu chí bình quân chỉ đạt 6,7 tiêu chí/xã; hạ tầng kinh tế, xã hội thiếu đồng bộ, không đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống của người dân.

Song, với tinh thần chủ động, sáng tạo cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Mỗi cấp ủy đều xác định nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong đó xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt trong cả nhiệm kỳ và yêu cầu cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Cùng với việc thành lập ban chỉ đạo ở cấp tỉnh; yêu cầu các huyện và cấp xã phải thành lập ban chỉ đạo, do đồng chí bí thư cấp ủy là trưởng ban, thành viên là các đồng chí lãnh đạo HĐND, UBND và trưởng các phòng, ban, ngành và đoàn thể tham gia.

Quá trình triển khai thực hiện, bước đầu còn lúng túng và khó khăn về nguồn vốn đầu tư, cũng như về cơ chế thực hiện. Để động viên, khuyến khích phong trào ở địa phương. Tỉnh đã quyết định công bố công khai đối với các xã đăng ký về đích sớm, và đã thực hiện hỗ trợ cho 201 xã, số tiền 1.434 tỷ đồng, trong đó: Năm 2014 hỗ trợ 13 xã, mức hỗ trợ 15 tỷ đồng/xã; năm 2015 hỗ trợ 33 xã, mức hỗ trợ 8 tỷ đồng/xã; năm 2016, 2017 hỗ trợ 100 xã, mức hỗ trợ 7 tỷ đồng/xã; năm 2018, 2019 hỗ trợ 55 xã, mức hỗ trợ 5 tỷ đồng/xã. Đồng thời hỗ trợ cho 6 huyện, số tiền 120 tỷ đồng để xây dựng công trình của huyện; cùng với hỗ trợ 838.829 tấn xi măng, số tiền 965,0 tỷ đồng cho các địa phương nâng cấp đường giao thông nông thôn.

Đ/c Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh (đứng giữa) tặng Cờ cho các đơn vị tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới

Cùng với các chính sách hỗ trợ, động viên kịp thời; các địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động với các phong trào "Làm theo gương Bác thi đua đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới”, "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới"; cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới"… các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể đã tích cực vào cuộc. Trong đó, phát huy tinh thần dân chủ trong nhân dân tham gia đóng góp ý kiến vào đồ án quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới; góp công lao động, kinh phí, hiến đất, tự tháo dỡ các công trình; tham gia xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, chăm lo sự nghiệp giáo dục, sức khoẻ nhân dân, thực hiện dân số kế hoạch hoá gia đình; xây dựng môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp ở nông thôn; phát huy dân chủ, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; đoàn kết giúp đỡ nhau trong cộng đồng và người dân trực tiếp tham gia giám sát công trình…

Theo tổng hợp của Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh, tổng số tiền huy động khoảng trên 44.422,5 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách nhà nước hỗ trợ chiếm 18,7%, vốn lồng ghép chiếm 4,5%, nguồn vốn tín dụng chiếm 54,6%, vốn đầu tư của doanh nghiệp chiếm 10,0%, còn lại là của nhân dân đóng góp chiếm 11,4% và sự tài trợ, ủng hộ của các doanh nghiệp.

Kết quả thực hiện các mục tiêu của Chương trình, bình quân đạt 18,65 tiêu chí/xã, trong đó có 191/220 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 86,8%; có 100% số thôn, khu dân cư có nhà văn hóa; 93,3% số làng, khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa; 88,6% số gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa . Tập trung phát triển sản xuất kinh doanh, gắn sản xuất theo chuỗi liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, cùng với sắp xếp lại cơ cấu tổ chức trong sản xuất, phân phối và tiêu thụ nông sản. Dự kiến hết năm 2019 có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 201/220 xã, đạt 91,4%; có khoảng 5-10 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hết năm 2019, có 8 huyện, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Đ/c Nguyễn Anh Cương, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, PCT Thường trực UBND tỉnh (đứng giữa) tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều thành tích đóng góp cho phong trào xây dựng nông thôn mới

Tại Hội nghị tổng kết, UBND tỉnh đã động viên, khen thưởng và tặng Cờ thi đua cho 16 tập thể, tặng bằng khen cho 63 tập thể, 91 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2010-2020. 

Đ/c Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phát biểu tại Hội nghị      

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến ghi nhận và đánh giá cao những kết quả của tỉnh Hải Dương đạt được trong 10 năm xây dựng nông thôn mới. Đề nghị tới đây Hải Dương tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được để tiếp tục tạo bước chuyển biến tích cực hơn nữa, với diện mạo nông thôn ngày một khang trang, giàu đẹp. Đồng thời xác định nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc.

Đ/c Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu kết luận Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Dương Thái yêu cầu các địa phương sớm có giải pháp huy động nguồn lực hiệu quả, chủ động nghiên cứu, tham mưu cơ chế hỗ trợ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, tránh chồng chéo, lãng phí nguồn lực. Đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cần phải tiếp tục đẩy mạnh để nâng cao chất lượng các tiêu chí; Phấn đấu năm 2020 có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, và tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đồng chí yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương cần tiếp tục phát động và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua trong xây dựng nông thôn mới; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức để cán bộ, đảng viên và người dân hiểu đầy đủ bản chất nhân văn của xây dựng nông thôn mới; quán triệt quan điểm “Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc”.

 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: