Chủ nhật, ngày 24/11/2024

Một số kết quả qua nửa nhiệm kỳ Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII

Thứ Năm 08/08/2024 18:32

Xem với cỡ chữ
Trong nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội, các cấp Hội phụ nữ của tỉnh Hải Dương đã ghi thêm nhiều dấu ấn trong phong trào, hoạt động của hội; đến nay đã hoàn thành 8/8 chỉ tiêu đăng ký thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII và 09/11 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh, có nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt chỉ tiêu cả nhiệm kỳ.

Hoạt động dân vũ thu hút nhiều chị em phụ nữ tham gia

Bám sát sự chỉ đạo của TTW Hội LHPN Việt Nam, của cấp uỷ, chính quyền địa phương, các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã cụ thể hoá các nội dung nghị quyết, triển khai thực hiện phong trào thi đua, các cuộc vận động và các nhiệm vụ trọng tâm; không ngừng đổi mới, sáng tạo để đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác Hội trong tình hình mới. Nhiều chương trình, hoạt động Hội đã được cán bộ, hội viên, phụ nữ tích cực hưởng ứng, lan tỏa trong cộng đồng, được cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp đánh giá cao như: Phong trào tập luyện dân vũ đã trở thành nếp sinh hoạt đẹp trong cán bộ, hội viên; các chương trình, hoạt động tôn vinh Áo dài tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng; Chương trình "Mẹ đỡ đầu" hỗ trợ trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn được triển khai từ tháng 4 năm 2022 đến nay đã vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm nhận đỡ đầu được 1.304 trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, với tổng số tiền cam kết hỗ trợ trên 25,4 tỷ đồng, trong thời gian từ 3 - 5 năm.

Cùng với đó, Hội LHPN các cấp đã hỗ trợ cho nhiều hội viên phụ nữ được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo và từng bước làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Các cấp Hội đã giúp 1.568 hộ gia đình phụ nữ thoát nghèo, thoát cận nghèo (vượt 25,44% so với chỉ tiêu đề ra hằng năm); nâng cao năng lực cho 2.690 phụ nữ là chủ doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã, chủ hộ kinh doanh; hỗ trợ 648 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; đào tạo, dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho 17.133 lao động nữ (vượt chỉ tiêu nghị quyết).

Thực hiện khâu đột phá “Đổi mới phương thức hoạt động Hội, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin”, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ Hội ứng dụng công nghệ thông tin hướng đến chuyển đổi số trong hoạt động Hội. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thích ứng linh hoạt trong tổ chức hoạt động Hội. Đến nay đã có 7 huyện xây dựng mô hình sinh hoạt hội viên trên không gian mạng; 100% cơ sở Hội tổ chức ít nhất 01 hoạt động tuyên truyền liên quan đến chuyển đổi số, nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng dụng CNTT cho hội viên, phụ nữ.

Chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, tập trung các hoạt động hướng về cơ sở, tiếp tục duy trì các mô hình thu hút hội viên thông qua các hoạt động phù hợp với từng nhóm đối tượng, với nhu cầu, sở thích của hội viên phụ nữ. Một số mô hình thu hút đông hội viên tham gia như: CLB văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tổ phụ nữ cao tuổi, tổ phụ nữ trên không gian mạng. Từ năm 2022 đến nay đã phát triển thêm 138 mô hình, CLB với hơn 4.000 hội viên tham gia. Nửa nhiệm kỳ qua đã phát triển được 7.071 hội viên (đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đến giữa nhiệm kỳ), nâng tổng số hội viên toàn tỉnh là 407.344 /514.344 (đạt tỷ lệ 79,2%) so với phụ nữ từ 18 tuổi trở lên có mặt tại địa phương. Đã công nhận 1.386 hội viên danh dự là nam giới tại các cơ sở của 12/12 huyện, thị xã, thành phố, riêng 2 huyện (Gia Lộc, Cẩm Giàng) đã kết nạp hội viên danh dự là các đồng chí lãnh đạo cấp huyện.

Cán bộ Hội được đào tạo cơ bản, ngày càng trẻ hóa, đáp ứng yêu cầu công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới. Các cấp Hội đã tổ chức 56 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho 100% cán bộ Hội các cấp, chi hội trưởng, tổ trưởng về nghiệp vụ công tác Hội. Riêng Hội LHPN tỉnh phối hợp với Học viện phụ nữ Việt Nam tổ chức 02 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội tại tỉnh cho 167 Chủ tịch Hội phụ nữ cơ sở chưa có chứng chỉ nghiệp vụ công tác Hội trong thời gian 01 tháng. Đến nay, 46 cán bộ Hội chuyên trách cấp tỉnh, huyện; 231/235 chủ tịch; 42/236 phó chủ tịch Hội cơ sở có chứng chỉ nghiệp vụ công tác Hội; 100% cán bộ Hội chuyên trách các cấp sử dụng thành thạo các phần mềm cơ bản trong công tác Hội; 100% chi hội trưởng đã được tập huấn nghiệp vụ công tác Hội.

  Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thanh Hà tổ chức lớp tập huấn cho vay thông qua tổ chức Hội

Công tác thi đua - khen thưởng ngày càng được quan tâm, chú trọng, nhiều hội viên, phụ nữ được các cấp, các ngành, Hội cấp trên khen thưởng đã khuyến khích và tạo động lực lớn cho phong trào thi đua phát triển sâu rộng tại cộng đồng, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của Hội, đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Nửa nhiệm kỳ qua, đã có 4.521 tập thể, cá nhân tiêu biểu trên các lĩnh vực được phát hiện, tuyên truyền và biểu dương, trong đó có 970 tập thể, 3.551 cá nhân được các cấp Hội khen thưởng và đề nghị các cấp, các ngành khen thưởng trong thực hiện các nhiệm vụ và phong trào thi đua.

Đến nay, đã hoàn thành 8/8 chỉ tiêu đăng ký thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII và 09/11 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh, có nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt chỉ tiêu cả nhiệm kỳ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác Hội và phong trào phụ nữ của tỉnh vẫn còn có một số tồn tại, hạn chế như: Việc nắm bắt, phản ánh tình hình tư tưởng hội viên phụ nữ ở một số địa phương chưa thường xuyên, kịp thời; sự tham gia của tổ chức hội trong việc bảo vệ quyền lợi phụ nữ, trẻ em ở một số vụ việc chưa rõ nét. Việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục có lúc, có nơi chưa thường xuyên. Tỷ lệ thu hút nữ thanh niên tham gia sinh hoạt Hội chưa cao. Một số nơi mô hình hoạt động Hội nhiều nhưng hiệu quả và tính bền vững chưa cao, còn có sự chồng chéo. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội ở một số cơ sở, một số cán bộ Hội cơ sở còn hạn chế. Công tác tham mưu cho các cấp uỷ Đảng, đề xuất với chính quyền, phối hợp với các cấp, các ngành ở một cơ sở còn thiếu chủ động. Việc tham mưu phát triển Đảng viên trong cán bộ chi hội, hội viên nông thôn khó khăn. Hoạt động đối thoại và phản biện xã hội có lúc còn gặp khó khăn; chỉ tiêu giám sát đối với cấp cơ sở khó thực hiện được. Cán bộ Hội còn thiếu tự giác rèn luyện, tu dưỡng dẫn đến có trường hợp vi phạm bị kỷ luật...

Từ thực tiễn hoạt động công tác hội và phong trào phụ nữ trong nửa nhiệm kỳ qua có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm:

Một là, Phải bám sát sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo của Hội cấp trên, gắn việc thực hiện nhiệm vụ Hội với nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá xã hội của tỉnh; cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội phụ nữ các cấp vào các nội dung hoạt động công tác Hội và phong trào phụ nữ đảm bảo tính phù hợp với điều kiện địa phương, đơn vị. Chọn nội dung trong tâm, trọng điểm, tập trung chỉ đạo rõ người, rõ việc, rõ địa chỉ đem lại hiệu quả thiết thực.

Hai là, Công tác chỉ đạo bài bản, quyết liệt, đổi mới, sáng tạo, linh hoạt bám sát thực tiễn. Định hướng hoạt động sớm, rõ nét thông qua Kế hoạch hoạt động toàn khóa, kế hoạch trọng tâm, nội dung giao ước thi đua hàng năm và các hội nghị giao ban.

Ba là, Xây dựng đội ngũ cán bộ Hội có tinh thần trách nhiệm cao, đoàn kết, trách nhiệm, tâm huyết; gương mẫu, có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới; Quan tâm nâng cao chất lượng đi cơ sở của cán bộ Hội chuyên trách, thường xuyên bám sát cơ sở, tăng cường công tác chỉ đạo định hướng, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra phát hiện, tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai, tổ chức thực hiện tại cơ sở.

Bốn là, Công tác phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thực hiện trên cơ sở hợp tác, bình đẳng, xây dựng nội dung, trách nhiệm cụ thể. Xã hội hoá, huy động các nguồn lực tạo nên sức mạnh tổng hợp để triển khai có hiệu quả các hoạt động của Hội.

Năm là, Tập trung chỉ đạo điểm, sơ tổng kết, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân xuất sắc.

VPTU

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: