Thứ ba, ngày 29/10/2024

MỘT SỐ BIỆN PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SINH HOẠT LÃNH ĐẠO CỦA CÁC CHI BỘ THÔN, KHU DÂN CƯ THUỘC ĐẢNG BỘ XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG HIỆN NAY

Thứ Năm 08/08/2024 10:09

Xem với cỡ chữ
Chi bộ là tế bào cơ bản của Đảng, cùng với các tổ chức cơ sở đảng tạo thành nền tảng của Đảng; mọi hoạt động của tổ chức đảng ở cơ sở diễn ra thường xuyên và chủ yếu ở chi bộ. Xây dựng chi bộ các thôn, khu dân cư trong sạch vững mạnh (TSVM) là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Chi bộ là nền móng của Đảng. Chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt". Các chi bộ thôn, khu dân cư thuộc đảng bộ xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hải Dương là hạt nhân chính trị lãnh đạo mọi hoạt động của thôn, khu dân cư, là lực lượng nòng cốt xây dựng địa bàn an toàn, vững mạnh; là trung tâm đoàn kết, nhân tố quyết định mọi thắng lợi của địa phương.

 

Nâng cao chất lượng sinh hoạt lãnh đạo của các chi bộ thôn, khu dân cư thuộc đảng bộ xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hải Dương là một biện pháp rất quan trọng để xây dựng chi bộ TSVM, trực tiếp góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ. Bởi vì, tiến hành tốt sinh hoạt lãnh đạo của chi bộ là cơ sở để ra được nghị quyết lãnh đạo đúng đắn, phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ tập thể tạo nên sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động trong toàn chi bộ; qua đó giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nắm vững nội dung, chủ trương, biện pháp lãnh đạo của chi bộ, tiếp nhận thông tin, kinh nghiệm, hiểu biết mới, nâng cao nhận thức trách nhiệm nhằm phát huy tốt vai trò hạt nhân nòng cốt của mình trong thôn, khu dân cư. Việc giữ vững nề nếp chế độ sinh hoạt, không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng sinh hoạt lãnh đạo của chi bộ là bài học kinh nghiệm đã được Đảng ta tổng kết trong công tác xây dựng Đảng. Để xây dựng các chi bộ thôn, khu dân cư thuộc đảng bộ xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hải Dương TSVM, việc thường xuyên đổi mới, cải tiến nâng cao chất lượng sinh hoạt lãnh đạo của chi bộ là khâu đột phá, đặc biệt quan trọng.

Hội nghị tổng kết giao ban Bí thư chi bộ thôn, khu dân cư huyện Thanh Hà năm 2023

Những năm vừa qua, hoạt động nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng nói chung, sinh hoạt lãnh đạo nói riêng đã được các đảng uỷ xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hải Dương thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, nhất là từ khi Tỉnh ủy Hải Dương ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 07/7/2017 về nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng ở cơ sở, các chi bộ thôn, khu dân cư đã thực hiện tương đối tốt sinh hoạt chi bộ thường kỳ theo quy định của Điều lệ Đảng, chất lượng sinh hoạt chi bộ được nâng lên rõ rệt; nội dung sinh hoạt phong phú, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Kết luận Hội nghị Trung ương 4 (khoá XIII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và việc lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của các địa phương.

 Các chi uỷ, chi bộ thôn, khu dân cư đã quán triệt và thực hiện khá tốt quy trình sinh hoạt lãnh đạo của chi bộ, từ khâu thống nhất nhận thức, đánh giá kết quả lãnh đạo và thực hiện các mặt công tác, đến hình thành ý định, chuẩn bị của bí thư chi bộ; họp chi uỷ thảo luận thống nhất nội dung trình hội nghị chi bộ; tổ chức tiến hành hội nghị chi bộ; phân công, triển khai tổ chức thực hiện nghị quyết chi bộ... Nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt chi bộ nói chung, sinh hoạt lãnh đạo nói riêng luôn được đề cao và chấp hành nghiêm túc. Chế độ tập thể lãnh đạo đi đôi với phân công cá nhân phụ trách được duy trì tốt. Vai trò lãnh đạo của các chi bộ được đề cao, chi bộ đoàn kết thống nhất, nề nếp, chế độ sinh hoạt chi bộ được duy trì chặt chẽ. Trong sinh hoạt chi bộ đã thể hiện rõ tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu cao. Vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên được đề cao, tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình được phát huy tương đối tốt nên đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, so với yêu cầu nhiệm vụ lãnh đạo ngày càng cao và yêu cầu nhiệm vụ xây dựng chỉnh đốn Đảng, chất lượng sinh hoạt lãnh đạo của các chi bộ thôn, khu dân cư hiện nay còn bộc lộ một số hạn chế nhất định. Năng lực lãnh đạo toàn diện, năng lực tổ chức thực hiện nghị quyết, nhiệm vụ ở một số cấp uỷ, chi bộ còn hạn chế... Trình độ, năng lực của cấp uỷ, của đội ngũ bí thư về công tác xây dựng Đảng của một số chi bộ chưa thực sự đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Nội dung, biện pháp lãnh đạo chung chung, tháng sau cơ bản giống như tháng trước; chưa tập trung giải quyết dứt điểm khâu yếu, mặt yếu. Ở một số chi bộ, chi uỷ, bí thư còn hạn chế về năng lực nắm, tổng hợp, phân tích đánh giá tình hình, đề xuất ý định, nội dung cho chi uỷ, chi bộ thảo luận. Phương pháp điều hành hội nghị của một số đồng chí chủ trì cuộc họp (thường là bí thư chi bộ) còn hạn chế, chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm, ý thức dân chủ, tinh thần tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên trong hội nghị. Việc phát huy trí tuệ của tập thể trong xác định chủ trương, biện pháp lãnh đạo có mặt còn hạn chế. Trách nhiệm, tính chiến đấu của một số đồng chí đảng viên trong sinh hoạt lãnh đạo của chi bộ chưa cao. Một số đảng viên còn ngại phát biểu; một số ý kiến có tính chất chung chung, xuôi chiều, chất lượng chưa tốt. Tính chủ động, nhạy bén của một số chi uỷ viên trong lãnh đạo, chỉ đạo còn hạn chế, có lúc chưa theo kịp tình hình. Trong tổ chức tiến hành hội nghị, sinh hoạt lãnh đạo của chi bộ chưa chú trọng chọn thư ký có kinh nghiệm, có lúc còn bỏ qua một số thủ tục sinh hoạt, làm giảm tính nghiêm trang của sinh hoạt chi bộ. Chưa có phương pháp phù hợp để kích thích, khuyến khích, yêu cầu đảng viên góp ý kiến tranh luận, thảo luận.

Những hạn chế nêu trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do việc giáo dục, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về Đảng, đặc biệt là những kiến thức về sinh hoạt đảng cho đội ngũ đảng viên trong chi bộ làm chưa thường xuyên; tư tưởng "trung bình chủ nghĩa", e dè, nể nang dẫn tới do dự, sợ "đấu tranh"..., đó là một trong những nguyên nhân vừa là trực tiếp, vừa là gián tiếp làm cho chất lượng sinh hoạt lãnh đạo của các chi bộ còn thấp.

Sinh hoạt chi bộ ở thôn Bích Cẩm, xã Quang Phục, huyện Tứ Kỳ

Nâng cao chất lượng sinh hoạt lãnh đạo của chi bộ là một nội dung, biện pháp quan trọng, cơ bản và thường xuyên nhằm làm cho sinh hoạt lãnh đạo của chi bộ thực sự có tác dụng lãnh đạo, giáo dục và tính chiến đấu cao; là nhu cầu tự giác, thiết thực đối với mọi cán bộ, đảng viên; khắc phục tình trạng sinh hoạt hình thức, chiếu lệ hoặc gò bó thiếu tính chiến đấu, hiệu quả lãnh đạo không cao. Muốn vậy, phải thực hiện đồng bộ một số biện pháp cơ bản sau:

Một là, tăng cường giáo dục, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho mọi cán bộ, đảng viên về sinh hoạt lãnh đạo của chi bộ.

Theo đó, tập trung nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, nội dung sinh hoạt lãnh đạo của chi bộ, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên phân định rõ ràng sinh hoạt lãnh đạo khác với các hình thức sinh hoạt khác của chi bộ, cũng như khác với sinh hoạt của các tổ chức quần chúng. Mỗi đảng viên trong chi bộ phải đề cao ý thức trách nhiệm, phát huy vai trò của người chiến sĩ tiên phong, tinh thần tự phê bình và phê bình thẳng thắn, trung thực trong đánh giá và xây dựng nghị quyết lãnh đạo. Thực hiện tốt các khâu, các bước trong quy trình sinh hoạt, bảo đảm tốt các tính chất, huy động nhiều nhất trí tuệ của đội ngũ cán bộ, đảng viên thảo luận xây dựng nghị quyết lãnh đạo đúng đắn và phù hợp.

Thông qua sinh hoạt lãnh đạo, sinh hoạt tự phê bình và phê bình, qua sinh hoạt kiểm điểm công tác, qua phân tích chất lượng đảng viên..., cấp uỷ, bí thư cần chỉ rõ những ưu điểm, khuyết điểm của từng đảng viên, trên cơ sở đó phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm, định hướng đúng đắn cho kế hoạch học tập, rèn luyện, tu dưỡng phấn đấu của từng đảng viên. Điều cần chú ý là do hoàn cảnh, điều kiện của mỗi đảng viên khác nhau, do đó trình độ nhận thức và khả năng đóng góp vào các chủ trương và biện pháp lãnh đạo của chi bộ cũng khác nhau. Vì vậy, cần kiên trì, có nhiều biện pháp giáo dục, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trình độ, phương pháp công tác thích hợp với từng người.

Hai là, thường xuyên củng cố, kiện toàn chi uỷ, chú trọng bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, năng lực, phương pháp, tác phong công tác cho đội ngũ cấp uỷ viên, nhất là bí thư chi bộ.

Để nâng cao chất lượng sinh hoạt lãnh đạo của chi bộ thôn, khu dân cư, trước hết phải thường xuyên kiện toàn chi uỷ có đủ số lượng theo quy định của Điều lệ Đảng và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ lãnh đạo của chi bộ, khi thiếu phải kịp thời bầu bổ sung hoặc đề nghị cấp trên chỉ định bổ sung để bảo đảm cho công tác lãnh đạo được thường xuyên liên tục. Tránh tình trạng để thiếu, khuyết cấp uỷ kéo dài làm hạn chế sức lãnh đạo của chi bộ. Cùng với việc kiện toàn về số lượng, phải đặc biệt coi trọng chất lượng của chi uỷ, làm cho chất lượng của chi uỷ không ngừng được nâng cao. Trong kiện toàn chi uỷ, phải coi trọng đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, đặt tiêu chuẩn chất lượng lên hàng đầu, đồng thời giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa chất lượng với số lượng và cơ cấu của cấp uỷ. Khi giới thiệu đề cử, ứng cử và bỏ phiếu bầu cử cấp uỷ phải nêu cao tính đảng, giới thiệu và lựa chọn những đồng chí có đủ tiêu chuẩn phẩm chất và năng lực, thực sự mẫu mực về mọi mặt để bầu vào cấp uỷ.

Kinh nghiệm lãnh đạo ở cơ sở chỉ ra rằng: Phẩm chất, năng lực của chi uỷ và từng chi uỷ viên biểu hiện ra ở phương pháp, tác phong công tác và nghệ thuật hoạt động của họ. Phương pháp, tác phong công tác là toàn bộ cách thức, biện pháp, lề lối làm việc, qui cách làm việc của chi uỷ nhằm định hướng, điều chỉnh nhận thức và hoạt động của đội ngũ đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ. Bí thư chi bộ phải là người có năng lực toàn diện, có phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, lối sống lành mạnh, có khả năng đảm đương nhiều công việc do chi bộ và chi uỷ giao cho. Uy tín và năng lực của bí thư chi bộ là cơ sở quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng lãnh đạo của chi uỷ, chi bộ. Bí thư chi bộ là hạt nhân đoàn kết, qui tụ sức mạnh của đội ngũ đảng viên và quần chúng trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị. Bí thư chi bộ còn là người khởi xướng, đi đầu trong đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Mọi chủ trương, biện pháp lãnh đạo của chi bộ, hình thành trước hết từ ý định của bí thư chi bộ. Phải chủ động lập kế hoạch tự học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ trí tuệ, phẩm chất, năng lực lãnh đạo cho cấp ủy, bí thư chi bộ. Có như vậy, phẩm chất, năng lực, phương pháp tác phong công tác của bí thư chi bộ mới theo kịp đòi hỏi của thực tiễn xây dựng Đảng ở cơ sở.

Theo từng nhiệm kỳ, tổ chức đảng các cấp cần có nhiều hình thức, biện pháp tích cực bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho từng chi uỷ và bí thư, những kinh nghiệm và cách làm cụ thể về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chi bộ, về sinh hoạt lãnh đạo của chi bộ nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của chi uỷ, chi bộ; trọng tâm là những vấn đề về nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, chức trách, nhiệm vụ của bí thư, cấp uỷ... Thường xuyên hoặc định kỳ có thể áp dụng và thực hiện hình thức thi cấp uỷ và bí thư chi bộ giỏi. Định kỳ tổ chức cho đảng viên và quần chúng đóng góp xây dựng cấp uỷ đảng theo hướng mở rộng dân chủ ở cơ sở.

Chăm lo xây dựng, củng cố sự đoàn kết thống nhất trong chi uỷ, góp phần tăng cường sức mạnh, chất lượng lãnh đạo của chi uỷ và chi bộ. Duy trì chế độ sinh hoạt đều đặn, theo hướng ngày càng nâng cao chất lượng, cải tiến các bước, các khâu từ chuẩn bị đến tiến hành hội nghị và triển khai tổ chức thực hiện nghị quyết, bảo đảm đúng nguyên tắc, thủ tục, đúng các tính chất trong sinh hoạt Đảng, chống chung chung, thiếu trách nhiệm, qua loa ở các khâu, các bước.

Ngoài việc tổ chức các lớp tập trung, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, hội nghị trao đổi kinh nghiệm, coi trọng tự bồi dưỡng, hoàn thiện mình của mỗi chi uỷ viên và bí thư chi bộ. Kiên quyết đấu tranh khắc phục hiện tượng lười học tập, tu dưỡng rèn luyện, thoả mãn dừng lại... Kết hợp kiện toàn củng cố, bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt, rèn luyện phương pháp, tác phong công tác cho cấp uỷ với việc xem xét, bãi miễn những chi uỷ viên không đáp ứng được yêu cầu công tác.

Ba là, duy trì nghiêm nề nếp, chế độ, nguyên tắc sinh hoạt Đảng, không ngừng đổi mới, cải tiến nội dung, phương pháp sinh hoạt lãnh đạo của chi bộ.

Duy trì nghiêm nề nếp, chế độ sinh hoạt là vấn đề có tính nguyên tắc trong sinh hoạt Đảng. Cùng với đó, chủ động đổi mới nội dung, cải tiến cách thức, phương pháp sinh hoạt lãnh đạo của chi bộ. Chuẩn bị sinh hoạt là trách nhiệm của mọi đảng viên trong chi bộ, mà trước hết là trách nhiệm của cấp uỷ, bí thư, phó bí thư. Các vấn đề cần tập trung lãnh đạo phải là những vấn đề trọng tâm, trọng điểm nổi lên trong từng thời gian cần được giải quyết có liên quan đến tư tưởng, tổ chức và nhiệm vụ chính trị của chi bộ, địa phương. Các chỉ tiêu đề ra phải rõ ràng, cụ thể; biện pháp lãnh đạo phải phù hợp và có tính khả thi.

Thực tiễn cho thấy, đã xuất hiện những nhận thức sai trái cho rằng, trong điều kiện kinh tế thị trường, sinh hoạt Đảng đã ảnh hưởng tới thời gian lao động sản xuất nên cần giảm hoặc giảm tiện bớt nội dung thời gian sinh hoạt. Đổi mới nội dung, phương pháp sinh hoạt lãnh đạo của chi bộ phải được tiến hành đồng bộ ở tất cả các khâu, các bước tiến hành sinh hoạt. Nội dung sinh hoạt lãnh đạo của chi bộ thường kỳ, hàng tháng cần tập trung bàn bạc kỹ, thảo luận sâu một đến hai vấn đề trọng yếu, có ý nghĩa thiết thực làm chuyển biến chất lượng công việc. Căn cứ vào tình hình cụ thể, kết quả lãnh đạo của chi bộ tháng trước và chỉ thị, nghị quyết, nhiệm vụ của trên giao để xác định những nội dung chính cần đưa ra hội nghị chi bộ bàn bạc giải quyết, vừa khắc phục dứt điểm những yếu kém còn tồn tại ở tháng trước, vừa chọn đúng, trúng nhiệm vụ chủ yếu, trọng tâm có ý nghĩa quyết định đến lãnh đạo.

Trong tiến hành hội nghị sinh hoạt lãnh đạo của chi bộ, cần tập trung cải tiến phương pháp duy trì, điều khiển của chủ toạ buổi sinh hoạt. Trong hội nghị bảo đảm đúng thứ tự, thủ tục, nguyên tắc; phát huy dân chủ mạnh mẽ, khuyến khích mọi người tích cực, mạnh dạn tham gia phát biểu ý kiến tranh luận, thảo luận, tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở, bình đẳng. Đổi mới phương pháp tổ chức thực hiện nghị quyết phải đảm bảo khách quan, khoa học, chặt chẽ và kịp thời. Khắc phục tình trạng coi việc đề ra nghị quyết là xong việc lãnh đạo hoặc tổ chức thực hiện thì "được chăng hay chớ", không phân công rõ ràng, dẫn tới khi thực hiện thì chồng chéo, không rõ phạm vi trách nhiệm. Khi kiểm điểm thì rơi vào tình trạng "tranh công đổ lỗi", không quy được trách nhiệm... Đồng thời cần tăng cường kiểm tra đôn đốc, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm việc thực hiện nghị quyết; bảo đảm cho việc thực hiện nghị quyết đúng đắn, chất lượng cao. Căn cứ vào tình hình thực tiễn của chi bộ, đơn vị để xác định nội dung, phương pháp sinh hoạt cho sát đúng và phù hợp làm cho chất lượng sinh hoạt lãnh đạo của chi bộ ngày càng được nâng lên hơn.

Bốn là, tạo sự thống nhất trong quán triệt, phân công tổ chức thực hiện  nghị quyết lãnh đạo của chi bộ đã đề ra.

Việc quán triệt, phân công tổ chức thực hiện nghị quyết của chi bộ đã đề ra là khâu có ý nghĩa quyết định trong hành động thực tiễn ở cơ sở, là vấn đề quyết định trực tiếp đến chất lượng, kết quả lãnh đạo của chi bộ. Yêu cầu phải tuân theo đúng nghị quyết; trên cơ sở các mục tiêu đề ra trong nghị quyết, nhạy bén, chủ động với nhiều hình thức biện pháp tổ chức thực hiện; kịp thời phát hiện những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình tổ chức thực hiện, cả những nhân tố mới tích cực cũng như các biểu hiện lệch lạc sai trái để bổ sung, điều chỉnh, uốn nắn kịp thời. Quán triệt và phổ biến nghị quyết lãnh đạo của chi bộ phải được tiến hành kịp thời ngay sau khi chi bộ ra được nghị quyết lãnh đạo. Việc phổ biến, quán triệt tuân thủ theo đúng nội dung của các hội nghị và phạm vi tác động của các cuộc sinh hoạt. Khi phổ biến, quán triệt cần làm rõ nội dung, yêu cầu, biện pháp, trọng tâm, trọng điểm, nhất là những vấn đề mới, nói phải ngắn gọn, rõ ràng để đảng viên, quần chúng dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện.

Bí thư, các chi uỷ viên phải trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn các tổ đảng sinh hoạt quán triệt nghị quyết và bàn cách thức biện pháp thực hiện nghị quyết chi bộ đối với nhiệm vụ cụ thể của tổ đảng mình. Trong tổ chức thực hiện nghị quyết của chi bộ đã đề ra, đòi hỏi phải có tính khoa học trong việc tổ chức phân công các cấp uỷ viên và đảng viên phụ trách từng mặt công tác. Đây là vấn đề thuộc về nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, nguyên tắc lãnh đạo tập thể đi đôi với việc phân công cá nhân phụ trách, phát huy vai trò trách nhiệm của cá nhân...

 Căn cứ vào nghị quyết chi bộ, chức năng, nhiệm vụ, sở trường và khả năng của từng chi uỷ viên và đảng viên để phân công phụ trách các mặt công tác cho phù hợp. Chỉ bằng cách đó mới phát huy được vai trò, trách nhiệm, sở trường của từng cá nhân phụ trách. Chi uỷ, bí thư phải thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nghị quyết của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên. Nắm chắc tình hình mọi mặt, kịp thời phát hiện uốn nắn những lệch lạc, thiếu sót. Bổ sung những biện pháp tích cực hoàn thiện nghị quyết cho phù hợp với thực tiễn đặt ra. Bằng nhiều hình thức thông tin, tuyên truyền, cổ động; kết hợp biểu dương, khen thưởng, xây dựng điển hình với nhắc nhở phê bình để giữ vững quyết tâm trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Năm là, phát huy trách nhiệm của cấp uỷ đảng cấp trên và các cơ quan chức năng đối với việc nâng cao chất lượng sinh hoạt lãnh đạo của các chi bộ thôn, khu dân cư.

Thực hiện có nề nếp chế độ kiểm tra đối với cơ sở, làm tốt công tác sơ kết, tổng kết; sát với cơ sở, hướng xuống chi bộ, bồi dưỡng, truyền thụ kinh nghiệm cho cơ sở. Đổi mới phong cách công tác, có chế độ làm việc khoa học, luôn bám sát hoạt động thực tiễn của địa phương, của chi bộ; giúp chi bộ bố trí, sử dụng, bồi dưỡng rèn luyện cấp uỷ, bí thư, cán bộ, đảng viên phấn đấu trưởng thành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, xây dựng chi bộ TSVM và nâng cao chất lượng giáo dục quản lý rèn luyện đảng viên. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để phát hiện, nắm bắt và giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc, tạo mọi điều kiện cần thiết cho hoạt động của chi bộ, tránh gây phiền hà, bị động, chồng chéo, gây rối bận cho cơ sở.

Đây là một số biện pháp cơ bản, trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt lãnh đạo của các chi bộ thôn, khu dân cư trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Mỗi nội dung, biện pháp phải được vận dụng phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, tình hình cụ thể của từng chi bộ thôn, khu dân cư, có như vậy mới bảo đảm cho hoạt động sinh hoạt lãnh đạo của các chi bộ ngày càng cao về chất lượng, trực tiếp thúc đẩy, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các chi bộ thôn, khu dân cư.

Ly Nguyen

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: