Thứ hai, ngày 2/12/2024

Kỷ luật Đảng để vun đắp niềm tin

Thứ Tư 01/02/2023 09:11

Xem với cỡ chữ
Những thông báo kỷ luật Đảng được ban hành vào những ngày cuối năm cho thấy quyết tâm, sự nghiêm túc, nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam trong nỗ lực đẩy lui những biểu hiện lệch chuẩn trong cán bộ, đảng viên.

Tiếp tục “nóng” kỷ luật Đảng

Những thông báo của cơ quan kiểm tra các cấp vẫn được công bố vào những ngày cuối cùng của năm 2022 khiến kỷ luật Đảng tiếp tục là chủ đề “nóng” trong đời sống chính trị nước ta hiện nay.

Theo thông tin tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023, tổ chức ngày 26/12/2022, riêng năm nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật Đảng đối với 38 tổ chức Đảng, 166 đảng viên, đề nghị BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 19 tổ chức Đảng và 43 đảng viên.

Ở cấp độ địa phương, ngày 27/12/2022, tại hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023, cơ quan kiểm tra của Thành ủy Hà Nội cho biết đã có 22 tổ chức Đảng thuộc thầm quyền bị kỷ luật trong năm (khiển trách 19, cảnh cáo 3); thi hành kỷ luật với 1.142 đảng viên (khiển trách 853, cảnh cáo 144, cách chức 14, khai trừ 131 trường hợp).

Theo thông tin tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII mới đây, nếu nhiệm kỳ XI (2011-2016) có 56.572 đảng viên bị kỷ luật (khiển trách 36.754, cảnh cáo 15.008, cách chức 2.477, khai trừ 2.333 đảng viên), thì trong nhiệm kỳ XII (2016-2021), số đảng viên bị kỷ luật đã tăng lên 93.207 người (khiển trách 65.647, cảnh cáo 17.217, cách chức 2.496, khai trừ 7.847 đảng viên).

Tiếp sau kỷ luật Đảng sẽ là kỷ luật hành chính, hoặc các quy trình tố tụng. Thực hiện đúng nguyên tắc này không chỉ bảo đảm sự nghiêm minh trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, gia tăng uy tín chính trị cho Đảng, mà còn góp phần giảm thiểu được nguy cơ bao che, quy chụp, dẫn tới kỷ luật hình thức hoặc oan sai, gây hệ lụy tiêu cực cho vai trò lãnh đạo của Đảng.

Ông Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì kỳ họp. Ảnh: UBKTTU

Kỷ luật Đảng không thay thế kỷ luật hành chính

Quy định 69 -QĐ/TW về kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm, ban hành ngày 6/7/2022, khẳng định: “Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử phạt của pháp luật”. Có nghĩa là với đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức, khi đã bị kỷ luật Đảng thì thường cũng sẽ bị kỷ luật hành chính với mức tương đương.

Trong vòng 30 ngày sau khi ban hành Quyết định kỷ luật Đảng, cơ quan chức năng có thẩm quyền phải ban hành Quyết định kỷ luật hành chính.

Kỷ luật Đảng, được ban hành bởi tổ chức Đảng, chủ yếu tập trung xem xét, đánh giá tính chất, mức độ, hậu quả, và trách nhiệm chính trị của các biểu hiện vi phạm. Vì thế, các nhận định và đánh giá thiên về các hệ quả chính trị.

Ngược lại, kỷ luật hành chính được ban hành bởi các Hội đồng kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả, và trách nhiệm hành chính, pháp lý của các biểu hiện vi phạm. Vì thế, những cơ sở cho kỷ luật hành chính luôn rất cụ thể, lượng hóa rõ ràng (hành vi vi phạm quy định gì, mức độ thiệt hại, hậu quả vật chất, tinh thần với cá nhân, tổ chức...).

Nguyên tắc thực hiện kỷ luật là “kỷ luật Đảng đi trước, thực hiện trước kỷ luật hành chính, đồng bộ với kỷ luật hành chính”. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa cứ ban hành Quyết định kỷ luật Đảng thì tự động phiên ngang sang Quyết định kỷ luật hành chính.

Để kỷ luật Đảng có thể thực hiện trước, chủ thể thực hiện công tác kiểm tra giám sát phải chắc chắn các cơ sở cho kỷ luật hành chính. Có nghĩa là xác định rõ biểu hiện vi phạm, tính chất, và hậu quả của vi phạm. Làm đúng quy trình như vậy thì kỷ luật Đảng và kỷ luật hành chính sẽ tương thích và logic với nhau.

Kỷ luật để vun đắp niềm tin

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ Đại hội XII, ngày 27/11/2020, TBT Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh mục đích của hoạt động kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng là sớm phát hiện vi phạm, uốn nắn, giáo dục đảng viên, qua đó chấn chỉnh và siết chặt kỷ cương hoạt động của cá nhân và đơn vị, giữ gìn sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng, vun đắp niềm tin trong đảng viên và nhân dân. Thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật sẽ góp phần gia tăng hiệu lực và hiệu quả trong hoạt động lãnh đạo của Đảng.

Bởi thế, hoạt động kiểm tra, giám sát cần được thực hiện nghiêm minh, nghiêm khắc nhưng cũng phải nhân văn, thấu tình đạt lý.

Khoản 3, điều 2,  Quy định 69-QĐ/TW  nêu rõ: “Khi xem xét kỷ luật phải căn cứ vào nội dung, động cơ, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm, hoàn cảnh cụ thể, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, ý thức, thái độ tự phê bình, tiếp thu phê bình và kết quả sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, vi phạm, hậu quả đã gây ra”.

Những thông báo kỷ luật Đảng vẫn được ban hành vào những ngày cuối năm cho thấy quyết tâm, sự nghiêm túc, nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam trong nỗ lực đẩy lui những biểu hiện lệch chuẩn trong cán bộ, đảng viên.

Dư luận quan tâm đến kỷ luật Đảng tức là nhân dân còn vững lòng tin vào quyết tâm của Đảng trong việc chấn chỉnh đội ngũ. Thi hành kỷ luật nghiêm minh và thường xuyên sẽ củng cố sức mạnh và vai trò lãnh đạo của các tổ chức Đảng, vun đắp niềm tin trong cán bộ, đảng viên, và nhân dân.

https://vietnamnet.vn/

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: