Thứ hai, ngày 25/11/2024

Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thứ Hai 15/08/2022 22:16

Xem với cỡ chữ
Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.

Sửa luật là yêu cầu cấp thiết

Ngày 9/8, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Hội nghị thẩm tra dự án  Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) .

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng  Bộ Công Thương  Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội khóa XII, Kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 17/11/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011. Trong gần 12 năm thực thi, các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn Luật đã góp phần thay đổi mạnh mẽ công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời, kiến tạo các khung khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại hội nghị

Tuy nhiên, quá trình thực thi Luật hiện đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, bao gồm các vấn đề liên quan đến tính thống nhất, hiệu lực, hiệu quả thực thi các quy định của Luật, sự thay đổi của thực tiễn sản xuất, kinh doanh cũng như những yêu cầu, xu thế mới đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cùng với đó, trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, định hướng sự phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó, đã chỉ rõ và đặt ra yêu cầu xem xét, sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

“Việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là hoạt động cần thiết, kịp thời, không chỉ nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong thực tiễn mà còn nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”  – Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) còn xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 với các văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội ban hành sau như: Bộ luật Dân sự năm 2015; Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017; Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2014, năm 2017 và năm 2020; Luật Doanh nghiệp năm 2020; Luật Đầu tư năm 2020; Luật Cạnh tranh năm 2018…

Bên cạnh đó, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) giúp hoàn thiện chính sách, pháp luật về  bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng  theo hướng khuyến khích sáng tạo trong việc xây dựng và thực thi quy định, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, tạo động lực cho cạnh tranh và phát triển sáng tạo của doanh nghiệp, hỗ trợ, khuyến khích hoạt động của các tổ chức xã hội, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Khẳng định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội và bảo vệ người tiêu dùng chính là bảo vệ những quyền thiêng liêng của mỗi công dân. Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nêu quan điểm xây dựng dự án Luật là tiếp tục bảo vệ sự yếu thế của người tiêu dùng trong các giao dịch với các tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Bản chất của quan hệ giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp là một loại quan hệ tư, pháp luật của hầu hết các nước đều dành cho các bên trong quan hệ hợp đồng một sự tự do thỏa thuận và sự can thiệp của nhà nước vào các dạng quan hệ này tương đối hạn chế. Tuy nhiên, nếu để các bên tự do vô hạn thì hợp đồng sẽ trở thành phương tiện để bên mạnh hơn lấn át bên yếu thế, từ đó, gây hậu quả xấu tới lợi ích chung của xã hội.

Người tiêu dùng  luôn là bên thiếu thông tin, đặc biệt là các thông tin và kiến thức liên quan đến đặc tính kỹ thuật của sản phẩm. Bên cạnh đó, người tiêu dùng thường ít có cơ hội đàm phán, thương lượng trong quan hệ với tổ chức, cá nhân kinh doanh. Do đó sự can thiệp của Nhà nước vào các quan hệ tư này sẽ góp phần ổn định trật tự xã hội, bảo vệ lợi ích chung của xã hội và trong một chừng mực nhất định tạo ra thế cân bằng trong giao lưu dân sự”  – Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nói.

Dự án Luật đã đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, dự thảo Luật có 7 Chương, 80 Điều; so với Luật hiện hành, dự thảo Luật đã sửa đổi 49 Điều, bổ sung 29 Điều, bổ sung 1 Chương riêng về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Ông Tạ Đình Thi cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung này đã cơ bản đáp ứng yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, thực tiễn quản lý nhà nước, khắc phục những bất cập, hạn chế của pháp luật hiện hành và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Hội nghị họp thẩm tra dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng cho biết, để phục vụ việc thẩm tra dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổ chức giám sát chuyên đề, làm việc với một số bộ, khảo sát tại các địa phương về nội dung bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cụ thể, Ủy ban đã tổ chức giám sát chuyên đề, làm việc với các Bộ Công Thương, Tài chính, khảo sát tại một số tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Nam, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh; phối hợp cùng Ban soạn thảo nghiên cứu thực tiễn thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đến nay, đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 11 cơ quan Trung ương gửi báo cáo giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo Tờ trình của Chính phủ và nhấn mạnh thêm các nội dung:

Thứ nhất , hiện nay trên thế giới, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã bao trùm lên mọi lĩnh vực, mọi mặt của đời sống xã hội với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, thương mại điện tử, nhiều phương thức kinh doanh, tiêu dùng mới ra đời và phát triển;

Thứ hai , Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được thực hiện trong gần 12 năm. Nhiều quy định đã không còn phù hợp với điều kiện thực tế cũng như hệ thống văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành;

Thứ ba , sự phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn hạn chế do chưa có cơ chế phối hợp và phân công trách nhiệm rõ ràng; chưa phát huy và đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

Thứ tư , số vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng tăng nhanh cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng trong những năm qua. Tuy nhiên, công tác giải quyết tranh chấp chưa thật sự hiệu quả.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng thống nhất rằng, việc sửa đổi Luật là cần thiết nhằm bảo vệ người dân tốt hơn và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, dự án Luật cần làm rõ việc cụ thể hóa các chính sách của Nhà nước tại các quy định cụ thể trong dự thảo Luật hoặc các luật khác có liên quan để bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn.

Đồng thời, các ý kiến đại biểu cho rằng, quyền của người tiêu dùng là cốt lõi của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Để người tiêu dùng dễ tiếp cận và thuận tiện khi tuyên truyền, phổ biến, trích dẫn, nên đưa 10 quyền của người tiêu dùng từ Điều 15, lên thành Điều 4; quy định về nghĩa vụ của người tiêu dùng từ Điều 16 lên thành Điều 5. Đặc biệt, cần làm rõ, sâu hơn các quyền này của người tiêu dùng.

Đối với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù, một số đại biểu đề nghị bổ sung hợp đồng theo mẫu đối với giao dịch qua môi trường điện tử, nền tảng thương mại điện tử và giải quyết tranh chấp trực tuyến đối với các giao dịch tiêu dùng giá trị nhỏ và giao dịch điện tử. Các đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát các nội dung liên quan, đối chiếu với các quy định trong dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Một số ý kiến khác cho rằng, trong thời gian vừa qua, hoạt động của các Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn nhiều khó khăn, trong đó nổi bật là vấn đề kinh phí, nguồn lực và phương thức để đảm bảo các hoạt động cơ bản của Hội. Bên cạnh đó, chưa có những cơ chế phối hợp và thực hiện để hệ thống chính trị vào cuộc cùng chung sức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như sự phối hợp của các cơ quan quản lý với các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…

Do đó, các đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định phân công rõ đầu mối, nhiệm vụ cho cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như xây dựng cơ chế phối hợp phù hợp để tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đánh giá cao các ý kiến của các đại biểu, đại diện các cơ quan đóng góp cho dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Qua báo cáo thẩm tra sơ bộ, dự án Luật đã đủ điều kiện để Ủy ban trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại Phiên họp tháng 8 này trước khi trình Quốc hội hội khóa XV xem xét tại Kỳ họp thứ 4.

Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, đại diện các cơ quan để sớm hoàn thiện các ý kiến bằng văn bản, hoàn thành báo cáo để cùng với Ủy ban báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong Phiên họp tháng 8 này. Về phía Bộ Công Thương cần có báo cáo bổ sung để Ủy ban xem xét trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đóng góp ý kiến.

https://nguoitieudung.org.vn/

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: