Thứ sáu, ngày 22/11/2024

Khai mạc Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII

Thứ Ba 25/09/2018 16:24

Xem với cỡ chữ
Sáng 24-9, tại Hà Nội, Ðại hội lần thứ XII Công đoàn Việt Nam khai mạc, với sự tham gia của 947 đại biểu, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và trí tuệ của hơn 10,5 triệu đoàn viên công đoàn cả nước. Ðây là ngày hội lớn của giai cấp công nhân, người lao động và tổ chức Công đoàn Việt Nam để quyết định những vấn đề quan trọng của phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn trong 5 năm tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ý kiến tại cuộc gặp mặt các đại biểu dự Đại hội Công đoàn Việt Nam. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Ðại hội đã thành kính tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của Ðảng và nhân dân ta, Người thầy vĩ đại của cách mạng và giai cấp công nhân Việt Nam, Người đã cùng Ðảng lãnh đạo tổ chức Công đoàn Việt Nam, rèn luyện các thế hệ cán bộ, đoàn viên công đoàn trở thành những người con ưu tú, phấn đấu quên mình cho lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các thế hệ cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, cán bộ, đoàn viên công đoàn đã cống hiến, lao động, chiến đấu ngoan cường, hy sinh anh dũng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ðại hội cũng bày tỏ lòng tiếc thương trước sự ra đi của đồng chí Trần Ðại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, người luôn dành tình cảm, sự quan tâm to lớn đối với giai cấp công nhân, người lao động và tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Phát biểu ý kiến khai mạc Ðại hội, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường cho biết: Thực hiện nhiệm vụ do Ðại hội XI Công đoàn Việt Nam đề ra, với tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, các cấp công đoàn đã phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đề ra nhiều chủ trương, giải pháp mới, thiết thực, tổ chức thực hiện và hoàn thành cơ bản các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Ðại hội XI Công đoàn Việt Nam đã đề ra. Ðại hội XII Công đoàn Việt Nam có nhiệm vụ đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đạt được, chỉ ra những hạn chế, bất cập, đúc rút những bài học kinh nghiệm của nhiệm kỳ 2013 - 2018; từ đó, trên cơ sở kế thừa những thành quả của nhiệm kỳ qua, tiếp tục xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp của tổ chức công đoàn trong 5 năm tới.

★ Chiều 24-9, trong khuôn khổ Ðại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, diễn đàn Thủ tướng Chính phủ gặp mặt đại biểu dự Ðại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII diễn ra, với chủ đề "Công đoàn Việt Nam đồng hành cùng Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước".

Dự và chủ trì có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trương Thị Mai, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư; Vương Ðình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên T.Ư Ðảng: Vũ Ðức Ðam, Phó Thủ tướng Chính phủ; Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Gợi ý thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, đi thẳng vào chủ đề, nêu rõ các giải pháp, gợi mở cho Chính phủ những ý tưởng, sáng kiến, cách làm để cả nước cùng nỗ lực, chung tay nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước.

Tại diễn đàn, các đại biểu tập trung các vấn đề: thời cơ và thách thức đối với nước ta trong 5 đến 10 năm tới; hiến kế cho công tác điều hành, lãnh đạo của Chính phủ được tốt hơn; các giải pháp nâng cao năng suất lao động; công đoàn tham gia tuyên truyền, vận động người lao động nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công tác...

Tại diễn đàn, đại diện lãnh đạo các bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội; Thông tin và Truyền thông cùng đối thoại, trả lời các câu hỏi của đại biểu về một số vấn đề, như: An toàn, an ninh mạng, nhà ở xã hội, năng suất lao động...

Phát biểu ý kiến kết thúc diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, cảm ơn những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, trí tuệ, cùng nhiều hiến kế có ý nghĩa của các đại biểu. Những ý kiến này sẽ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp thu, qua đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật và lưu ý trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

Thủ tướng mong muốn, mỗi đoàn viên công đoàn và người lao động cần đổi mới tư duy, nhận thức về tinh thần cống hiến, khát vọng vươn lên, về lòng tự trọng, liêm chính và trung thực; đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải quán triệt tinh thần thượng tôn pháp luật, coi sứ mệnh của mình là tham mưu giỏi, phục vụ tốt, gần gũi, gắn bó với nhân dân. Thủ tướng đề nghị, Công đoàn Việt Nam tiếp tục đổi mới tổ chức, có bước đột phá trong nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn. Cần quan tâm đầu tư xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động thích ứng với cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do. Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động, đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật và nghề nghiệp cho đoàn viên, người lao động; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu mới…

Thủ tướng đề nghị Ðại hội nghiên cứu, thảo luận đưa chủ đề "Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước" thành một chương trình hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong nhiệm kỳ tới.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cùng chính quyền các cấp tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp Công đoàn Việt Nam, hỗ trợ công đoàn trong tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, nhất là việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, vấn đề quản lý nhà nước của ngành và địa phương, hỗ trợ đất đai, tài chính xây dựng các thiết chế công đoàn…

Theo Báo Nhân dân Điện tử

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: