Thứ sáu, ngày 22/11/2024

Cần làm rõ việc dừng thi công hai dự án chống ngập tại TP Hồ Chí Minh

Thứ Năm 20/09/2018 16:23

Xem với cỡ chữ
Hai công trình chống ngập đô thị tại TP Hồ Chí Minh có quy mô hàng nghìn tỷ đồng lần lượt dừng thi công, “mắc cạn” do xảy ra xung đột giữa nhà đầu tư với đơn vị tư vấn giám sát và các sở ngành liên quan. Người dân đang trông chờ lãnh đạo thành phố giải quyết, tháo gỡ vướng mắc một cách minh bạch để người dân sớm được hưởng lợi từ dự án dân sinh này.

Thi công hạng mục cống kiểm soát triều của dự án chống ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh giai đoạn 1.

Nghi vấn thay đổi tiêu chuẩn thiết kế

Giữa năm 2016, TP Hồ Chí Minh khởi công dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu” (giai đoạn 1) theo hình thức BT, do Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 (Tập đoàn Trung Nam) làm nhà đầu tư. Tổng vốn đầu tư dự án từ ngân sách thành phố là 10 nghìn tỷ đồng, nhằm kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó biến đổi khí hậu cho khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP Hồ Chí Minh, quy mô khoảng 570 km² và 6,5 triệu dân. Theo tính toán của nhà đầu tư, đến nay dự án đã hoàn thành 72% khối lượng, tuy nhiên từ ngày 27-4 vừa qua, dự án phải tạm dừng thi công vì Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - chi nhánh Nam Sài Gòn dừng giải ngân, do UBND thành phố Hồ Chí Minh chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán của dự án để thực hiện thủ tục tái cấp vốn. Lý do chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán cho chủ đầu tư là vì Liên danh tư vấn giám sát (Tư vấn Xây dựng Meinhardt Việt Nam, Tư vấn Xây dựng công trình Hàng hải và Tư vấn Xây dựng - chuyển giao công nghệ Thăng Long 12) do UBND thành phố lựa chọn làm đơn vị giám sát quá trình triển khai hợp đồng BT đã phát hiện “có vấn đề” trong quá trình thực hiện dự án. Tháng 5-2018, Liên danh tư vấn giám sát báo cáo UBND thành phố, cho rằng nhà đầu tư đã sử dụng tiêu chuẩn vật liệu chế tạo, lắp đặt cơ khí cửa van thép cống kiểm soát triều Phú Xuân và Cây Khô không có sự thống nhất từ thiết kế cơ sở đến thiết kế bản vẽ và thực tế thi công. Đơn vị đã sử dụng thép có nguồn gốc Trung Quốc để làm cửa van cống ngăn triều thay vì dùng thép xuất xứ từ các nước thuộc nhóm G7. Hơn nữa, việc thay đổi tiêu chuẩn thép cũng chưa được sự chấp thuận của UBND thành phố Hồ Chí Minh.

Trước phản ứng này, giữa tháng 9 vừa qua, Tập đoàn Trung Nam đã có giải trình, làm rõ những thắc mắc dư luận quan tâm. Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam Nguyễn Tâm Tiến cho rằng: Hợp đồng BT do TP Hồ Chí Minh ký với nhà đầu tư không có điều khoản hay ràng buộc nào quy định thép sử dụng cửa van phải là thép từ các nước G7. Việc chọn lựa thép phôi tấm để gia công chế tạo cửa van có thể sử dụng bất cứ loại thép nào đạt chuẩn kỹ thuật. Nhà đầu tư cũng không tự ý thay đổi thiết kế cơ sở đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN - PTNT) thành phố thẩm định và đồng ý, luôn tuân thủ thiết kế bản vẽ thi công đã được thẩm định phê duyệt và được Hội đồng kiểm tra công tác nghiệm thu Bộ NN - PTNT đánh giá chất lượng bảo đảm.

Trước những kết luận và viện dẫn có xu hướng “trái chiều” giữa nhà đầu tư và đơn vị tư vấn giám sát, cơ quan chức năng được TP Hồ Chí Minh ủy quyền thực hiện quản lý và kiểm tra giám sát dự án là Sở NN - PTNT, Trung tâm Chống ngập của thành phố lại không đưa ra bất cứ thông tin hay quan điểm rõ ràng nào hay động thái gì trấn an dư luận.

“Siêu” máy bơm gây tranh cãi

Tương tự, dự án chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) bằng “siêu” máy bơm do Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung (Công ty Quang Trung) đầu tư thực hiện gần một năm qua cũng đang có nguy cơ phá sản vì không đạt được thỏa thuận với Trung tâm Chống ngập (đơn vị đại diện UBND thành phố ký hợp đồng thuê máy bơm) về đơn giá sử dụng sản phẩm. Đây cũng là công trình chống ngập gây nhiều tranh cãi vì giới chuyên gia, kỹ sư trong lĩnh vực thoát nước có chung nhận định, cơ chế hoạt động của máy bơm chỉ là giải pháp mang tính tình thế, không bảo đảm chống ngập lâu dài và lưu vực hoạt động của máy bơm cũng hết sức “mập mờ”, không toàn diện, nhất là chủ đầu tư từng tuyên bố “siêu” máy bơm có thể hoạt động với công suất tối đa 96 nghìn m3/giờ (!?),…

Lãnh đạo Công ty Quang Trung cho biết, công ty đã có văn bản đề nghị Thành ủy, UBND thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan xin tạm dừng hoạt động “siêu” máy bơm, kể từ ngày 31-8 do thiếu kinh phí. Mặt khác, việc Trung tâm Chống ngập chậm công bố mức giá thuê máy bơm sau khi đã ký hợp đồng khiến chủ đầu tư không yên tâm thực hiện dự án. Viện dẫn hợp đồng kinh tế ký ngày 19-4 giữa Công ty Quang Trung với Trung tâm Chống ngập, ông Nguyễn Tăng Cường, Tổng Giám đốc công ty cho rằng: Sau 45 ngày kể từ khi ký hợp đồng, doanh nghiệp sẽ được thông báo về mức giá thuê, nhưng việc này bị trì hoãn, kéo dài nhiều tháng cho nên công ty buộc phải tạm ngừng hoạt động máy bơm. Công ty cũng kiến nghị thành phố thuê một đơn vị thẩm định giá độc lập làm cơ sở quyết định và sớm công bố mức giá thuê để chủ đầu tư có niềm tin tiếp tục thực hiện dự án. Trước đó, Trung tâm Chống ngập đã đề xuất mức giá thuê máy bơm 9,9 tỷ đồng/năm, trong khi Công ty Quang Trung đưa ra mức giá thuê máy bơm 24,4 tỷ đồng/năm.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Vĩnh Tuyến cho biết, trước vướng mắc của hai dự án chống ngập, UBND thành phố đã giao cho các sở, ngành liên quan đánh giá một cách toàn diện và đầy đủ hồ sơ, thiết kế, cơ sở, tính pháp lý của dự án để tham mưu chính quyền thành phố có kết luận cuối cùng đúng theo quy định của pháp luật và hợp đồng đã ký. Đối với dự án chống ngập của Tập đoàn Trung Nam, PGS, TS Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố nhận định: Để có cơ sở đánh giá, cơ quan chức năng của thành phố phải làm rõ một số nội dung, như: đơn vị tư vấn thiết kế nào xác nhận cho thay đổi vật liệu; vai trò của tư vấn thẩm tra thiết kế cơ sở ra sao; các đơn vị tham gia giám sát dự án có chuyên môn không và Sở NN - PTNT quyết định cho nhà đầu tư thay đổi tiêu chuẩn vật liệu thép dựa trên cơ sở pháp lý và quy định nào? Sau khi làm rõ những vấn đề này, UBND thành phố cần mời đội ngũ chuyên gia và các ngành liên quan để phân tích, làm rõ và giải tỏa nghi vấn có hay không sai phạm của nhà đầu tư? Theo Giám đốc Công ty TNHH Thiết kế tư vấn xây dựng D&C Lê Thành Công, trong trường hợp này, Tập đoàn Trung Nam cần nhanh chóng cung cấp và công khai hồ sơ nghiệm thu vật liệu, hồ sơ thí nghiệm chất lượng vật liệu, vì một khi cửa thép đã chôn sâu dưới lòng sông, sẽ rất khó kiểm tra lại.

Để làm rõ những ẩn khuất của các dự án chống ngập có vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, dư luận đang trông chờ chính quyền thành phố nhanh chóng vào cuộc cùng các cơ quan chức năng xem xét toàn bộ hồ sơ, thiết kế cơ sở của dự án; công khai thông tin cho người dân, đồng thời bảo đảm tiến độ cấp bách của các dự án dân sinh trên địa bàn. UBND thành phố Hồ Chí Minh cần nhanh chóng thành lập đoàn kiểm tra độc lập gồm các chuyên gia đầu ngành, tiến hành phân tích, phản biện, làm rõ những hạn chế của toàn bộ quy trình triển khai dự án, kiểm tra thiết kế cơ sở, xem xét hồ sơ nghiệm thu cũng như thử nghiệm vật liệu, đối chiếu bản vẽ thiết kế thi công để đưa ra những tư vấn, khuyến cáo phù hợp. Như vậy mới có cơ sở kết luận toàn bộ quá trình thi công dự án một cách công khai và minh bạch trước dư luận nhân dân, giúp nhà đầu tư tiếp tục triển khai dự án, tránh tình trạng lãng phí do dự án “đắp chiếu”.

Theo Báo Nhân dân Điện tử