Bệnh tật đeo bám, cơ thể dị dạng… nạn nhân da cam luôn phải đối mặt với sự sa sút về sức khỏe, khó khăn trong cuộc sống. Nhiều người chỉ có thể sống đời sống thực vật đầy mơ hồ, hoàn toàn phụ thuộc vào người khác.
Thế nhưng trong những khó khăn tưởng chừng có thể khiến người ta gục ngã, nhiều người không đầu hàng số phận, cố gắng vươn lên mạnh mẽ, làm chủ cuộc sống của mình.
Chị Trương Thị Thi (thôn Nghĩa Phong, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) và con bị di chứng chất độc da cam/dioxin. (Ảnh tư liệu)
"Tàn" nhưng không "phế"
Bị nhiễm chất độc dioxin từ bố, khi mới sinh ra, Phan Sỹ Tân (thôn Yên Xuân, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, Nghệ An) chỉ nặng vỏn vẹn 1,2 kg, phải nuôi trong lồng kính. Di chứng của chất độc da cam khiến Tân bị liệt toàn thân, chân, tay co quắp, nói chuyện khó khăn. Khi các bạn cùng trang lứa biết lẫy, biết bò rồi đi đứng, chạy nhảy, từ 1-4 tuổi, Tân vẫn chỉ biết bò.
Cuộc đời Tân gắn với các bệnh viện, trung tâm chỉnh hình. Cuộc sống cứ tưởng như đã mất hết niềm hy vọng. Khi bước sang tuổi thứ 5, Tân bỗng đọc được sách, báo và chập chững biết đi. Gia đình, anh em nội ngoại, hàng xóm láng giềng đều không khỏi ngạc nhiên.
Theo chia sẻ của Tân, nghe mọi người kể lại, hồi nhỏ, em cứ bò chơi trên mặt đất rồi nghe anh, chị hàng xóm tập đọc. Thế rồi, em tự biết ghép chữ và đọc được mà không được ai chỉ dạy. Biết đọc là tia hy vọng đầu tiên và lớn nhất giúp Tân thuyết phục bố mẹ cho em đến trường.
Được đi học, Tân nỗ lực không ngừng, cộng thêm có sự quan tâm của cô giáo và các bạn, qua mỗi năm học, Tân ngày càng tiến bộ. Em luôn đạt học lực tiên tiến và xuất sắc suốt những năm học Tiểu học, Phổ thông. Năm 2014, Tân Thi đỗ vào Khoa Công nghệ thông tin Trường Đại học Vinh. 5 năm sau đó, Tân tốt nghiệp Đại học với tấm bằng loại giỏi. Hiện tại, chàng trai ấy đã có một công việc yêu thích tại một công ty phần mềm ở Hà Nội.
Từng chứng kiến những năm tháng đi học Phổ thông của Tân và cùng đồng hành với Tân trong những năm tháng học tại Đại học Vinh, Nghệ An, Nguyễn Khắc Quang cho biết, Tân rất ham học. Dẫu trời mưa to, gió lớn hay những lúc ốm đau, Quang chưa bao giờ thấy Tân nghỉ học. Lên Đại học, Tân càng chăm chỉ hơn. Có những đợt thi cử, Tân thức học xuyên đêm. Thậm chí có những hôm, Tân thức luôn tới sáng rồi đi thi mà không hề kêu ca mệt mỏi.
Trong những ngày dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Tân vẫn miệt mài làm việc tại nhà; tham gia phát triển một dự án về tìm kiếm và chia sẻ việc làm online (trực tuyến) để có thể giúp đỡ những người đang gặp khó khăn.
Là một nạn nhân chất độc da cam khuyết tật, không tự đi lại, không tự sinh hoạt được, giao tiếp khó khăn, bằng nỗ lực vượt bậc và nghị lực phi thường, Phan Sỹ Tân đã thực hiện được ước mơ trở thành kỹ sư công nghệ thông tin. Đặc biệt năm 2020, Tân còn là một trong nhóm ba tác giả đoạt giải Nhất Giải thưởng sáng tạo Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An, lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo với công trình: Hệ thống dạy học trực tuyến cho đào tạo tiếp cận năng lực.
Có thể thấy, đây là những "trái ngọt" đầu tiên đền đáp lại cho những năm tháng nỗ lực không ngừng của chàng trai có nghị lực phi thường Phan Sỹ Tân.
Chuyện của đảng viên Dương Văn Bình
Anh Dương Văn Bình ở thành phố Sông Công, Thái Nguyên là nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ hai trong một gia đình có 4 anh, chị em đều mang dị tật do di chứng chất độc màu da cam được truyền từ bố. Di chứng của chất độc da cam khiến anh Bình mang trên lưng một khối u lớn và đôi chân teo tóp, yếu ớt. Để có thể di chuyển trên chính đôi chân của mình như hiện nay, anh đã phải trải qua nhiều đợt phẫu thuật đầy đau đớn.
Năm 1999, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Lao động - Xã hội (nay là Trường Đại học Lao động - Xã hội), anh về quê hương Sông Công với mong ước tìm được một công việc phù hợp với sức khỏe và kiến thức của mình.
Nhiều lần xin việc, Dương Văn Bình đều không đạt được nguyện vọng vì bản thân là người khuyết tật. Một thời gian dài sau đó, anh bị trầm cảm, cứ ngày ngày ẩn mình trong nhà. Thấu hiểu tâm tư của anh, gia đình, làng xóm, các cấp chính quyền địa phương đã luôn đến thăm hỏi, động viên, chia sẻ với anh.
Anh Bình cho biết, lúc đó, mọi người luôn kể cho anh nghe về những mảnh đời da cam còn kém may mắn và bất hạnh hơn nhiều. Có lẽ, đó chính là nguồn động lực khiến anh tiếp tục vươn lên.
Vượt qua cú sốc tinh thần đầu tiên, anh Bình thuyết phục bố mẹ mở cho mình một cửa hàng sửa chữa đồ điện. Lúc đầu, lượng khách rất ít do số lượng người tin tưởng tay nghề của anh chưa nhiều. Bằng sự quyết tâm không ngừng nghỉ, anh Bình đã cố gắng làm hết khả năng của mình. Khách hàng ngày càng tin tưởng và kéo đến cửa hàng đông hơn. Nhờ đó, anh Bình đã mua được ngày càng nhiều trang thiết bị để phục vụ khách hàng tốt hơn.
Các nạn nhân da cam được học nghề làm hoa voan tại cơ sở 3 của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Đà Nẵng. Tại đây, các nạn nhân được học chữ, học múa, hát, học cách tự chăm sóc bản thân và học các nghề thêu, may, làm hương, làm hoa, đan cườm. Nhờ đó, những mảnh đời không may mắn này đã vượt khó vươn lên trong cuộc sống và hòa nhập cộng đồng (Ảnh tư liệu)
Năm 2011, sau khi lập gia đình, kinh tế rất khó khăn, lúc này, anh Bình và vợ bàn với nhau mở một trang trại nuôi lợn sinh sản và lợn bột để bán thành phẩm trên địa bàn thành phố Sông Công. Công việc làm ăn ổn định cho đến năm 2019, do tình hình dịch bệnh, toàn bộ trang trại bị tiêu hủy. Anh bị nợ ngân hàng hàng trăm triệu đồng.
Anh Bình chia sẻ, khi đó, hai vợ chồng buộc phải nghĩ đến cách chăn nuôi khác và cùng quyết định làm trang trại nuôi bò thịt 3B. "Dần dần công việc phát triển, chúng tôi đã có thể trả được nợ cho ngân hàng, xây dựng được mối làm ăn với các đơn vị", anh Bình chia sẻ.
Không chỉ dừng lại ở đó, năm 2014, anh Bình còn bàn với vợ mở một xưởng may gia công hàng gia đình như chăn, ga, gối, đệm và đệm ghế sopha, may đồng phục cho công nhân và học sinh.
Theo chia sẻ của anh, lúc này, việc tìm nhân lực rất khó khăn vì địa bàn Sông Công lúc đó có nhiều nhà máy lớn nên đã thu hút hết nguồn nhân lực. "Tôi được biết, hàng năm, Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố có phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm dạy nghề của tỉnh đào tạo nghề cho các em là nạn nhân chất độc da cam, tôi đã mời các em về xưởng để vợ tôi đào tạo nghề. Đến khi các em làm được ra sản phẩm đạt yêu cầu của khách hàng, chúng tôi sẽ nhận các em vào làm việc tại cơ sở của mình và có trả lương hàng tháng", anh Bình kể lại.
Không chỉ nỗ lực trong việc xây dựng, phát triển kinh tế gia đình và hỗ trợ cho những nạn nhân chất độc da cam khác, anh Bình còn tích cực tham gia công tác xã hội. Chính vì thế, năm 2020, anh vinh dự được kết nạp vào Đảng.
Anh Bình xúc động chia sẻ, được đứng trong hàng ngũ của Đảng là niềm vinh dự rất lớn đối với anh - một người con sinh ra bị dị tật do di chứng của chất độc da cam từ bố. Tôi mong muốn các bạn là nạn nhân chất độc da cam hãy nỗ lực bằng hết khả năng của mình để vươn lên trong cuộc sống; phía sau các bạn luôn có các cấp hội và chính quyền địa phương cùng đồng hành, không bỏ các bạn lại phía sau.
Dương Văn Bình và Phan Sỹ Tân chính là những tấm gương điển hình cho những nạn nhân chất độc da cam với cơ thể tật nguyền nhưng lại có nghị lực phi thường luôn vươn tới những khát vọng sống cao cả, đẹp đẽ. Họ là những người luôn tràn đầy năng lượng sống, vượt qua tất cả để tiến về phía trước với tinh thần lạc quan; để chứng minh cho mọi người thấy, chất độc da cam độc ác không thể nào bóp nghẹt được lý trí của những nạn nhân da cam.