Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, khách quan, công bằng, hiệu quả, đáp ứng được nguyện vọng của đại đa số người dân và đòi hỏi của thực tiễn.
Ảnh: Minh hoạ
"Người dân đang rất khó khăn, đang từng ngày mong chờ được nhận hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết 68 của Chính phủ (gói 26.000 tỉ đồng hỗ trợ người dân vượt khó khăn do dịch COVID-19). Không chờ hết dịch, hết giãn cách mới bắt đầu hỗ trợ, các địa phương phải triển khai ngay. Triển khai chậm là có lỗi, là có tội với dân".
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với TP Hồ Chí Minh và 27 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam ngày 15.7 về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.
Như một mệnh lệnh, Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, khách quan, công bằng, hiệu quả, đáp ứng được nguyện vọng của đại đa số người dân và đòi hỏi của thực tiễn.
Theo Thủ tướng, gói 62.000 tỷ đồng trước đây (theo Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg) có những tiêu chí chặt chẽ, nhiều thủ tục, thời gian xem xét có khi phải đợi cả tháng tiền hỗ trợ mới tới được tay đối tượng thụ hưởng. Vì có nhiều thủ tục phức tạp, nên không thực hiện kịp thời, chưa đạt được kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp. Còn Nghị quyết 68 quy định rất rõ, đã lược bỏ nhiều thủ tục, chỉ còn 4 ngày xét thủ tục và thêm 3 ngày để giải ngân. Rất đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, các địa phương không cần ra thêm văn bản, thủ tục hành chính nào nữa. Cần bắt tay ngay vào triển khai, không được chậm trễ, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, để tiền hỗ trợ đến tay người lao động kịp thời, bảo đảm đúng người, đúng đối tượng.
Mất việc, thiếu việc, thu nhập giảm sút hoặc không có thu nhập, đời sống khó khăn… là tình trạng phổ biến của hầu hết người lao động khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Việc mở rộng phạm vi, đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 không chỉ thể hiện sự bám sát thực tiễn để đưa ra gói hỗ trợ đồng bộ của Chính phủ đến tận tay người nghèo, mà còn thể hiện tính nhân văn của chính sách, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch. Đó cũng chính là thông điệp của một quyết sách hợp lòng dân, có sức mạnh lan tỏa, tạo thêm niềm tin và động lực để chiến thắng dịch COVID-19, thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cả nước có khoảng 13 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trong đó, có trên 557.000 người bị mất việc, 4,1 triệu người phải tạm nghỉ, tạm ngừng việc; 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên... Đặc biệt, đợt dịch thứ 4 này đã xâm nhập và tác động trực tiếp vào các khu công nghiệp và khu chế xuất, làm nghiêm trọng hơn những tác động tiêu cực đến người lao động. Những tác động này khiến tỷ lệ thất nghiệp của người trong độ tuổi lao động (18 - 24 tuổi) ở mức cao, người lao động không có việc làm, không tham gia học tập hoặc đào tạo tiếp tục tăng và không có dấu hiệu dừng. Hầu hết các ngành kinh tế đều ghi nhận mức giảm thu nhập bình quân của người lao động. Đáng chú ý, trong nhóm các đối tượng được nhận gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68, thì đối tượng yếu thế, bị tổn thương nhiều nhất phần lớn là người lao động tự do. Vì thế tiền hỗ trợ dù ít hay nhiều cũng đều cấp thiết, không chỉ là giúp họ vượt qua khó khăn trong cuộc sống, mà còn động viên tinh thần cho những người cứ “ráo mồ hôi là hết tiền”.
Trong bối cảnh như vậy, gói hỗ trợ an sinh xã hội theo Nghị quyết số 68 thực sự là “chiếc phao cứu sinh” mà doanh nghiệp, người lao động mong chờ. Nếu vì lý do nào đấy mà tiền hỗ trợ đến chậm, đến không kịp thời hoặc không đúng đối tượng, chắc chắn sẽ làm giảm ý nghĩa cũng như hiệu quả của một chính sách lớn của Chính phủ về an sinh xã hội.
Gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 chỉ có thể đem lại hiệu quả tích cực, khi được toàn thể cộng đồng xã hội chung tay chia sẻ, đóng góp; phát huy tinh thần "tương thân tương ái", cách thực hiện sáng tạo của từng địa phương nhằm góp phần giảm bớt tác động tiêu cực của dịch bệnh. Điều này không chỉ giúp người lao động và doanh nghiệp có thêm nguồn lực vật chất, mà quan trọng hơn là giá trị tinh thần, tạo động lực để mọi người chung vai chống đỡ để vượt qua đại dịch, tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất, phục hồi nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân.