Sáng ngày 16/01/2019, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 61 tỉnh Hải Dương tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019. Đồng chí Vũ Văn Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Hội nghị
Đồng chí Vũ Văn Sơn đã ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của Hội Nông dân các cấp - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 61trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền; dần khẳng định vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Năm 2018, Hội Nông dân các cấp tiếp tục tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân đảm bảo hiệu quả. Các cấp Hội đã tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội cho 39.307 hộ nông dân vay vốn với tổng số tiền là 2.206,8 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất. Tổ chức cung ứng 6.250 tấn phân bón trả chậm cho nông dân; lựa chọn 3 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh gồm: Củ đậu Kim Thành, Vải thiều Thanh Hà và Nếp cái hoa vàng Kinh Môn để Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục công nhận là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2017; tiến hành bình chọn, giới thiệu ông Lục Văn Nhàn, hội viên nông dân xã Bắc An, thị xã Chí Linh để Trung ương Hội trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2018; ông Đoàn Xuân Cảnh, Tiến sỹ nông nghiệp, Viện cây lương thực và cây thực phẩm tham gia đề cử danh hiệu “Nhà khoa học của nhà nông” năm 2018.
Với vai trò Thường trực của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 61, các cấp Hội Nông dân đã tham mưu cho cấp uỷ Đảng, chính quyền hỗ trợ xây dựng, quản lý và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân. Năm 2018, Uỷ ban Nhân dân tỉnh đã trích ngân sách bổ sung cho Quỹ cấp tỉnh 2 tỷ đồng; 12/12 huyện, thành phố, thị xã trích ngân sách bổ sung cho Quỹ cấp huyện được 1,62 tỷ đồng, 34 cơ sở trích ngân sách bổ sung cho quỹ được 164 triệu đồng; nâng tổng số nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân toàn tỉnh lên 69,9 tỷ đồng, trong đó: Trung ương Hội ủy thác 15,2 tỷ đồng được triển khai ở 27 dự án, quỹ cấp tỉnh 31,3 tỷ đồng thực hiện ở 78 dự án nhóm hộ; cấp huyện 8,3 tỷ đồng, cấp cơ sở 15,1 tỷ đồng. Quỹ được quản lý chặt chẽ theo nguyên tắc, điều lệ, đang giúp cho 3.809 hộ vay phát triển sản xuất, kinh doanh.
Năm 2018, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh chuẩn bị các điều kiện đón tiếp và tổ chức thành công Hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với nông dân Việt Nam với chủ đề “Tháo gỡ khó khăn, khơi dòng động lực, tiếp đà 30 năm đổi mới” được tổ chức tại tỉnh Hải Dương; tham dự hội nghị có Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo Trung ương HND Việt Nam, Chủ tịch HND 63 tỉnh, thành phố, 30 nông dân tiêu biểu toàn quốc và 220 nông dân của 12 huyện (TP, TX) trong tỉnh. Phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, Sở Công Thương, Sở Văn hóa, TT&DL, Sở Nông nghiệp &PTNT vận động cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia Lễ hội vải thiều được tổ chức tại huyện Thanh Hà - Hải Dương năm 2018. Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân Hội Nông dân tỉnh tổ chức 17 hội nghị thông tin tư vấn việc làm, xuất khẩu lao động cho 1.020 người tại 17 xã; thông tin việc làm, xuất khẩu lao động tại trung tâm cho 580 người, giới thiệu 135 người vào làm việc tại các khu, cụm công nghiệp và 35 người đi lao động, du học sinh tại các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan...
Cùng với đó, Hội Nông dân các cấp còn vận động nông dân xây dựng mô hình kinh tế tập thể, nhóm liên kết sản xuất, trong đó Hội Nông dân tỉnh trực tiếp xây dựng và triển khai 2 mô hình “Tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ rau an toàn” tại 2 xã Lê Lợi (Gia Lộc) và Đại Đồng (Tứ Kỳ) với tổng diện tích trồng rau súp lơ là 10 ha, có 66 hộ tham gia; các hộ tham gia mô hình được tập huấn hướng dẫn quy trình sản xuất rau an toàn, được giới thiệu tiêu thụ sản phẩm. Qua triển khai mô hình cho thấy: Mật độ trồng súp lơ trung bình là 1.400 cây/sào, do áp dụng đúng quy trình sản xuất nên tỷ lệ rau súp lơ loại 1 đạt 90% (trồng đại trà đạt 78-80%), giá bán theo hợp đồng đã ký kết với các công ty là 4.000 đồng/cây, trừ chi phí cho lãi từ 2,5-3 triệu đồng/sào (tăng hơn so với trồng đại trà khoảng 500.000đ/sào). Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ kinh phí sản xuất gồm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là 128,84 triệu đồng; ngoài ra các hộ còn được hỗ trợ biển tên mô hình, bao bì, tem nhãn sản phẩm ghi rõ họ tên, địa chỉ người sản xuất nhằm khẳng định chất lượng sản phẩm, từng bước tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Trung tâm Dạy nghề &HTND tỉnh xây dựng 7 mô hình trình diễn sử dụng phân bón NPK Lâm Thao khép kín trên cây ổi, vải, dứa, cam, cà chua, cà rốt và bí xanh tại 7 cơ sở trong tỉnh.
Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thành phố, thị xã và cơ sở tiếp tục xây dựng 349 mô hình kinh tế tập thể, tổ nhóm liên kết phát triển sản xuất; đã có 257 mô hình đem lại hiệu quả và thể hiện rõ sự tác động của Hội, từ việc tổ chức dạy nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các câu lạc bộ, tổ chức tham quan trao đổi kinh nghiệm, cho vay vốn, như: Tổ liên kết nuôi thủy sản xã Long Xuyên (Bình Giang), Tổ liên kết trồng dưa hấu xã Ngọc Liên (Cẩm Giàng), Tổ liên kết sản xuất lúa chất lượng cao thôn I xã Cẩm Sơn (Cẩm Giàng), Tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ vải sớm xã Thanh Bính (Thanh Hà), Tổ liên kết nuôi thủy sản và khai thác rươi cáy thôn Thiệu Tú, xã Vĩnh Lập (Thanh Hà), Tổ liên kết nuôi ba ba gai xã Đại Đồng (Tứ Kỳ), Tổ liên kết trồng măng tây xanh an toàn xã Nam Tân (Nam Sách), Tổ liên kết trồng khoai Ngọc Môn xã Lê Hồng (Thanh Miện), Tổ liên kết trồng ổi theo tiêu chuẩn VietGap xã Hiệp Lực (Ninh Giang)...
Xác định rõ vai trò, vị trí của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, Hội Nông dân tỉnh đã chủ động xây dựng các chương trình, dự án, mô hình và tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan phối hợp tạo điều kiện để Hội Nông dân trực tiếp triển khai thực hiện như: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các ngành, đoàn thể tổ chức dạy nghề, giới thiệu việc làm, tư vấn xuất khẩu lao động và tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về sản xuất rau quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, nâng cao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; tổ chức 7 lớp tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức bảo vệ môi trường nông thôn cho 800 người; xây dựng 4 mô hình “Nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp” tại 4 xã với 320 thành viên, hỗ trợ 8 xe chở rác, 16 thùng chứa rác cho các mô hình; chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thành phố, thị xã xây dựng, duy trì 259 mô hình chi hội nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn; tham gia các hội chợ triển lãm, cung cấp thông tin thị trường; nghiên cứu, xây dựng và thực hiện các đề tài, dự án, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông nghiệp.
Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Ban An toàn giao thông, Bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức 4 lớp tập huấn kiến thức về an toàn giao thông cho 440 người; chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về chủ trương, chính sách BHYT, BHXH của Đảng và Nhà nước; xây dựng 155 mô hình, 102 đại lý thu BHYT, BHXH tự nguyện do Hội Nông dân trực tiếp thực hiện.
Nhằm tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân trong xây dựng nông thôn mới, năm 2018, các cấp Hội đã vận động nông dân đóng góp gần 286 tỷ đồng, gần 750.000 ngày công lao động, hiến trên 568.000 m2 đất ở, đất vườn và đất ruộng; làm mới, sửa chữa gần 247 km đường giao thông nông thôn, kiên cố, sửa chữa 116 km kênh mương nội đồng.
Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Toàn tỉnh đã có 135.532 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi 4 cấp (=70,1% so với đăng ký). Nhiều hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã thành lập các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nông thôn nhằm liên kết, mở rộng quy mô, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, củng cố và phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn. Năm 2018, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh tổ chức thành công Hội nghị tổng kết 3 năm phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, tôn vinh 13 tập thể và 88 hộ nông dân điển hình, giai đoạn 2016 – 2018; chỉ đạo và tổ chức thành công Liên hoan “Tiếng hát đồng quê” tỉnh Hải Dương lần thứ V năm 2018; có 174/259 cơ sở Hội tổ chức liên hoan cấp cơ sở; 12/12 huyện (TP, TX) tổ chức liên hoan cấp huyện. Liên hoan cấp tỉnh có 12 đội của 12 huyện (TP, TX) tham gia với 24 tiết mục; kết quả BTC đã trao giải nhất toàn đoàn cho HND thị xã Chí Linh, 2 giải nhì cho huyện Kim Thành và Kinh Môn; 4 giải ba cho các huyện Tứ Kỳ, Ninh Giang, Thanh Hà và TP. Hải Dương và 5 giải khuyến khích; ngoài ra BTC còn trao 3 giải A, 3 giải B, 4 giải C và 14 giải khuyến khích cho các tiết mục tham dự liên hoan.
Các cấp Hội đã tổ chức thăm hỏi, động viên và tặng 1.755 suất quà cho các đối tượng chính sách, hộ nông dân nghèo trị giá 417,9 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng 19 ngôi nhà "Mái ấm nông dân" cho 19 hộ nông dân nghèo với tổng số tiền hỗ trợ là 900 triệu đồng, trong đó: Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Agribank chi nhánh Hải Dương và chi nhánh Hải Dương II hỗ trợ xây dựng 14 nhà với tổng số tiền hỗ trợ là 700 triệu đồng (50 tr.đ/hộ). Vận động cán bộ Hội, hộ SXKD giỏi đăng ký giúp 5.612 hộ nghèo có địa chỉ, đã có 1.988 hộ thoát nghèo. Hội Nông dân tỉnh phối hợp phối hợp với Công ty cổ phần GreenFeed Việt Nam trao tiền thưởng cho 60 hộ nông dân nghèo tham gia chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” tại 2 huyện Bình Giang và Kim Thành với tổng số tiền 180 triệu đồng (3tr.đ/hộ).
Thực hiện Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg, ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ, Hội Nông dân tỉnh tổ chức tập huấn kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho 720 người thuộc 12 mô hình điểm “Cơ sở Hội tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân” tại 12 huyện (TP, TX); phối hợp với Trung tâm Tư vấn pháp luật nông dân Trung ương Hội tổ chức 4 lớp tập huấn tại thị xã Chí Linh, thành phố Hải Dương, huyện Thanh Hà và Ninh Giang cho 400 cán bộ, hội viên nông dân, tuyên truyền viên, hòa giải viên ở cơ sở. Các cấp Hội đã tham gia tiếp dân được 2.367 buổi với 6.732 lượt người; tham gia hòa giải thành 1.031/1.243 vụ, trong đó có 212/957 vụ do Hội trực tiếp hòa giải thành công, số còn lại do Hội phối hợp hòa giải thành; tham gia giải quyết 314 đơn thư, tiếp nhận và giải quyết 29/49 đơn thư thuộc thẩm quyền của Hội. Phối hợp tổ chức trợ giúp pháp lý được 224 buổi cho 17.052 lượt người dự. Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tiếp tục tổ chức các cuộc giám sát việc chi ngân sách cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cấp huyện và cơ sở.
Thực hiện Quyết định số 235/QĐ-TTg ngày 14/2/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình tại khu vực nông thôn Việt Nam giai đoạn 2015-2020"; Hội Nông dân tỉnh tổ chức 2 lớp tập huấn cho 60 cán bộ cơ sở Hội và Ban quản lý các mô hình; 12 lớp truyền thông cho 1.200 người; thành lập và duy trì hoạt động 46 mô hình truyền thông lồng ghép giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình; biên soạn 750 cuốn tài liệu cung cấp cho các mô hình làm tài liệu sinh hoạt. Phối hợp với Ban Xã hội Trung ương Hội, Chi cục Dân số-KHHGĐ tổ chức 6 lớp truyền thông về phòng chống bạo lực gia đình cho 960 người, 1 hội nghị cung cấp thông tin tuyên truyền kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh cho 65 cán bộ, hội viên nông dân. Tổ chức 3 lớp tập huấn kiến thức phòng chống lao cho 60 người, thành lập và duy trì sinh hoạt 8 mô hình “Nông dân phát hiện sớm người nghi mắc lao, tư vấn hỗ trợ người nghi mắc lao điều trị theo DOTS”.
Về nhiệm vụ năm 2019, đồng chí Phó Bí thư Thường trực, Trưởng Ban Chỉ đạo đề nghị Hội Nông dân - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 61 tỉnh cũng như mỗi thành viên Ban Chỉ đạo cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức chỉ đạo; nâng cao năng lực phối hợp chỉ đạo cho từng thành viên; tổ chức giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các địa phương khác; tăng cường phối hợp, kiểm tra thực hiện các quyết định, kế hoạch; kiến nghị, đề xuất giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 61 và Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ.