Ngày 30/11, Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương thảo luận kết quả thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Năm 2023, Hải Dương đã tổ chức tốt các hội nghị và hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư. Trong ảnh: Đồng chí Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài bên lề Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp FDI vào tháng 5/2023 (ảnh tư liệu)
Đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội
Theo báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương, năm 2023, kết quả kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định, đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện. Hải Dương có 13 trong tổng số 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt và vượt mục tiêu đề ra. Quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP theo giá hiện hành) ước đạt 184.123 tỷ đồng (đứng thứ 11 toàn quốc).
Tăng trưởng kinh tế của tỉnh dự kiến không đạt mục tiêu trên 9% nhưng đạt mức cao, ước đạt khoảng 8,2% (Tổng cục Thống kê ước đạt 8,16%), đứng thứ 13 toàn quốc và đứng thứ 6 trong 11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng.
Tỷ lệ giải ngân cả năm dự kiến đạt trên 95%. Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển/GRDP ước đạt 33,1%, vượt kế hoạch.
Thu hút đầu tư trong năm 2023 đạt 1,136 tỷ USD, tăng 3,1 lần so với năm 2022, cao nhất trong hơn 10 năm trở lại đây, tạo động lực để các dự án đầu tư khu, cụm công nghiệp và các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, dự án đầu tư công của tỉnh đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành để đón dòng vốn đầu tư trong các năm tiếp theo. Toàn tỉnh có 1.805 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký khoảng 15.000 tỷ đồng.
Hải Dương cơ bản thực hiện xong việc lập Quy hoạch tỉnh, hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tiếp tục triển khai công tác lập phương án quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch chung đô thị; điều chỉnh chương trình phát triển đô thị; tỷ lệ đô thị hóa đạt 40,7%.
Trong năm, tỉnh tập trung triển khai 13 dự án trọng điểm thuộc 4 trục giao thông kết nối quan trọng; tiếp nhận 2 khu công nghiệp và đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp.
Lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển. Hoạt động thanh tra, tiếp dân, xử lý khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng đạt nhiều kết quả tích cực. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn xã hội được tăng cường.
Hải Dương cũng đẩy mạnh các hoạt động, hợp tác liên kết, nhất là việc thực hiện hiện các nội dung hợp tác với các tỉnh, thành phố trong vùng. Công tác chỉ đạo điều hành, nội vụ có sự đổi mới, quyết liệt và chuyển biến rõ rệt, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Tiếp tục phấn đấu tăng trưởng kinh tế 9% trở lên
Thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, nguyên nhân chủ quan của những hạn chế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương nhấn mạnh năm 2024 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025.
Trên cơ sở dự báo và căn cứ vào các mục tiêu, chỉ tiêu giai đoạn 2020-2025, Hải Dương đề ra 5 mục tiêu trọng tâm, 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phấn đấu đạt và vượt 15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu, trong đó có 7 chỉ tiêu về kinh tế, 6 chỉ tiêu về xã hội và 2 chỉ tiêu về môi trường.
Cụ thể, về kinh tế: Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 9% trở lên. Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển trên địa bàn so với GRDP đạt 35%. Thu ngân sách nội địa tăng 10% so với dự toán. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi thủy sản đạt 205 triệu đồng. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đạt 16,8%. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 15% so với thực hiện năm 2023. Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 42%.
Về xã hội: Tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ đạt 32,7%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 46,5%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế so với dân số đạt 93,8%. Tỷ lệ trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia là mầm non 70,5%, tiểu học 96,7%, THCS 92%, THPT 75%. Số giường bệnh (không tính các trạm y tế cấp xã) đạt 32,7 giường/vạn dân và 9,8 bác sĩ/vạn dân. Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo cuối năm còn 1,2%.
Về môi trường: 100% số cụm công nghiệp (có chủ đầu tư hạ tầng) có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu; 100% số doanh nghiệp thuộc đối tượng đánh giá tác động môi trường đều được đánh giá ĐTM