Thứ sáu, ngày 29/3/2024

Hải Dương chuyển đổi số từ những phần việc cụ thể, hướng tới người dân

Thứ Ba 04/04/2023 07:17

Xem với cỡ chữ
Đây là nhấn mạnh của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cùng Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương tại buổi làm việc chiều 31.3.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã trả lời gần 20 câu hỏi về thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn Hải Dương
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông và đồng chí Trần Đức Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương phát biểu tại buổi làm việc
Chiều 31.3, Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương làm việc với đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông về triển khai lộ trình chuyển đổi số của tỉnh.

Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông; Trần Đức Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương chủ trì buổi làm việc.

Các đồng chí: Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo một số cục, vụ trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông; đại diện các doanh nghiệp viễn thông: Viettel, VNPT, FPT, MobiFone, VNPost, BKAV, Misa, VTC, IOTLink, VNG; một số sở, ngành, địa phương liên quan cùng làm việc.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng khẳng định Hải Dương sẽ nỗ lực, quyết liệt trong từng phần việc cụ thể để nâng cao hiệu quả chuyển đổi số
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh vai trò người đứng đầu các cấp, các ngành, đơn vị trên lộ trình chuyển đổi số. Bộ trưởng cho rằng Hải Dương cần chủ động trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu số toàn tỉnh, sớm công bố các nhiệm vụ chuyển đổi số cụ thể, chi tiết đối với từng sở, ngành, địa phương. Từng nhiệm vụ cụ thể sẽ nâng cao hiệu quả chuyển đổi số. Từ đó lựa chọn doanh nghiệp công nghệ số phù hợp từng phần việc cụ thể, nhất là trong bối cảnh Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp số. Cần tính toán, lượng hóa phần trị giá tạo ra khi đầu tư cho chuyển đổi số.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số là động lực tăng trưởng chính của nhân loại trong một vài thập kỷ tới, nhất là trong bối cảnh cạn kiệt tài nguyên như hiện nay. Trên môi trường số, con người sẽ sản sinh ra tài nguyên, đó là dữ liệu số và sử dụng tài nguyên này phục vụ các mục tiêu tăng trưởng.

Bộ trưởng yêu cầu Cục Chuyển đổi số quốc gia công bố địa phương làm tốt nhất về chuyển đổi số với tần suất mỗi quý một lần, qua đó tạo thuận lợi cho các địa phương tham khảo. Các doanh nghiệp công nghệ số cần cung cấp sản phẩm với mức giá khuyến mãi để góp phần thúc đẩy chuyển đổi số.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Hiệu phát biểu tại buổi làm việc
Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và đoàn công tác, khẳng định buổi làm việc mang ý nghĩa rất quan trọng, qua đó giải đáp nhiều băn khoăn, vướng mắc của Hải Dương trên lộ trình chuyển đổi số. Khi đã thông, đã hiểu, việc triển khai thực hiện các bước tiếp theo sẽ thuận lợi hơn.

Nhấn mạnh Hải Dương sẽ nỗ lực, quyết liệt trong thực hiện chuyển đổi số, Bí thư Tỉnh ủy cho biết thời gian tới, Hải Dương sẽ định hình rõ từng phần việc cụ thể, tập trung chủ yếu từ nay đến cuối năm 2023, từ đó phối hợp từng doanh nghiệp cụ thể để triển khai. Hải Dương sẵn sàng mở cửa, chào đón các doanh nghiệp công nghệ số tới đầu tư cũng như đồng hành trên lộ trình chuyển đổi số của tỉnh.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông đã trao đổi làm rõ các khái niệm công nghệ thông tin và chuyển đổi số, sự khác biệt; vai trò của tổ công nghệ số cộng đồng.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông quân đội (Viettel) phát biểu tại buổi làm việc
Với bài toán đầu tư phục vụ chuyển đổi số cần tính toán giữa thuê và đầu tư hạ tầng công nghệ. Đối với đầu tư, hệ thống cồng kềnh, trang thiết bị hiện đại sẽ khiến chi phí tăng cao, sau một vài năm có thể mất thêm chi phí nâng cấp, sửa chữa. Với sự thay đổi hằng ngày của công nghệ, việc thuê trang thiết bị phục vụ chuyển đổi số, nhất là phần mềm được đánh giá phù hợp xu hướng...

Tại buổi làm việc, gần 20 câu hỏi được gửi tới đồng chí Bộ trưởng. Về thu hút doanh nghiệp công nghệ số, Bộ trưởng nhấn mạnh Hải Dương cần xây dựng môi trường đầu tư cởi mở, minh bạch, có tính đổi mới, có môi trường số, nhất là dịch vụ công trực tuyến hiệu quả. Hải Dương có thể mời một số doanh nghiệp công nghệ cùng triển khai các sản phẩm, nền tảng số cho tỉnh dùng thử. Từ đó vừa khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, vừa tạo cơ hội để tỉnh sử dụng sản phẩm công nghệ cao.

Về quản lý đô thị thông minh, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng cần lấy người dân làm trung tâm, hướng tới nhu cầu của người dân, người dân phải được hưởng lợi. Công nghệ mang tính hỗ trợ những mục tiêu đó. Cần xây dựng đô thị thông minh từ những nhiệm vụ cụ thể như hệ thống đèn tín hiệu giao thông thông minh, công khai chỉ số môi trường… Từ đó thiết lập nền tảng, sản phẩm, giải pháp số phù hợp.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng tặng tranh Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, khẳng định buổi làm việc mang ý nghĩa rất lớn đối với lộ trình chuyển đổi số của tỉnh
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cùng các thành viên đoàn công tác cũng giải đáp một số vấn đề về số hóa dữ liệu đất đai, địa chỉ số, kết nối hạ tầng dữ liệu giữa hệ thống y tế cấp xã với cấp huyện, chữ ký số, thúc đẩy thương mại điện tử, quảng bá du lịch trên nền tảng số, an toàn thông tin mạng, giải pháp để tỉnh nâng thứ hạng chỉ số chuyển đổi số…

Cũng tại cuộc họp, đại diện các doanh nghiệp mong muốn được tiếp cận nhu cầu về chuyển đổi số của tỉnh như dữ liệu số, hạ tầng số, Đề án 06, phần mềm kế toán, quản trị ngân sách nhà nước, thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa, phần mềm đào tạo kỹ năng số cơ bản, du lịch thông minh… để phối hợp triển khai trên từng phần việc cụ thể.
Theo Báo Hải Dương

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: