Xác định rõ vai trò, vị trí của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, Hội Nông dân tỉnh Hải Dương luôn chủ động xây dựng các chương trình, dự án, mô hình và tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan tạo điều kiện để Hội Nông dân trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm mô hình sản xuất tiên tiến ở Hải Dương trước buổi đối thoại với nông dân năm 2018 (Nguồn Internet)
Năm 2020, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện Dự án khoa học “Xây dựng mô hình sản xuất gà Mía lai Sasso thương phẩm trên địa bàn huyện Thanh Hà” tại xã Tân An và Tân Việt, quy mô 10.000 con/vụ, nuôi 2 vụ/năm, có 10 hộ tham gia. Qua theo dõi, đánh giá tỷ lệ sống của gà đạt 96,5%, khối lượng trung bình trống mái đạt 2,1 kg/con. Gà có mẫu mã đẹp, chất lượng thịt thơm ngon tương tự gà Ri thuần chủng, dễ tiêu thụ, giá bán từ 55.000-60.000 đồng/kg thu lãi trên 20 triệu đồng/1.000 con/vụ.
Phó Chủ tịch Thường trực TW Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn thăm gian trưng bày cà chua sạch truy xuất nguồn gốc bằng quét mã QR trồng tại Chí Linh, Hải Dương
Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tổ chức “Diễn đàn thúc đẩy tiêu thụ nông sản vụ đông, rau gia vị khu vực Đồng bằng sông Hồng và trưng bày, giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ các sản phẩm tiêu biểu của nông dân tỉnh Hải Dương”. Tại diễn đàn có 16 gian hàng giới thiệu, quảng bá trên 150 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của các địa phương trong tỉnh. Phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, các lớp tập huấn kiến thức về sản xuất rau, quả, chăn nuôi, nuôi thủy sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và nâng cao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản cho hội viên nông dân.
Thực hiện Chương trình phối hợp "Chung tay bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hải Dương, giai đoạn 2020-2022, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng 07 mô hình "Nông dân thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình" tại 07 xã, tổ chức tập huấn, hướng dẫn cách phân loại, xử lý rác hữu cơ cho các hộ tham gia mô hình, trao tặng cho mỗi mô hình 10 thùng xử lý rác hữu cơ và 20 kg men vi sinh xử lý rác. Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh phối hợp xây dựng 5 mô hình sử dụng chế phẩm Sumitri để xử lý rơm rạ tại ruộng với quy mô 1 ha/mô hình tại 05 xã.
Hội Nông dân tỉnh đã chủ trì phối hợp với MTTQ tỉnh, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Sở Công thương tổ chức 01 cuộc giám sát việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh vật tư nông nghiệp tại xã Liên Mạc ( huyện Thanh Hà) ; chỉ đạo H ội nông dân cấp huyện và cơ sở tổ chức 22 cuộc giám sát tại 80 hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp . Các cấp Hội đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia tiếp dân được 2.049 buổi với 3.970 lượt người; tham gia hòa giải thành 819/1.021 vụ, trong đó có 138 vụ do Hội trực tiếp hòa giải thành công; tham gia giải quyết 324 đơn thư, tiếp nhận và giải quyết 08 đơn thư thuộc thẩm quyền trực tiếp gửi đến Hội. Phối hợp tổ chức trợ giúp pháp lý được 192 buổi cho 15.916 lượt người dự.
Bước sang năm 2021, Hội Nông dân tỉnh Hải Dương xác định sẽ phối hợp tổ chức từ 1-2 hoạt động cụ thể để tạo điều kiện cho các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tham gia nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo các cấp Hội Nông dân tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình kinh tế sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đổi mới tổ chức sản xuất, gắn sản xuất với thị trường, chuyên canh sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương. Tăng cường tư vấn, giới thiệu các mô hình sản xuất kinh doanh, giúp quảng bá, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đẩy mạnh xây dựng các mô hình chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp tạo tiền đề thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã trong nông nghiệp, nông thôn. Chủ động liên kết với các doanh nghiệp xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; hỗ trợ, hướng dẫn nông dân về trình tự, thủ tục thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã. Tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương có chủ trương, biện pháp đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn.