90 năm trước, vào ngày 20/10/1930, Hội Liên hiệp Phụ nữ phản đế Việt Nam (nay là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) chính thức được thành lập. Để đánh dấu sự kiện quan trọng này, Đảng Cộng sảm Việt Nam quyết định lấy ngày 20/10 hàng năm làm ngày truyền thống của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và tôn vinh phụ nữ Việt Nam, lấy tên là Ngày Phụ nữ Việt Nam.
Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Trong hàng ngàn năm lịch sử đó, phụ nữ Việt Nam luôn giữ một vai trò quan trọng, là những chiến sỹ kiên cường chống giặc ngoại xâm, người lao động cần cù, thông minh, sáng tạo, người nghệ sỹ giữ gìn, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, là những người mẹ, người vợ, người chị dịu hiền, đảm đang, trung hậu, người sản sinh ra những thế hệ anh hùng của dân tộc anh hùng.
Ảnh: Phụ nữ tham gia Cuộc thi ảnh "Phụ nữ Hải Dương - Duyên dáng áo dài"
Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3/2/1930, các tổ chức tiền thân của phụ nữ cũng đã được thành lập với nhiều tên gọi khác nhau như Hội phụ nữ phản đế, Hội phụ nữ cứu quốc, Phụ nữ hiệp hội... Tháng 10/1930, tại Hội nghị Trung ương lần thứ nhất, Đảng đã ra Nghị quyết về công tác vận động phụ nữ. Đây là bản Nghị quyết lịch sử, đánh dấu quá trình hình thành tổ chức Hội đầu tiên của phong trào phụ nữ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Căn cứ vào Nghị quyết về Phụ nữ vận động và Điều lệ Phụ nữ Liên hiệp Hội do Trung ương Đảng đề ra (tháng 10/1930), Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ IV (năm 1974) đã quyết định lấy ngày 20/10/1930 là ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Cùng với sự trưởng thành của Phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Hải Dương đã có những bước phát triển và công hiến to lớn làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang của quê hương, đất nước. Tháng 6 năm 1940, Ban Tỉnh uỷ Hải Dương được thành lập, trong Ban Tỉnh uỷ đầu tiên có đồng chí Chu Thị Kim Sơn là nữ. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ Hải Dương, các nhóm phụ nữ và một số gia đình cơ sở cách mạng được phát triển ở nhiều nơi, trong đó tổ chức Phụ nữ phản đế ở Tạ Xá (Nam Sách) hoạt động tích cực nhất. Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, dưới sự lãnh đạo của ban cán sự Việt Minh tỉnh, hệ thống tổ chức phụ nữ cứu quốc các cấp trong tỉnh dần dần hình thành. Danh sách BCH phụ nữ tỉnh đầu tiên gồm 13 đồng chí do đồng chí Lê Thu làm Bí thư. Cơ quan phụ nữ tỉnh lúc đầu chỉ có từ 2 – 3 người công tác tại cơ quan, còn các đồng chí khác được phân công về phụ trách các huyện và tổ chức cử ra BCH phụ nữ huyện. Đầu năm 1947, Hội LHPN Hải Dương được thành lập. Sau đó, Hội LHPN ở cấp huyện và xã cũng được thành lập.
Dù trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm hay trong lao động sản xuất, phụ nữ Hải Dương sẵn sàng hy sinh hạnh phúc cá nhân, chủ động động viên chồng, con, người thân gia nhập quân đội giết giặc lập công, bảo vệ quê hương, tổ quốc. Đồng thời, luôn làm tròn trách nhiệm của người phụ nữ đối với gia đình, trở thành hậu phương vững chắc cho tiền tuyến và tham gia tự vệ, dân quân du kích như Đội nữ du kích Hoàng Ngân, du kích đường 5, du kích Mạc Thị Bưởi, phong trào “Đòn gánh đánh Tây”,… đã trở thành nỗi ám ảnh đối với quân địch. Có thể nói, dưới sự lãnh đạo của Hội LHPN Việt Nam và Tỉnh ủy Hải Dương, Hội LHPN tỉnh Hải Dương đã tập hợp, đoàn kết mọi tầng lớp phụ nữ trong tỉnh tích cực hưởng ứng và thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Từ phong trào "Hũ gạo kháng chiến", "Ba đảm đang", "Phụ nữ 5 tốt",… đã xuất hiện những nữ anh hùng trong chiến đấu, trong lao động sản xuất và hàng ngàn phụ nữ tiêu biểu trên các lĩnh vực, trở thành những tấm gương sáng và niềm tự hào của các thế hệ phụ nữ Hải Dương.
Khi đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối và sau này là công cuộc đổi mới, cùng với tổ chức Hội trong cả nước, Hội LHPN Hải Dương lại tiếp tục nhanh chóng, khẩn trương đổi mới nội dung, phương thức hoạt động cho phù hợp với nhiệm vụ của giai đoạn cách mạng mới. Những phong trào thi đua “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Lao động sản xuất, tiết kiệm xây dựng cuộc sống mới”,… đã lôi cuốn đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia, làm dấy lên bầu không khí thi đua sôi nổi, hăng say trên khắp các cánh đồng, nhà máy, xí nghiệp, công sở,… và có được những đóng góp hết sức to lớn vào thắng lợi chung của tỉnh nhà trên các mặt trận kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng an ninh.
Năm 1997, tỉnh Hải Dương được tái lập, ngay sau đó, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội nhanh chóng sắp xếp, kiện toàn tổ chức, ổn định tình hình tư tưởng, đẩy mạnh hoạt động của Hội và phong trào phụ nữ toàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Bên cạnh việc sắp xếp bộ máy, phụ nữ Hải Dương tiếp tục ra sức phấn đấu, thi đua, triển khai thực hiện 02 phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, cần kiệm xây dựng đất nước”… cùng các chương trình trọng tâm. Trong giai đoạn này, loại hình câu lạc bộ phụ nữ được thành lập ở 100% Hội LHPN huyện, thị xã và 70% cơ sở Hội đã trở thành một kênh truyền thông hiệu quả của Hội LHPN các cấp trong tỉnh. Làng quê Hải Dương như được thổi một luồng sinh khí mới, khắp nơi vang tiếng hát, tiếng đàn của chị em ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi người phụ nữ Việt Nam, tuyên truyền, giáo dục những kiến thức bổ ích về nuôi dạy con, phòng chống tệ nạn xã hội, vệ sinh môi trường,… Bên cạnh đó, việc khai thác các nguồn vốn tín chấp và xây dựng các “Tổ, nhóm phụ nữ tín dụng tiết kiệm” hoạt động hiệu quả cũng đã khiến cho phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế” của Hội LHPN tỉnh Hải Dương có được dấu ấn đậm nét, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh xuống còn 1,36%.
Những năm gần đây, công tác Hội và phong trào phụ nữ được đặt ra trước những yêu cầu mới trong xu thế phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc" gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", với Chỉ thị 03 về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và Chỉ thị 05 về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" của Bộ Chính trị được mang một tầm vóc mới, yêu cầu cao hơn và thách thức lớn hơn. Phong trào thi đua đã thực sự lan tỏa tại các địa phương, đơn vị, cổ vũ, động viên phụ nữ trên các lĩnh vực thi đua học tập, lao động, công tác. Hàng năm có trên 90% cán bộ, hội viên phụ nữ đăng ký thực hiện 3 tiêu chuẩn của phong trào thi đua, kết quả bình xét có từ 85 - 87% chị đạt danh hiệu phụ nữ tiên tiến.
Ảnh: Xây dựng mô hình đường hoa phụ nữ
Duy trì và phát huy thế mạnh của Hội trong hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Đến nay, các cấp Hội đang quản lý, điều hành nguồn vốn gần 3 tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng cho hơn 60.000 lượt hộ vay sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, xây dựng các công trình vệ sinh, cải tạo nhà ở,... Chỉ tính riêng trong 10 năm gần đây đã có hơn 42.000 lượt hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được giúp đỡ, trong đó gần 20.000 hộ thoát nghèo; xây mới 5888 ngôi nhà Mái ấm tình thương. Đặc biệt, trong chương trình thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, các cấp Hội phụ nữ đã có những đóng góp quan trọng cùng toàn đảng, toàn dân thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới như: Xây dựng mô hình đường hoa phụ nữ tại 221/235 xã, phường, thị trấn trong tỉnh với tổng chiều dài trên 400 km; 922 mô hình “Đoạn đường, dòng sông phụ nữ tự quản”; 242 mô hình chi hội "Phân loại rác từ trong gia đình";…
Bên cạnh việc phát huy vai trò nòng cốt, công tác xây dựng tổ chức Hội ngày càng chú trọng, hướng mạnh về cơ sở. Từ những ngày đầu được thành lập, số cán bộ, hội viên chi hội còn rất ít thì đến nay có 421.298 hội viên, với tổng số 1.334 chi hội thuộc 261 cơ sở Hội. Tỷ lệ cơ sở Hội đạt vững mạnh ngày càng tăng (với 95%), không có cơ sở xếp loại trung bình và yếu.
Phụ nữ Hải Dương hôm nay đã tự tin tiến bước, góp phần tích cực vào việc xây dựng tỉnh Hải Dương tiến bộ, văn minh, giàu mạnh. Tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp ngày càng tăng, nhiệm kỳ sau luôn cao hơn nhiệm kỳ trước. Nhiều chị em phụ nữ đảm nhận các chức vụ lãnh đạo quan trọng trong cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp… đã khẳng định được năng lực, trình độ của mình. Nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy cấp xã là 625/3.083, đạt 20,27%; Tỷ lệ nữ tham gia ban chấp hành huyện là 88/468, đạt 18,8% (tăng 6,5% so với nhiệm kỳ 2015 - 2020).
Với những cống hiến to lớn của mình, nhiều tập thể, cá nhân cán bộ Hội các cấp đã vinh dự được nhận các giải thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương trao tặng. Chỉ tính 5 năm gần đây (2015 - 2020), đã có 1.594 tập thể, 1.698 cá nhân cán bộ, hội viên phụ nữ được các cấp, các ngành khen thưởng; nhiều cá nhân được tặng thưởng kỷ niệm chương vì sự tiến bộ của phụ nữ, danh hiệu chiến sĩ thi đua các cấp. Phong trào phụ nữ tỉnh liên tục đạt xuất sắc, được Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh tặng cờ, Bằng khen, năm 2016 được Chính phủ tặng Bằng khen; năm 2019 được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc và nhiều Bằng khen, giấy khen của các Bộ, ngành Trung ương và tỉnh. Đây là nguồn động viên to lớn để cán bộ, hội viên và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hải Dương vững vàng, tự tin viết tiếp trang sử hào hùng, oanh liệt của quê hương, đất nước trước những thời cơ và vận hội mới.
Phát huy truyền thống vẻ vang trong suốt 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với sự phát triển của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh cùng với phụ nữ Hải Dương sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực, sáng tạo, gặt hái thêm nhiều thành công trên chặng đường mới, góp phần xây dựng tỉnh Hải Dương ngày càng giàu mạnh, văn minh./.