Các cấp Hội Nông dân tỉnh Hải Dương luôn chú trọng, đẩy mạnh việc xây dựng quỹ hội, quỹ hỗ trợ nông dân và các hoạt động dạy nghề, hỗ trợ nông dân, xây dựng các tổ nhóm liên kết, mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác, hợp tác xã, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh
Đ/c Phạm Thị Thanh Tâm, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh phát biểu kết luận tại Hội nghị sơ kết hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân 6 tháng đầu năm 2020
Tính đến tháng 6/2020, tổng số nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân toàn tỉnh là 80.236,6 triệu đồng, tăng 2.835,4 triệu đồng so với cuối năm 2019; trong đó: Trung ương Hội ủy thác 16,0 tỷ đồng được triển khai ở 28 dự án; quỹ cấp tỉnh 35,47 tỷ đồng (tăng 2.000 triệu đồng) thực hiện ở 88 nhóm hộ; cấp huyện 10.618,9 triệu đồng (tăng 247,4 triệu đồng); cấp cơ sở 18.147,7 triệu đồng (tăng 588,1 triệu đồng). Có 4 đơn vị quỹ hỗ trợ nông dân cấp huyện đạt trên 1 tỷ đồng gồm: Chí Linh 1.144,4 triệu đồng, Thanh Hà 1.100 triệu đồng; Nam Sách 1.047,0 triệu đồng, Bình Giang 1.032,0 triệu đồng; Một số cơ sở có quỹ hỗ trợ nông dân cao như: TT Gia Lộc (Gia Lộc) 236,0 triệu đồng; Yết Kiêu (Gia Lộc) 209,7 triệu đồng; Tân Hương (Ninh Giang) 201,5 triệu đồng, Tân Quang (Ninh Giang) 180,2 triệu đồng... Quỹ được quản lý chặt chẽ theo nguyên tắc, điều lệ, đang giúp cho 3.460 hộ vay phát triển sản xuất, kinh doanh. Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm (DA 120) đang được đầu tư cho 68 hộ vay ở 4 dự án tại 4 huyện, thành phố với tổng số tiền là 2,015 tỷ đồng; các hộ vay vốn đang phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Hoạt động phối hợp với các Ngân hàng tạo điều kiện cho hội viên nông dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh được các cấp Hội tiếp tục quan tâm, tổng dư nợ đến tháng 6/2020 là 2.376 tỷ đồng cho 36.374 hộ hội viên nông dân vay vốn; trong đó, dư nợ Ngân hàng CSXH là 1.002,8 tỷ đồng cho 25.911 hộ vay, dư nợ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 1.373,2 tỷ đồng cho 10.463 hộ vay.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, các cấp Hội đã tổ chức 13 lớp dạy nghề cho 455 lao động nông thôn; chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các ngành chức năng, các công ty, doanh nghiệp có uy tín tổ chức được 350 buổi tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT cho 24.388 lượt hội viên tham dự; cung ứng 2.395 tấn phân bón Lâm Thao, Văn Điển, Ninh Bình, Phú Mỹ, Hà Anh chậm trả cho nông dân.
Ngoài ra các cấp Hội còn tuyên truyền, vận động hội viên nông dân sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGap, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm; phối hợp ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng chỉ dẫn địa lý trong quảng bá sản phẩm nông sản như: táo, cà chua Nhân Huệ (Chí Linh); gạo bắc thơm (Bình Giang, Thanh Miện); ổi, rau sạch Liên Mạc (Thanh Hà)...