Thứ sáu, ngày 19/4/2024

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hải Dương thực hiện 10 năm Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới

Thứ Tư 10/06/2020 16:32

Xem với cỡ chữ
Sau 10 năm triển khai, thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, các cấp Hội Phụ nữ trong toàn tỉnh đạt được kết quả khá tích cực trên các mục tiêu mà Chiến lược đề ra. Các chính sách, pháp luật về bình đẳng giới trên địa bàn từng bước đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao nhận thức xã hội về vai trò, vị trí của phụ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

Ảnh: Cán bộ nữ tham gia cấp ủy, HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021

Thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, những năm qua sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo ngày càng tăng, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp nhìn chung có xu hướng phát triển, nhiệm kỳ sau cao hơn nhiệm kỳ trước. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng nhiệm kỳ 2015-2020 ở cấp tỉnh 14,81% (tăng 0,41%), cấp cơ sở là 15,8% (tăng 2,4%). Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia Đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 (Đại biểu Quốc hội là 33,3% tăng 11,1%, Đại biểu HĐND tỉnh là 26,56% tăng 6,25%, Đại biểu HĐND cấp huyện là 27,25% tăng 4,85%, Đại biểu HĐND cấp xã là 23,82% tăng 1,08%). Tỷ lệ đảng viên nữ chiếm 31% tăng 2% nhiệm kỳ trước. Từ năm 2011 - 2019, Hội đã giới thiệu cho Đảng kết nạp được 4.338 đảng viên nữ. Đến nay, 100% cán bộ Hội Phụ nữ chuyên trách các cấp trong tỉnh đều được đi đào tạo, bồi dưỡng và đạt chuẩn chức danh theo quy định.

Được sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền, Hội Phụ nữ các cấp đã tổ chức nhiều hoạt động giúp hội viên, phụ nữ nâng cao vị thế trong gia đình cũng như xã hội như: hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, hỗ trợ phụ nữ trong hoạt động nâng cao kiến thức mọi mặt, nâng cao sức khỏe...

Hằng năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã phối hợp với các ngành liên quan, quan tâm, khai thác, hỗ trợ vốn cho đối tượng phụ nữ nghèo, phụ nữ khó khăn, thiếu vốn sản xuất, kinh doanh thông qua nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội, chương trình quốc gia xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, các nguồn viện trợ của các tổ chức quốc tế... từng bước tạo điều kiện cho phụ nữ được bình đẳng, tiếp cận các nguồn lực kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh. Tính đến tháng 12/2019, các cấp Hội đã quản lý trên 2.857 tỷ đồng cho trên 67.000 hộ phụ nữ vay phát triển kinh tế gia đình. Hiện có trên 10.000 hộ gia đình phụ nữ nghèo được Hội giúp thoát nghèo. Vận động trên 100.000 lượt phụ nữ giúp trên 140.000 lượt hộ phụ nữ nghèo bằng tiền, lương thực, vật tư, phân bón, ngày công… trị giá  85 tỷ đồng. Có trên 1.500.000 ngàn lượt phụ nữ tham gia các lớp về chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới. Phối hợp với các Trung tâm, đặc biệt là Trung tâm Dịch vụ việc làm 8/3 của Hội tổ chức được trên 950 lớp dạy nghề cho 58.000 phụ nữ và tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 40.000 phụ nữ.

Ảnh: Lớp tập huấn kiến thức phòng chống xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em và hoạt động tín dụng đen tại huyện Gia Lộc

Những năm qua, Hội LHPN các cấp phối hợp với các ngành, đoàn thể tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức về sức khoẻ, sinh sản, phòng chống bệnh lao, tệ nạn xã hội, HIV/AIDS, nước sạch, vệ sinh môi trường đến chị em phụ nữ cơ sở, giúp chị em nâng cao nhận thức, hiểu biết để thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe cho các thành viên trong gia đình và bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, nâng cao nhận thức về bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Trong 10 năm, các cấp Hội Phụ nữ đã kết hợp với Trung tâm y tế các huyện, thành phố, thị xã khám bệnh cho gần 900.000 lượt phụ nữ và tư vấn cho trên 500.000 lượt chị em sử dụng các biện pháp tránh thai. Hầu hết chị em đều đã được tiếp cận các dịch vụ y tế. Hội đã vận động 100% phụ nữ có thai và các gia đình có trẻ em dưới 5 tuổi đi tiêm phòng đủ mũi, đúng lịch. Tỷ lệ phụ nữ khám thai đủ 3 lần trong thời kỳ mang thai và sinh đẻ tại cơ sở y tế đạt 99%. Tổ chức được trên 1600 buổi tuyên truyền, lớp tập huấn về kiến thức giới, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình cho 98.868  lượt cán bộ, hội viên phụ nữ tham dự; gắn tuyên truyền Luật Bình đẳng giới với Hội thi, giao lưu, sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt chi, tổ phụ nữ. Có 35 hội thi, 42 cuộc liên hoan và hàng trăm buổi giao lưu, sinh hoạt câu lạc bộ có nội dung tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới thu hút trên 45.000 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ và các thành viên trong gia đình tham gia.

Để bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hóa thông tin, 10 năm qua các cấp Hội tổ chức 3700 buổi tuyên truyền về chính sách, luật pháp cho trên 400.000 lượt phụ nữ tham dự. Phong trào đọc sách được phát động trong toàn thể cán bộ, hội viên, phụ nữ. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn đã xây dựng được tủ sách, ngăn sách báo riêng của Hội Phụ nữ; 231 xã, phường, thị trấn có Báo Phụ nữ Việt Nam, 226 cơ sở có Báo Hải Dương; duy trì Chuyên mục Phụ nữ và cuộc sống trên sóng truyền hình tỉnh hàng tháng. Xây dựng website, phát hành bản tin Phụ nữ Hải Dương hàng quý và các ấn phẩm tuyên truyền của địa phương, của Hội và đặc biệt là sử dụng hiệu quả kênh tuyên truyền trên mạng xã hội để lan tỏa thông tin rộng khắp đến các nhóm hội viên, phụ nữ.

Ảnh: Đồng chí Vũ Thị Thủy, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh trao giải nhất tại Ngày hội gia đình hạnh phúc lần thứ V

Ngoài ra, nhân ngày gia đình Việt Nam (28/6) hàng năm, các cấp Hội đã tổ chức nhiều hoạt động như: Tọa đàm về phòng chống bạo lực trong gia đình; tổ chức Ngày hội gia đình hạnh phúc với nhiều chủ đề khác nhau hàng năm cho các gia đình tham gia; tổ chức Hội thi "Mâm cơm gia đình - ấm áp yêu thương". Thường xuyên tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ "Gia đình hạnh phúc" thu hút sự tham gia của các cặp vợ chồng. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 1.272 câu lạc bộ "Gia đình hạnh phúc", "Mẹ chồng nàng dâu", "Gia đình 5 không, 3 sạch", câu lạc bộ "Nuôi dạy con tốt"... Thông qua các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, các cặp vợ chồng đã có những thay đổi trong nhận thức về ý thức, trách nhiệm, về phân công lao động của mỗi thành viên trong gia đình trên tinh thần bình đẳng với nhau, bàn bạc và lựa chọn sử dụng biện pháp kế hoạch hóa gia đình phù hợp; con trai, con gái trong gia đình đều được yêu thương, quan tâm, chăm sóc bình đẳng như nhau; từng bước xác lập mối quan hệ bình đẳng trong ứng xử vợ - chồng, chia sẻ công việc gia đình…

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Trung ương Hội, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch", trong đó có tiêu chí gia đình không có bạo lực. Hàng năm, các cấp Hội trong tỉnh hỗ trợ, giúp đỡ được từ 1200 - 1300 gia đình đạt 8 tiêu chí 5 không 3 sạch.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bình đẳng giới vẫn còn một số hạn chế. Tỷ lệ nữ giới làm công tác quản lý, lãnh đạo vẫn còn thấp so với các vị trí quản lý, lãnh đạo nói chung, so với sự gia tăng của lực lượng lao động nữ nói riêng và không đồng đều giữa các địa phương, đơn vị, vùng miền. Vẫn còn sự chênh lệch thu nhập giữa nam và nữ ở cùng một vị trí công việc, cơ hội để phụ nữ tiếp cận những việc làm có thu nhập cao vẫn thấp hơn so với nam giới, lao động nữ chưa được đánh giá cao như lao động nam, là đối tượng dễ bị rủi ro và tổn thương hơn khi doanh nghiệp có nhu cầu cắt giảm nhân lực. Đặc biệt là hiện nay, thu nhập bình quân của lao động nữ luôn thấp hơn nam giới. Trên thực tế vẫn còn tư tưởng trọng nam khinh nữ trong quá trình sinh con, nuôi con, chăm sóc con cái, kế hoạch hóa gia đình. Mặt khác, phụ nữ còn gặp phải những vấn đề khác như bạo lực gia đình, nạn nhân của buôn bán người, bóc lột lao động, xâm hại tình dục; phụ nữ vẫn là người làm việc nhà chính trong gia đình.

Trong thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh xác định tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới đối với người đứng đầu trong các cấp, các ngành, các cơ quan, doanh nghiệp, trong từng gia đình, toàn xã hội và chính bản thân người phụ nữ. Có chế tài xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không tốt luật pháp, chính sách về bình đẳng giới, đồng thời kịp thời phát hiện, tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các cấp, các ngành. Lồng ghép công tác bình đẳng giới vào nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị và chương trình phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương. Hoàn thiện, bổ sung sửa đổi hệ thống luật pháp, chính sách về bình đẳng giới cho phù hợp và có sự thống nhất giữa các văn bản. Tiếp tục có các chính sách cụ thể hỗ trợ, động viên, khuyến khích để phụ nữ khắc phục khó khăn trong cuộc sống, công tác, học tập… để thực hiện bình đẳng giới.  

Thuỳ Linh

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: