Thứ hai, ngày 28/10/2024

Hải Dương: Giảm 172 đơn vị sự nghiệp công lập

Thứ Năm 15/08/2024 15:12

Xem với cỡ chữ
Từ năm 2017 đến nay, tỉnh Hải Dương đã thực hiện giảm 172 đơn vị sự nghiệp công lập (từ 1.121 đơn vị còn 949 đơn vị) đạt tỷ lệ 15,3%.

Ảnh minh họa

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; tỉnh Hải Dương đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện thành công mục tiêu tổng quát, các mục tiêu cụ thể, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết số 19-NQ/TW bảo đảm theo quy định và phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.

Theo báo cáo của Ban cán sự đảng UBND tỉnh, trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã thực hiện giảm 172 đơn vị sự nghiệp công lập (từ 1.121 đơn vị còn 949 đơn vị) đạt tỷ lệ 15,3%. Về cơ chế tài chính, chuyển đổi mô hình đối với các đơn vị sự nghiệp đã thực hiện lộ trình cắt giảm chi phí cho các đơn vị sự nghiệp công lập với số đơn vị đảm bảo chi thường xuyên tăng 35 đơn vị (từ 20 đơn vị lên 55 đơn vị); số đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên và đơn vị do ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên giảm 149 đơn vị (từ 1.042 đơn vị còn 893 đơn vị); đã thực hiện chuyển đổi mô hình từ đơn vị sự nghiệp công lập thành doanh nghiệp đối với 5 đơn vị. Số biên chế giảm giai đoạn 2015 - 2024 là 5.657 biên chế đạt 16,35%. Qua việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ viên chức đã góp phần đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị sự nghiệp đảm bảo hoạt động hiệu lực hiệu quả.

Tuy nhiên, việc thực hiện chuyển đổi đơn vị sự nghiệp sang cơ chế tự chủ còn hạn chế do quy định về định mức kinh tế kỹ thuật đối với những hoạt động sự nghiệp dịch vụ công của một số bộ ngành Trung ương chưa kịp thời, cơ chế đánh giá, giám sát, kiểm định chất lượng dịch vụ công chậm thực hiện. Việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo làm tăng quy mô số lượng lớp ảnh hưởng tới tiêu chí trường chuẩn. Việc giảng dạy của một số giáo viên bộ môn gặp khó khăn do phải đi lại giữa 2 điểm trường;...

Theo Kế hoạch số 2875/KH-UBND ngày 24/7/2024, với mục tiêu, đến năm 2025, phấn đấu giảm tối thiểu 4,7% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2023 (tương đương với 52 đơn vị); phấn đấu có tối thiếu 20% đơn vị tự chủ tài chính; 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện hoàn thành chuyển đổi thành công ty cổ phần. Tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016 - 2020. Đối với biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước, thực hiện theo lộ trình kế hoạch tinh giản đã được UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3580/KH-UBND.

Đến năm 2030, tiếp tục thực hiện việc giảm đầu mối, phấn đấu chỉ còn các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và các đơn vị cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu; giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2025; giảm bình quân 15% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2021-2025.

Do đó, cần phải xác định rõ lộ trình, nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện Nghị quyết 38/NQ-CP ngày 02/4/2024 và Kế hoạch số 206-KH/TU ngày 01/4/2024 về việc Kết luận số 62-KL/TW, ngày 02/10/2023 của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Việc sắp xếp, kiện toàn phải đảm bảo nguyên tắc không được làm tăng thêm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền giao; việc thành lập mới đơn vị sự nghiệp phải thực hiện đúng nguyên tắc đơn vị sự nghiệp phải tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư (trừ trường hợp thành lập mới để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu)....

VPTU

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: