Ngày 19/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký quyết định số 1639/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Quy hoạch, đến năm 2030 Hải Dương là tỉnh công nghiệp hiện đại , trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, có quy mô nền kinh tế lớn trong cả nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; hệ thống đô thị phát triển xanh, thông minh, hiện đại, giàu bản sắc; đạt một số tiêu chí cơ bản của thành phố trực thuộc trung ương. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khoảng 9,5%/năm.
Tầm nhìn đến năm 2050, Hải Dương đạt tiêu chí của thành phố trực thuộc trung ương; thành phố hiện đại, xanh, thông minh, an ninh, an toàn, bền vững, hội nhập quốc tế sâu rộng, giàu bản sắc văn hóa xứ Đông và là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng. Phát triển công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao phục vụ các hoạt động sản xuất trên địa bàn và toàn vùng; phát triển kinh tế nông nghiệp đa giá trị tạo sự ổn định cho nền kinh tế.
Các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển
Các nhiệm vụ trọng tâm: Giải quyết hợp lý, hài hòa các mâu thuẫn, xung đột có tính chất liên ngành, liên tỉnh thông qua việc đánh giá thực trạng phát triển và tích hợp các định hướng phát triển của các ngành, lĩnh vực, địa phương; Thực hiện chuyển đổi số toàn diện, tổng thể vào các hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh; lấy kinh tế số là yếu tố quan trọng trong mọi lĩnh vực. Đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, tập trung đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt cho các ngành kỹ thuật cơ khí, điện tử, logistics, y tế, giáo dục…; chú trọng hoạt động của các cơ sở đào tạo gắn với nhu cầu của người sử dụng lao động; Ban hành các cơ chế chính sách, giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; các cơ chế chính sách phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; Huy động nguồn lực, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư trong phát triển các kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là hạ tầng mang tính liên kết nội tỉnh và liên kết vùng nhanh, thuận lợi và hạ tầng công nghệ thông tin, khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số, chính quyền số; Xây dựng Hải Dương thành trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng; phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; phát triển dịch vụ chất lượng cao phục vụ các hoạt động sản xuất trên địa bàn tỉnh và hướng tới cho toàn vùng đồng bằng sông Hồng. Phát triển đô thị theo hướng xanh, hiện đại, thông minh, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Các đột phá phát triển: Tập trung phát triển năm trụ cột chính bao gồm: Công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ; Dịch vụ chất lượng cao; Đô thị xanh, hiện đại, thông minh; Nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; Bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Xây dựng ba nền tảng hỗ trợ: Văn hóa và con người xứ Đông - phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch; Kinh tế số, khoa học công nghệ, hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Hình thành bốn trục phát triển không gian: Trục phát triển Bắc - Nam; Trục phát triển theo hướng Đông Tây đi qua khu vực phía Bắc của tỉnh; Trục phát triển Đông - Tây trung tâm tỉnh; Trục phát triển kinh tế dọc các tuyến sông.
Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ được UBND tỉnh Hải Dương dự kiến công bố vào ngày 28/12 tới.
Xem chi tiết tại file đính kèm: Quyết định 1639 ; Phụ lục Quyết định 1639