Thứ sáu, ngày 3/5/2024

Vận dụng tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào công tác xây dựng đội ngũ cán bộ tỉnh Hải Dương

Thứ Ba 14/11/2023 08:10

Xem với cỡ chữ
Đó là nội dung bài tham luận của đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hải Dương tại Hội thảo khoa học cấp tỉnh về giá trị tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và ý nghĩa trong việc nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị tại Trường Chính trị tỉnh hiện nay

Ban chủ trì Hội thảo

Theo đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, để vận dụng quan điểm, kinh nghiệm đúc rút từ thực tiễn đấu tranh phòng chống tham nhũng trong tác phẩm của Tổng Bí thư vào công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đồng thời, góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, trước hết phải xây dựng, ban hành hệ thống các văn bản quy định, hướng dẫn mang tính bắt buộc trong thực hiện về công tác cán bộ.

Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời sửa đổi, ban hành khá đầy đủ, hệ thống các văn bản quy định, hướng dẫn ... chỉ đạo về công tác cán bộ đảm bảo nguyên tắc, quy định, hướng dẫn của Trung ương; đảm bảo đồng bộ, triển khai thực hiện thống nhất trong toàn tỉnh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm quy định của Trung ương về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Yêu cầu cán bộ, đảng viên, các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm và có liên quan trong công tác cán bộ phải nhận diện rõ 8 hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn; 6 hành vi chạy chức, chạy quyền và 5 hành vi tiêu cực khác. Đồng thời, cần xác định việc nâng cao nhận thức về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, không thể triển khai làm một lần là xong, đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, yêu cầu mỗi cấp ủy đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị phải có chỉ đạo, thực hiện kiên quyết, kiên trì tạo chuyển biến mạnh mẽ việc kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Sơn cho rằng: để tiếp tục công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ hiệu quả, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản sau:

1. Quán triệt quan điểm, nhận thức mới về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín đáp ứng được yêu cầu trong thời kỳ mới. Trước hết các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, cơ quan, đơn vị tăng cường trách nhiệm, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quy định, hướng dẫn về công tác cán bộ của Trung ương, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy hiện nay. Chỉ đạo, thực hiện có sự chuyển biến rõ nét các nhiệm vụ giải pháp về: (1) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tổ chức, cán bộ; (2) Tăng cường quản lý, giáo dục, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, phong cách, lối sống, đề cao trách nhiệm nêu gương cho đội ngũ cán bộ; (3) Đổi mới nâng cao chất lượng cán bộ; (4) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cán bộ và công tác cán bộ.

2. Trong các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, trọng tâm một số giải pháp có tính đột phá:

(1) Đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả.

(2) Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất về công tác cán bộ; xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Triển khai, thực hiện nghiêm túc Quy định số 711- QĐ/TU, ngày 23/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý sau khi bị kỷ luật; Chỉ đạo, thực hiện tốt Quy định số 114- QĐ/TW, ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Trong đó phải quán triệt kỹ, nhận diện các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; kiểm soát quyền lực phải gắn với xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan, xử lý vi phạm theo quy định.

(3) Tiếp tục t hực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh bố trí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; bố trí bí thư cấp ủy hoặc chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn không phải là người địa phương.

(4) Triển khai thực hiện tốt các quy định, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh ở các cấp ủy đảng, phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội đối với nội dung giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.

Phạm Thị Hoài, VPTU (Nguồn Kỷ yếu Hội thảo khoa học- Trường Chính trị tỉnh)

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: