Sáng ngày 10/5/2022, Huyện ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ Việt Nam huyện Thanh Hà đã long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Thanh Hà đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Đồng chí Lê Văn Hiệu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Triệu Thế Hùng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự và chúc mừng.
Ngày 22/11/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1961/QĐ-TTg công nhân huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Sau gần 10 năm, huyện Thanh Hà đã huy động trên 1.654 tỷ đồng để đầu tư xây dựng nông thôn mới. Huyện đã đánh thức được những tiềm năng, lợi thế và tạo ra giá trị riêng của địa phương. Trong đó, nổi bật là sản xuất nông nghiệp hàng hóa với các loại cây ăn quả chủ lực gắn với bao tiêu sản phẩm và cơ sở hạ tầng được xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, đời sống dân sinh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng tăng lên 47,3%, thương mại - dịch vụ tăng lên 28,8%, nông nghiệp giảm còn 23,9%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,27 % năm 2011 xuống còn 1,59% năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 tăng 37,7 triệu đồng so với năm 2011 lên mức 54,1 triệu đồng và đến hết năm 2021 đạt 59,1 triệu đồng. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Triệu Thế Hùng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh
trao bằng công nhận huyện Thanh Hà đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, đồng chí Triệu Thế Hùng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng đồng thời ghi nhận quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thanh Hà trong việc phát huy tối đa mọi nguồn lực thực hiện hiệu quả phong trào xây dựng nông thôn mới trong điều kiện xuất phát điểm còn gặp nhiều khó khăn.
Trong thời gian tới, đồng chí đề nghị huyện tiếp tục quán triệt quan điểm "xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc", đầu tư xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, theo hướng nâng cao chất lượng các tiêu chí; quan tâm xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Xác định rõ tiến độ, nguồn lực và trách nhiệm cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Đồng chí đề nghị Thanh Hà tập trung phát triển kinh tế toàn diện trên cơ sở tiếp tục khai thác tối đa thế mạnh của địa phương để tạo giá trị khác biệt; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Để xây dựng thôn thôn mới theo hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh" theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; huyện cần làm tốt công tác quy hoạch, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, áp dụng khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất theo hướng tăng cường liên kết bền vững, tạo giá trị kinh tế cao đồng thời giữ vững và phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc sản của Thanh Hà như quả vải, ổi, bưởi, rươi, cáy,... Mở rộng quy mô sản xuất, khai thác hiệu quả quỹ đất nhằm phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Chú trọng cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư có hàm lượng công nghệ cao. Phát triển dịch vụ chất lượng cao, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, các di tích lịch sử, văn hóa.
Quan tâm xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) và Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Có giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ, chất lượng cấp ủy viên, chất lượng đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường đoàn kết, dân chủ, đổi mới sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, lựa chọn đúng, trúng, thực hiện hiệu quả các khâu đột phá.