Thứ sáu, ngày 19/4/2024

Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 37

Thứ Sáu 17/09/2021 10:10

Xem với cỡ chữ
Sáng ngày 17/9/2021, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 37. Dự hội nghị có đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, các ngành chức năng của tỉnh. Hội nghị được kết nối trực tuyến tại 12 điểm cầu cấp huyện.

 

Toàn cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo tình hình quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản và đề xuất ban hành Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Qua nghe báo cáo và các ý kiến tham gia của các sở, ngành, đơn vị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng nhấn mạnh việc cần thiết ban hành Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản trên địa bàn tỉnh" nhằm tiếp tục nâng cao sự lãnh đạo của cấp uỷ các cấp với công tác quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản, chấn chỉnh tình trạng sử dụng đất đai chưa hiệu quả.  Đồng chí yêu cầu việc ban hành chỉ thị trên cơ sở cụ thể hóa chỉ thị Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh XVII. Đồng thời, cần tập trung làm sáng tỏ các vấn đề để quản lý đất đai, khoáng sản cho chặt chẽ, để sử dụng đất đai, khoáng sản tiết kiệm, hiệu quả, thông minh. Bổ sung, làm rõ những hạn chế, nguyên nhân gây hạn chế, sự thiếu đồng bộ trong phối hợp thực hiện luật pháp trong quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản, đất đai… Các nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần "5 rõ", nêu rõ chủ thể thực hiện, giao rõ trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền gắn với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Bổ sung giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật về đất đai trong các tầng lớp nhân dân. Nâng cao chất lượng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai, đảm bảo kịp thời và chính xác; cụ thể hóa trong hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính.

Giao Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh ủy, Sở Nội vụ phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường tham mưu xây dựng, ban hành quy định về xử lý vi phạm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra vi phạm về đất đai, khoáng sản trên địa bàn. Xác định rõ trách nhiệm của các cấp, đặc biệt vai trò của người đứng đầu liên quan đến những vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai. Nâng cao chất lượng việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, để đảm bảo đồng bộ và có tính khả thi cao. Giao UBND tỉnh đánh giá lại toàn bộ tình hình khai thác, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản; rà soát, giảm thời gian đáng kể cho các thủ tục hành chính về đất; tổng hợp các vướng mắc đang tồn tại, có giải pháp tiếp tục tháo gỡ. Tăng cường ứng dụng chuyển đổi số để lập quy hoạch về đất đai, hoàn thành cơ sở dữ liệu, đồng bộ với các quy hoạch khác, công khai cho nhân dân và doanh nghiệp nắm được.

Về khai thác nguồn lực, cần thống nhất quan điểm thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất chủ yếu thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật đối với các dự án xây dựng khu đô thị, khu dân cư. Tập trung rà soát, đánh giá, xử lý các vi phạm, tồn tại về đất đai theo hướng phân cấp mạnh tới từng cấp, từng địa phương.

Về khoáng sản phải rà soát lại toàn bộ các nguồn khoáng sản, có đánh giá cụ thể về thăm dò, khai thác, kinh doanh, vận chuyển, thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với lĩnh vực kinh doanh khoáng sản. Trước mắt, Thành phố Chí Linh, thị xã Kinh Môn cần quy hoạch rõ các vùng khoáng sản, vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ xây dựng, vùng phải bảo vệ vĩnh viễn, chỉ cho khai thác ở những nơi phù hợp. Tăng cường chức năng kiểm tra, giám sát, phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể, nhân dân, cơ quan kiểm tra các cấp, tận dụng ưu thế của công nghệ  trong giám sát, phát hiện, phòng ngừa vi phạm. Đặc biệt, yêu cầu Chỉ thị cần bổ sung giải pháp về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, luân chuyển và xử lý nghiêm cán bộ nhũng nhiễu trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường..

Đối với nội dung về công tác kết nạp đảng viên giai đoạn 2016-2020 và dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh công tác kết nạp đảng viên trong giai đoạn mới do Ban Tổ chức Tỉnh ủy báo cáo, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu tiếp tục tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo theo hướng tập trung vào các giải pháp trọng tâm, mang tầm dài hơi; cần tiếp thu tinh thần, chỉ đạo văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Công tác phát triển đảng viên cần hướng mạnh vào các nhóm đối tượng là thanh niên công nhân; học sinh, sinh viên; thành niên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương, chủ doanh nghiệp…

Sớm kiện toàn Ban Chỉ đạo phát triển đảng trong các thành phần kinh tế và các trường học của tỉnh, do đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy là Trưởng Ban chỉ đạo. Giao Đoàn thanh niên các cấp đóng vai trò chính tham mưu chính, phối hợp với các tổ chức đảng để phát triển đảng trong thanh niên; xây dựng riêng chương trình phát triển đảng trong thanh niên đề ra các hoạt động cụ thể, sinh động nhằm phát hiện, bồi dưỡng, kết nạp đảng viên. Cần kết nạp sớm một số thanh niên, cán bộ, sinh viên, nhân viên y tế tiêu biểu vừa tình nguyện tham gia phòng, chống dịch Covid-19 để kịp thời biểu dương. Tiếp tục thực hiện giao chỉ tiêu kết nạp Đảng cho các cấp, các địa phương. Gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy với chất lượng kết nạp đảng viên...

Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy còn cho ý kiến về dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo đại hội đoàn các cấp và Đại hội đại biểu Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Hải Dương nhiệm kỳ 2022-2027./.

Văn phòng Tỉnh ủy

CÁC BÀI VIẾT KHÁC: