Thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW, ngày 25/02/2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, Quyết định số 139-QĐ/TU ngày 15/3/2011 về ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Hải Dương, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hải Dương đã ban hành Quyết định số 139-QĐ/TU, ngày 15/3/2011 về ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Hải Dương. Sau 10 năm thực hiện Quy chế, nhận thức về công tác dân vận của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh được nâng lên; công tác dân vận được chú trọng và chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Xác định công tác dân vận là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, trong những năm qua, các cấp ủy đảng trong tỉnh đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt việc triển khai thực hiện Quy chế công tác dân vận; tăng cường chỉ đạo các cấp ủy phổ biến, quán triệt Quy chế sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Hàng năm, cấp uỷ các cấp đều ban hành các chỉ thị, nghị quyết, thông báo, chương trình công tác năm để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân vận: Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc (khóa XI) về công tác dân vận; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy của Ban Dân vận cùng cấp. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ của Ban Dân vận, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội có năng lực, phẩm chất đạo đức đảm nhận các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Ban Dân vận, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; 12/12 đơn vị cấp huyện phân công đồng chí phó bí thư thường trực phụ trách công tác dân vận; 100% đơn vị cấp xã bố trí đồng chí phó bí thư thường trực đảng ủy làm trưởng khối dân vận. Hiện nay, có 11/12 đồng chí Trưởng Ban Dân vận huyện ủy, thị uỷ, thành uỷ là Ủy viên ban thường vụ cấp uỷ; sau Đại hội Mặt trận Tổ quốc cấp huyện, đã có 9/12 huyện, thành phố thực hiện mô hình Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc. Chỉ đạo thực hiện nghiêm Quy chế tiếp xúc đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân; quan tâm chỉ đạo, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của nhân dân sau tiếp xúc đối thoại. Từ năm 2015 đến nay, người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh đã tổ chức được 1.991 cuộc tiếp xúc đối thoại, trong đó: cấp tỉnh 13 cuộc, cấp huyện 125 cuộc, cấp xã 1.853 cuộc. Thông qua các hội nghị tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của nhân dân .
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ đối thoại với cộng đồng Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh
Chính quyền các cấp đã triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc Quy chế; xác định công tác dân vận là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tinh thần phục vụ nhân dân. Quan tâm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về công tác dân vận thành chương trình, kế hoạch công tác và biện pháp cụ thể để tổ chức thực hiện. Phân công đồng chí lãnh đạo UBND phụ trách công tác dân vận chính quyền. Triển khai thực hiện tốt Quyết định số 1533/QĐ-UBND, ngày 22/5/2018 của UBND tỉnh về Quy định tiêu chí đánh giá công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 18/CT- UBND ngày 31/8/2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tỉnh”; Chỉ thị số 13/CT-UBND, ngày 31/8/2018 của UBND tỉnh về tăng cường công tác cải cách hành chính gắn với trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc. Các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các quy định về thủ tục hành chính, danh sách người hưởng các chế độ, chính sách được các địa phương công khai bằng nhiều hình thức. Hầu hết các xã, phường, thị trấn đã tổ chức cho nhân dân bàn, tham gia ý kiến vào dự thảo các nghị quyết của HĐND, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trước khi trình HĐND, UBND quyết định được đa số nhân dân đồng tình ủng hộ và triển khai thực hiện có hiệu quả.
Các sở, ban, ngành thực hiện công khai dân chủ trong quản lý, điều hành. Nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính và đã tăng cường sửa đổi tác phong, lề lối làm việc, thái độ phục vụ nhân dân. Công tác tiếp dân được đổi mới; việc tổ chức đối thoại trong quá trình giải quyết đơn thư được thực hiện tốt hơn; những vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài cơ bản đã được giải quyết.
Các đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh nắm chắc địa bàn, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân không để các thế lực thù địch có cơ hội lôi kéo, kích động tổ chức các hoạt động “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ”. Tham gia giải quyết nhiều vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự xã hội, xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, người có công, gia đình khó khăn, hộ nghèo, chức sắc tôn giáo nhân các ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn của đất nước, địa phương.
Hệ thống dân vận các cấp đã phát huy được vai trò, chức năng, nhiệm vụ và có nhiều đổi mới trong công tác tham mưu, đề xuất với cấp ủy, phối hợp với chính quyền, các cơ quan liên quan trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận; phân công cán bộ thường xuyên bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình nhân dân. Tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện những việc mới, việc khó như: Công tác dân vận tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng; tham gia giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo của công dân; phối hợp tham mưu việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan tham mưu cho tỉnh giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, góp phần ổn định tình hình ở địa phương như: Vụ việc ở Chợ Cuối (Gia Lộc); Chợ Đọ, xã Ứng Hoè (Ninh Giang); ở xã Lai Vu, xã Cổ Dũng (Kim Thành), Đông Kỳ (Tứ Kỳ); Lương Điền (Cẩm Giàng)…Tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền triển khai thực hiện có hiệu quả công tác dân vận chính quyền; phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Cuộc thi báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” giai đoạn 2017- 2020 với nhiều hình thức mới, có sức lan tỏa và đạt hiệu quả thiết thực. Hằng năm, ban dân vận các cấp đều xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp thực hiện công tác dân vận với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành và lực lượng vũ trang tỉnh.
Đoàn kiểm tra Tỉnh uỷ do đồng chí Nguyễn Văn Phú, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ kiểm tra 10 năm thực hiện Quy chế công tác dân vận tại Huyện uỷ Cẩm Giàng
MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phát động và tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, chương trình hoạt động gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, củng cố, xây dựng ban công tác mặt trận, các chi hội, chi đoàn ở khu dân cư. Thực hiện nề nếp, hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Từ năm 2015 đến nay, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tiến hành giám sát được 8.244 cuộc, trong đó cấp tỉnh 84, cấp huyện 396, cấp cơ sở 7.764. Về phản biện xã hội, Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã tổ chức được 10 hội nghị, cấp huyện và xã 23 hội nghị trên nhiều lĩnh vực của địa phương, đơn vị.
Những kết quả đạt được trong công tác dân vận hệ thống chính trị đã góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp đề ra trong nhiệm kỳ 2015-2020. Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể tỉnh Hải Dương xác định cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị gắn với thực hiện Chương trình hành động số 37-CTr/TU, ngày 20/8/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Tiếp tục phát huy hiệu quả công tác dân vận chính quyền để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; nâng cao đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của nhân dân; xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà trong quá trình thi hành công vụ. Tiếp tục chỉ đạo MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; thực hiện tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi để MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội phát huy tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng tham mưu của Ban Dân vận, MTTQ, các đoàn thể chính trị- xã hội các cấp trong thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận nhằm đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.